Các thành viên của Báo chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: Anh Tuấn) |
Dịp cuối năm, cả tòa soạn không nằm ngoài guồng quay của sự bận rộn, nhưng đến hẹn lại lên, vào dịp kỷ niệm ngày ra số báo đầu tiên (29/11/1989-2023), chúng tôi cùng nhau tham gia một chuyến về nguồn, cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, nhìn về chặng đường phía trước, để những bàn tay đoàn kết càng nắm chặt thêm… Lần kỷ niệm 34 năm nay, chúng tôi về Đá Chông để báo công với Bác Hồ.
Tìm về Đá Chông
Năm nay, mùa Đông đến muộn. Bầu trời cuối tháng 10 âm lịch rực rỡ, ấm áp nắng Thu. Chuyến xe chở chúng tôi chầm chậm lướt trên con đường Khu di tích K9 – Đá Chông hiện ra trước mắt yên tĩnh, đẹp trang nghiêm giữa hai hàng chò chỉ thẳng tắp còn bảng lảng hơi sương.
Đã từ lâu, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh yên nghỉ, cái tên Đá Chông trở nên thân thương với hàng triệu người dân Việt Nam. Với chúng tôi, K9 lại càng quen thuộc, bởi trong hành trình về nguồn của TG&VN, cứ vài năm, chúng tôi cùng nhau trở lại nơi đây, luân phiên với những khu di tích cách mạng quan trọng khác.
Trong không khí sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng “sinh nhật” 34 năm của Báo và hướng tới Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 21 vào giữa tháng 12, chuyến tham quan khu K9 - Đá Chông của đoàn cán bộ, nhân viên Báo TG&VN mang ý nghĩa đặc biệt. Đoàn đã thành kính dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc.
Chia sẻ với các thành viên của Báo, Tổng Biên tập Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh ý nghĩa báo công với Bác Hồ về những thành tích mà tập thể Báo đã nỗ lực trong năm qua. Với truyền thống 34 năm trưởng thành và phát triển, chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ có sự đóng góp, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước. “Ghi nhớ công lao của cha ông và đoàn kết để xây dựng Báo phát triển, đóng góp xây dựng đất nước nói chung và ngành Ngoại giao nói riêng là nhiệm vụ mà chúng ta luôn cần tập trung để đạt được hiệu quả cao nhất”, người đứng đầu cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao khẳng định.
Do đặc thù công việc cần cập nhật thông tin liên tục lên báo điện tử, một số anh chị em tham gia trong đoàn vừa di chuyển, vừa trực làm báo có phần vất vả. Hoạt động tác nghiệp không dễ dàng nhưng không vì thế làm giảm đi tinh thần phấn chấn của cả đoàn trong chuyến đi đầy ý nghĩa, vừa là để khai thác thông tin thực tế ở khu di tích, vừa là dịp kỷ niệm và khơi dậy lòng tự hào, sự gắn kết và tình cảm giữa những người đồng nghiệp mà giờ đây cũng không khác gì những người anh, người chị, người em ở ngôi nhà thứ hai của mỗi người - “Gia đình TG&VN”.
Hiểu rằng cả tòa soạn còn rất nhiều nhiệm vụ quan trọng từ nay đến cuối năm và trong thời gian tới, các anh chị em có mặt tại khu K9 – Đá Chông đều ý thức rằng đây là chuyến đi kỷ niệm nhưng cũng vẫn cần phát huy tối đa tinh thần làm việc hiệu quả.
Chúng tôi cùng nhau đến Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quần thể khu K9. Đây là nơi chứa đựng cả một kho tàng lịch sử, văn hóa - nhắc nhở chúng ta ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam “nâng niu tất cả, chỉ quên mình”.
Hướng dẫn viên của Ban Quản lý Khu Di tích K9 – Đá Chông giới thiệu nơi Bác yên nghỉ. (Ảnh: M.H) |
Chúng con báo công Bác
Trong Lễ báo công dâng Bác, chúng tôi thực sự tự hào khi nghe Tổng Biên tập báo cáo những thành tích của Báo trong suốt năm qua. Trong dòng chảy chung của báo chí đối ngoại nước nhà, dù còn gặp nhiều khó khăn, những thành tích của Báo như những viên gạch, góp phần dần xây dựng nên những công trình to lớn hơn trong lĩnh vực thông tin đối ngoại của đất nước.
