Nhỏ Bình thường Lớn

Bảo tồn, phát huy di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch: Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Với bề dày lịch sử khoảng 5.000 năm, bất chấp lịch sử đầy biến động thăng trầm, Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đây cũng là quốc gia xây dựng được thương hiệu, biến di sản văn hóa thành một phần quan trọng của ngành du lịch, lấy di sản văn hóa để tạo điểm nhấn, tăng tính hấp dẫn và sự hài lòng của du khách.

Tin liên quan
Tấm lòng của nhà văn Hàn Quốc dành cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Tấm lòng của nhà văn Hàn Quốc dành cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sức hấp dẫn của du lịch di sản văn hóa

Hàn Quốc hiện có 14 di sản thế giới được UNESCO công nhận, một trong số đó thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch mỗi năm như: Cung điện Changdeokgung; Pháo đài Hwaseong; Di tích khu mộ đá Gochang, Hwasun và Ganghwa; Khu di tích lịch sử Gyeongju; Quần thể lăng mộ triều đại Joseon; Làng lịch sử Hahoe và Yangdong; Đảo núi lửa Jeju...

Những di tích này không chỉ mang giá trị kiến trúc mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. Việc tổ chức các tour tham quan, lễ hội tại các di tích này tạo cơ hội để du khách hiểu rõ hơn về văn hóa và lịch sử của đất nước.

Du khách cũng có thể thử mặc lên người bộ trang phục truyền thống hanbok của người Hàn; tham gia các khóa học nấu ăn, hoặc các tour ẩm thực để học cách chế biến và thưởng thức các món ăn truyền thống Hàn Quốc.

Bảo tồn, phát huy di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch: Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Diễu hành ở Cung điện Gyeongbokgung, Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: bordersofadventure.com)

Một số ngôi làng cổ ở quốc gia này được ví như những trang sách sống động, ghi lại những nét văn hóa độc đáo, từ kiến trúc nhà cửa, phong tục tập quán đến những câu chuyện truyền miệng. Đây là cách mà người Hàn Quốc khẳng định di tích lịch sử có khả năng “nói” lên tiếng nói của những người đang sống trong thế giới ngày nay và biến chúng thành tài sản du lịch văn hóa.

Người Hàn Quốc rất chú trọng giới thiệu các phong tục tập quán đặc trưng với du khách nước ngoài. Những cách giới thiệu rất tự nhiên và thực tế, chẳng hạn khi giới thiệu về Phật giáo, du khách được đưa về những ngôi chùa cổ, nghe giảng đạo và ngủ đêm ở chùa.

Tại đó, du khách sẽ tham gia các công việc của nhà chùa như quét sân, tham quan nơi ở, nơi ăn của sư, sãi trong chùa, chiêm ngưỡng những không gian tái hiện cuộc sống sinh hoạt của người Hàn Quốc xưa. Qua những hoạt động này, du khách nước ngoài cảm nhận rõ nét truyền thống của Hàn Quốc.

Các giải pháp hữu ích của Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc luôn coi di sản văn hóa là điều kiện và môi trường để phát triển du lịch. Với sự nỗ lực nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước, Hàn Quốc tập trung triển khai “Sáng kiến xây dựng thương hiệu quốc gia” thông qua phát huy các di sản văn hóa trong lĩnh vực du lịch.

Với quan điểm về bảo tồn “lấy cái cũ làm nền tảng xây dựng cái mới”, “cách bảo tồn tốt nhất là sử dụng nó thường xuyên”, quốc gia này đã bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị, giúp cho các di sản văn hóa phát huy rất hiệu quả trong quảng bá văn hóa truyền thống, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế và đóng góp vào phát triển kinh tế nói chung, phát triển du lịch, dịch vụ nói riêng.

Xứ sở kim chi cũng xây dựng một hệ thống bảo tồn di sản chặt chẽ và bài bản, bảo đảm được ba mục tiêu là: bảo tồn nguyên trạng, quản lý có hệ thống và sử dụng có hiệu quả các di sản. Hệ thống này là chương trình đa cấp, hướng đến mục tiêu gìn giữ và phát triển di sản văn hóa của đất nước.

Được quản lý bởi Cục Quản lý di sản văn hóa (CHA), chương trình dựa trên cơ sở pháp lý của Đạo luật Bảo vệ di sản văn hóa năm 1962, mở rộng và nâng cấp liên tục qua các năm để phù hợp với thực tiễn. Các luật không chỉ bao gồm di sản vật thể như các công trình kiến trúc, đồ vật cổ, mà còn cả di sản phi vật thể như âm nhạc, múa và các lễ hội truyền thống.

Để phát huy giá trị di sản văn hóa, tại Hàn Quốc, các chương trình như “Công viên di sản văn hóa” dành cho học sinh tiểu học giúp trẻ em tiếp cận và tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống.

Các lớp học về thủ công, ẩm thực và lễ hội cũng được tổ chức thường xuyên, nhằm giáo dục thế hệ trẻ về tầm quan trọng của di sản văn hóa, tạo ra sự kết nối giữa các thế hệ.

Thêm vào đó, chính phủ Hàn Quốc tăng cường đào tạo và nghiên cứu về du lịch văn hóa nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch văn hóa của đất nước, bên cạnh việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu, trung tâm thực hành, các trường chuyên về du lịch văn hóa.

Xứ sở kim chi thực hiện tốt chính sách tài chính dành cho doanh nghiệp cũng như lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản.

