Vợ chồng ông Robert Taylo. |
Robert Taylor kể, ông sinh ra và lớn lên tại Anh. Ngày từ thời niên thiếu ông đã có một niềm đam mê đặc biệt dành cho các quân trang, vũ khí cổ. Năm 18 tuổi, khi bắt đầu làm ra tiền, Robert Taylor mạnh dạn dùng tháng lương đầu tiên để mua một thanh kiếm cổ với giá khá cao. Đây là cột mốc đánh dấu công cuộc sưu tầm, tích lũy các loại vũ khí cổ của ông.
Sau này, với công việc của một kỹ sư, ông có cơ hội đi nhiều quốc gia có bề dày lịch sử ở châu Âu và châu Á như: Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan… để sưu tầm các món vũ khí độc, lạ. Đi đến đâu, khi nhìn thấy bất cứ tài liệu, sách vở hoặc hình ảnh thực tế về súng, đạn, quân trang, quân phục, ông luôn bị cuối hút và chú tâm tìm hiểu năm sản xuất, thời đại, công dụng, cách sử dụng... rồi cất giữ làm của riêng cho mình.
Duyên với Việt Nam
Năm 1990, Robert Taylor đến Việt Nam làm việc và ông quyết định chọn thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp sinh sống và công tác vào năm 1998. Nhận thấy Vũng Tàu đẹp, yên bình và du lịch phát triển, ông ấp ủ ý định mang bộ sưu tập vũ khí tích lũy được về Việt Nam và trưng bày tại tại đây để tạo điều kiện cho người Việt Nam tham quan và tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của các nước qua những loại vũ khí cổ mà ông đã cất công sưu tầm.
Sau nhiều năm xây dựng ý trưởng, năm 2011, ông được cơ quan ban ngành nhà nước Việt Nam giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cấp phép hoạt động Bảo tàng vũ khí cổ tại số 98 Trần Hưng Đạo. May mắn hơn, ông đã gặp được người phụ nữ Việt là bà Nguyễn Thị Thu Trang và kết hôn vào năm 2015. Đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu, thương yêu cùng với lòng ngưỡng mộ niềm đam mê sưu tầm vũ khí cổ của chồng, bà Trang hiện là Giám đốc Bảo tàng đã hỗ trợ cho ông trong suốt những năm qua để xây dựng bảo tàng.
Hiện tại, Bảo tàng vũ khí cổ của ông Robert Taylor có khoảng 4.000 hiện vật bao gồm các loại quân phục, súng, kiếm, các dụng cụ bảo vệ từ thế kỷ XVII đến thế kỷ thứ XX. Không chỉ trưng bày cho người dân Vũng Tàu chiêm ngưỡng, du khách khắp nơi đến đây lại có thêm một điểm tham quan có chiều sâu văn hóa, lịch sử với những hiện vật từ Cổ đại (La Mã, Hy Lạp, Thành Bang Sparta, Mông Cổ, các triều đại phong kiến Trung Quốc, chiến binh Samurai của Nhật Bản, cuộc chiến Napoleon) đến Cận đại (với quân phục, súng ống, đạn dược từ những năm 1620 của nhiều nước như Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật, Nam Phi, Đức, Nga, Australia).
Khách thăm quan Bảo tàng vũ khí cổ của Robert Taylor. |
Ngắm vũ khí để trân trọng hòa bình
Bảo tàng của Robert Taylor được trưng bày rất khoa học trong 3 tòa nhà với các hiện vật được sắp xếp đúng với niên đại, quân phục cùng vũ khi, các hình nộm được làm đúng chuẩn với kích cỡ người thật.
Tòa nhà đầu tiên là phòng trưng bày từ thời kì cổ đại đến trung cổ với hình nộm các chiến binh Viking, Sparta, bộ binh Hy Lạp cổ, binh lính Trung Quốc qua các triều đại, các Samurai và Shogun của Nhật Bản, đội quân thập tự chinh… Ở đây, nhiều bộ giáp, kiếm cổ còn nguyên vẹn. Ngoài ra, một số thanh gươm và súng của các dân tộc ít người phía Bắc Việt Nam từ thế kỉ XIX cũng được trưng bày dọc hành lang để du khách chiêm ngưỡng.
Tòa nhà thứ 2 là bộ sưu tập toàn bộ các quân chủng của quân đội Anh thời cận đại như: bộ binh, kỵ binh hoàng gia, pháo binh, lính hậu cần, hải quân cho đến quân đội thuộc địa đều có mặt với lịch sử của từng sư đoàn nổi bật. Du khách bước chân lên lầu 2 là phòng trưng bày quân phục và binh khí, mũ… của quân đội các nước châu Âu như Nga, Đức, Pháp, Áo, Thụy Điển, Phần Lan…
Tòa nhà thứ 3 trưng bày về quân đội Mỹ, Hoàng gia Úc… thời hiện đại và một số loại vũ khí trong chiến tranh thế giới thứ II như: súng máy Maxim và súng tiểu liên PPS-43 của Nga, súng liên thanh Bren MKI và súng máy Vickers của Anh.
Đáng chú ý, trong bộ sưu tập của ông là các loại súng lục có niên đại từ những năm 1700; súng trường, súng máy hạng nặng, hạng nhẹ trước thế chiến thứ 1 và thứ 2 của Nga, Đức, Anh, Pháp. Đặc biệt, ông còn giữ được 1 súng hoả mai của Hà Lan sản xuất năm 1851. Đây là 1 trong 2 súng hỏa mai còn lại trên thế giới tính đến thời điểm này và cây súng kia được trưng bày tại Bảo tàng London của Anh.
Robert Taylor hy vọng bảo tàng của mình sẽ mang lại những trải nghiệm thích thú cho du khách, giúp mọi người hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của thế giới. Năm 2011, bảo tàng của ông đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là Bảo tàng vũ khí cổ tư nhân lớn nhất Việt Nam.
“Nhắc tới vũ khí người ta thường nghĩ tới chiến tranh, mất mát. Tuy nhiên, vũ khí cũng là công cụ để giành lấy độc lập, thái bình. Khi sưu tầm và trưng bày tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng các thời đại của nhiều quốc gia trên thế giới cho mọi người thưởng lãm tôi muốn chuyển tải thông điệp: Những gì đã thuộc về lịch sử, quá khứ hãy khép lại. Hãy trân trọng giá trị hòa bình, trân trọng cuộc sống tự do, bác ái hôm nay và vươn tới tương lai tươi đẹp, hạnh phúc”, ông chia sẻ.