Các sản phẩm của Báo, từ báo in xuất bản hằng tuần, báo điện tử tiếng Việt và phiên bản tiếng Anh, đến các chuyên trang, đặc san... đều mang đậm “hơi thở” đối ngoại của đất nước, của Bộ Ngoại giao. Báo TG&VN ngày càng khẳng định được vị thế là tờ báo đối ngoại hàng đầu của Việt Nam và ngày càng định vị được chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả. Trong quá trình báo chí Việt Nam và thế giới đang nhộn nhịp số hoá, Báo TG&VN đã nỗ lực thích ứng, không ngừng đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả. Các sản phẩm của Báo ngày càng đa dạng hình thức chuyển tải thông tin trên nền tảng số với đủ text, ảnh, biểu đồ, video, quiz, infographic, e-magazine... bước đầu nhận được sự phản hồi tích cực. Công chúng của Báo đã mở rộng hơn, không chỉ độc giả trung thành ở độ tuổi 36-50 mà cả những bạn trẻ Gen Z, không chỉ độc giả trong nước mà mở rộng ra nhiều người nước ngoài ở khắp năm châu.
Đặc biệt, Báo TG&VN thường xuyên được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng là một trong năm tờ báo có độ lan tỏa cao theo tuần. Nhiều bài báo chất lượng cao của Báo đã xuất hiện trong các mục “Điểm báo” của các kênh truyền hình lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình An ninh...
Một thành tích đáng tự hào trong năm nay là lần đầu tiên Báo được ghi danh với số lượng nhiều nhất và giải thưởng cao nhất tại Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ IX (một giải Nhì, một giải Ba và hai giải Khuyến khích). Lần đầu tiên Báo tham gia giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thành phố Hà Nội lần thứ V và ghi điểm với một giải Khuyến khích. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng Bằng khen cho Báo về thành tích truyền thông cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng...
Trong không khí thành kính, tự hào, tôi thực sự xúc động khi nghĩ về những thành quả “đáng nể” mà Báo đã làm được với số lượng cán bộ và nhân viên không phải đông đảo như hiện nay.
Nếu như đá cũng biết đổ mồ hôi thì chúng tôi cũng ngạc nhiên với chính mình bởi sức làm việc bền bỉ, dẻo dai của anh chị em ngày đêm cống hiến phục vụ mảng thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao và của đất nước khi chúng hiển hiện trên những ấn phẩm báo chí, truyền thông chất lượng cao.
Cùng hướng về tương lai
Đoàn chúng tôi đi theo cán bộ hướng dẫn đến thăm nhà công vụ. Mùa này, sân nhà công vụ phủ đầy cánh hoa ban Tây Bắc. Mọi người đều xúc động khi thăm nơi Bác Hồ ngồi nghỉ, khi chọn vùng đất này để xây dựng khu căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ vào năm 1957. Nơi ấy có ba tảng đá nhô cao như chông, được ví như vây rồng, với hình đầu rồng hướng về phía sông Đà như để uống nước. Cô hướng dẫn viên thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích đó cũng là nguồn gốc của tên gọi Khu di tích Đá Chông.
Tại đây, chúng tôi có dịp thăm căn phòng từng được các chuyên gia Liên Xô sử dụng để làm thuốc gìn giữ thi hài Bác. Tại đây, năm chiếc xe từng phục vụ Bác khi mất cũng được Ban Quản lý Khu di tích giữ gìn hết sức cẩn thận. Với tôi, chiếc xe ZIL 157 mang biển số 470-189, là chiếc xe đặc biệt được Đội 295, Cục Quản lý xe máy, Tổng cục Hậu cần nghiên cứu, cải tạo các bộ phận máy, bệ, gầm, đặc biệt là bộ nhíp giảm xóc, sao cho xe vẫn có thể chạy nhanh nhưng lại giảm độ rung xóc ở mức thấp nhất. Chiếc xe đã đảm nhận nhiệm vụ đưa thi hài Bác từ Đá Chông về Hà Nội.
Trong ánh nắng rực rỡ, chúng tôi thả bộ ven dọc con đường với những vạt dã quỳ thơ mộng. Làn gió man mát thổi khẽ qua, khiến mỗi thành viên chúng tôi đều cảm thấy hân hoan. Chuyến trở về cội nguồn cho chúng tôi hiểu hơn về dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên và cũng là người sáng lập, người thầy của báo chí Cách mạng Việt Nam. Chuyến trở về cội nguồn, vì lẽ đó, càng bồi đắp thêm cho chúng tôi quyết tâm để hoàn thành tốt hơn nữa những nhiệm vụ phía trước. Nói như Tổng Biên tập của chúng tôi, đối với TG&VN, thêm một tuổi là thêm một bước trên hành trình cống hiến và trưởng thành, với tâm niệm như lời dạy của Bác: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”.