Các doanh nghiệp du lịch văn hóa, nhà hàng, khách sạn được cấp các khoản vay vốn và hỗ trợ tài chính để nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới như trải nghiệm truyền thống, ẩm thực Hàn Quốc, du lịch đường sắt và du thuyền.

Việc bảo tồn di tích lịch sử không chỉ mang lại giá trị văn hóa mà còn tác động tích cực đến phát triển kinh tế. Khi các di tích được bảo tồn và phát huy, lượng du khách tham quan tăng lên, tạo nguồn thu cho địa phương.

Các sản phẩm du lịch kết hợp với di sản văn hóa như tour trải nghiệm, chương trình ẩm thực truyền thống không chỉ thu hút du khách mà còn tạo ra việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Điều này cho thấy rằng bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế có thể song hành cùng nhau, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và kinh tế quốc gia.

Hàn Quốc đã áp dụng nhiều chiến dịch tôn tạo, như cải tạo khu vực xung quanh Cung điện Gyeongbokgung và phát triển các trung tâm thông tin du lịch tại các di tích. Những nỗ lực này không chỉ giúp duy trì giá trị di sản mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho du khách trải nghiệm văn hóa và lịch sử.

Các sự kiện văn hóa quảng bá văn hóa đặc trưng của đất nước, như: lễ hội ánh sáng Seoul, lễ hội hoa đào Jinhae, lễ hội nghệ thuật Busan, lễ hội trà Boseong và lễ hội nấm Pyeongchang… thường xuyên được tổ chức. Triển lãm nghệ thuật Busan và Festival kim chi Hàn Quốc không chỉ thu hút sự quan tâm của du khách mà còn góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của di sản.

Bảo tồn, phát huy di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch: Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Tháp Nam San - biểu tượng của tình yêu. (Nguồn: agoda.com)

Hiện nay, một số ngôi làng ở Hàn Quốc đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Ở đó, những gia đình có nhiều thế hệ sinh sống đều có ý thức để bảo tồn giá trị văn hóa của địa phương nhằm thu hút khách du lịch.

Chính phủ Hàn quốc tổ chức định kỳ các sự kiện ở địa phương nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, giúp toàn dân hiểu về giá trị những gì mình đang có, tôn vinh và nghiêm khắc trong ứng xử với di sản của quốc gia.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục và quảng bá di sản văn hóa của chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận tích cực thu hút cộng đồng khôi phục các tập quán truyền thống và bảo đảm chúng được truyền qua nhiều thế hệ.

Các trường học ngày càng kết hợp lịch sử địa phương và nghệ thuật truyền thống vào chương trình giảng dạy của mình, nuôi dưỡng cảm giác tự hào và hiểu biết trong giới trẻ. Một số chương trình như: Công viên di sản văn hóa (Chương trình giáo dục dành cho học sinh tiểu học); Người mơ ước và biểu diễn di sản văn hóa (Chương trình giáo dục dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông)… hiện rất thu hút các thanh thiếu niên Hàn Quốc.

Ngoài ra, qua các phương tiện truyền thông, nhận thức và tình yêu của người dân đối với di sản được nâng cao. Một số cuộc thi về sáng tác, thi viết phóng sự các hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn di sản... cũng được chính quyền quan tâm đầu tư.

Hàn Quốc cũng chú trọng đến sự trao truyền và tiếp nối. Quỹ Di sản văn hóa Hàn Quốc hỗ trợ các chương trình học cho thanh thiếu niên và cung cấp chương trình đào tạo chuyên nghiệp nhằm bồi dưỡng chuyên môn cho các giảng viên chuyên về thủ công truyền thống và di sản văn hóa để trao lại cho thế hệ tiếp theo.

Song song với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát huy giá trị di sản gắn với du lịch được tận dụng để bảo tồn và phục hồi các di sản, chẳng hạn như: công nghệ như 3D scanning, thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).

Bảo tàng ảo, lớp học trực tuyến và chiến dịch truyền thông xã hội cho phép phổ biến rộng rãi hơn kiến ​​thức truyền thống. Ví dụ: các lớp học nấu ăn Hàn Quốc được tổ chức trực tuyến trở nên vô cùng phổ biến, cho phép mọi người trên toàn thế giới khám phá sự phức tạp của ẩm thực Hàn Quốc. Điều này không chỉ giúp bảo tồn di sản một cách bền vững mà còn tạo ra trải nghiệm mới lạ và hấp dẫn cho người tham quan.

Phụ nữ Việt Nam-Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm đóng góp trong phát triển kinh tế xanh

Phụ nữ Việt Nam-Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm đóng góp trong phát triển kinh tế xanh

Ngày 10/9, Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ XI đã được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề "Kinh tế xanh ...

Bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một

Bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Kế hoạch và dự toán tổ chức Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục ...

Hội thảo Du học Nhật Bản 2024: Cầu nối phát triển giáo dục và văn hóa

Hội thảo Du học Nhật Bản 2024: Cầu nối phát triển giáo dục và văn hóa

Ngày 20/10, Hội thảo Du học Nhật Bản 2024 đã được tổ chức tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo học ...

Bộ trang sức văn hóa Sa Huỳnh được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia

Bộ trang sức văn hóa Sa Huỳnh được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia

Đây là bộ trang sức phát hiện được từ đợt khai quật khảo cổ ở khu mộ táng Lai Nghi (thị xã Điện Bàn, tỉnh ...

Khoác ‘tấm áo mới’ cho văn hóa truyền thống

Khoác ‘tấm áo mới’ cho văn hóa truyền thống

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Vì vậy, bảo tồn và phát huy truyền thống văn ...