Nằm ngay bên dưới nơi tòa tháp đôi đã từng tọa lạc, Bảo tàng Quốc gia trong tổ hợp khu tưởng niệm lưu giữ những ký ức về sự kiện 11/9 là một khoảng không gian rộng lớn với rất nhiều hình ảnh sống động về ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Theo Giám đốc Bảo tàng Alice Greenwald, mỗi hiện vật còn sót lại của vụ tấn công ngày 11/9/2001 đều mang đến cho người tham quan những câu chuyện rất đáng để kể lại. Từ phần kết cấu thép còn lại của tòa tháp đôi đến những vật dụng nhỏ bé như chiếc đồng hồ đeo tay của một nạn nhân để lại đều có sức mạnh riêng để kết nối người xem với lịch sử. Được biết, hiện có 24 hiện vật lớn đã được cài đặt bên trong và những người đến Ground Zero sẽ phải trả 20-25 USD để có thể đi vào trong bảo tàng dưới lòng đất và chiêm ngưỡng nó.
Những người thiết kế bảo tàng muốn đem tới cho du khách là một cảm nhận như chính họ đã chứng kiến, vượt qua và trở thành một trong những người sống sót sau vụ khủng bố. Bước chân vào đây, người ta sẽ nhìn thấy hai kết cấu thép khổng lồ cao tới 21m từng đặt nền móng cho tòa tháp phía Bắc. Xuống sâu hơn nữa, du khách có thể ngắm nhìn những mảnh thép đã bị kéo rời khỏi mặt đất vào năm 2002. Và khi đi xuống khu vực dưới, người xem sẽ khám phá một trong những cột thép trực tiếp bị bị uốn công bởi chuyến bay số 11 định mệnh đâm vào tòa tháp phía Bắc.
Có lẽ phần ảm đạm nhất trong Bảo tàng chính khu vực tái hiện chiếc cầu thang đã cung cấp lối thoát cho hàng trăm người cố gắng chạy trốn khỏi tòa nhà trước khi nó đổ sập hoàn toàn. Người ta sẽ có cảm giác đang đi xuống bằng chiếc cầu thang tương tự như hàng trăm người khác đã đi qua để tìm kiếm sự tồn tại. Còn khá nhiều khu vực khác vẫn đang được hoàn thiện như chiếc lá cờ thép có hình dạng như một lá cờ bay trong gió với dải ruy băng đỏ, cột thép hình chữ T trong cụm từ "World Trade Center cross" được phục hồi bởi hàng trăm công nhân tìm kiếm trong đống đổ nát, hay chiếc xe cứu hỏa của công ty Engine số 21 gần như được giữ lại nguyên vẹn.
Dù nhận được nhiều lời khen tặng, việc xây dựng Bảo tàng cũng vấp phải không ít lời chì trích. Hãng tin AP từng cho biết chi phí dự toán cho toàn bộ dự án (bao gồm khu tưởng niệm đã khánh thành một phần và bảo tàng ngầm đang xây dựng) sẽ đội lên con số 700 triệu USD. AP đưa ra một số dẫn chứng như công viên quân sự quốc gia Gettysburg ở bang Pennsylvania mỗi năm chỉ ngốn 8,4 triệu USD chi phí vận hành, khu tượng đài kỉ niệm lính Mỹ trong trận Trân Châu Cảng tại Hawaii tốn 3,6 triệu USD… Trong khi đó, mỗi năm nước Mỹ phải chi đến 60 triệu USD cho chi phí vận hành tổ hợp công trình này.
Tuy nhiên, theo đơn vị quản lý của dự án thì không thể so sánh công trình này với các khu tưởng niệm - bảo tàng khác vì vị trí đặc thù và tầm vóc sự kiện mà nó tưởng niệm. Dự kiến, chỉ riêng cho công tác an ninh quanh khu tưởng niệm đã phải chi đến 12 triệu USD/năm vì nơi này có nguy cơ cao là mục tiêu lần nữa của bọn khủng bố. Riêng chi phí vận hành hai đài phun nước đánh dấu vị trí hai tòa tháp đổ sập cũng có thể lên con số 5 triệu USD/năm, chưa kể khi bảo tàng ngầm được hoàn thành, chi phí cho công tác bảo quản hiện vật, nhân viên hướng dẫn… có thể vượt mốc 100 triệu USD/năm.
Hiện các kỹ sư đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng của khu tưởng niệm để kịp mở cửa đón du khách tham quan vào đầu năm 2014.
Ground Zero là thuật ngữ chỉ vùng bình địa ngay chỗ một quả bom nguyên tử phát nổ, không còn gì sống sót cả. Sau vụ tấn công khủng bố bằng máy bay vào Trung tâm Thương mại thế giới tại New York ngày 11/9/2001 khiến 2.977 người thiệt mạng, giới truyền thông Mỹ đã gọi nơi mà hai tòa tháp đôi của trung tâm bị phá sập này là Ground Zero (Khu vực số 0). Hiện nay, Ground Zero đã trở thành nơi tưởng niệm những nạn nhân xấu số cùng với sự hiện diện của Tòa tháp Tự do (Freedom Tower) thay thế Trung tâm Thương mại thế giới, Đài tưởng niệm đã khánh thành năm 2011 và một tổ hợp Khu tưởng niệm- bảo tàng sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2014.
HÀ ANH (Theo Nydailynews, AP)