Ảnh minh họa |
Bất cập từ… khái niệm
Đơn cử về việc mua lại cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nếu có sự tham gia của NĐTNN vào một khách sạn do người Việt Nam làm chủ, khách sạn đó bắt buộc phải loại bỏ ngành nghề kinh doanh rượu. Hay như quyền mua cổ phần chào bán hoặc góp vốn bổ sung của NĐTNN cũng bị hạn chế đối với một số lĩnh vực ngành nghề. Điển hình như quy định kinh doanh trong lĩnh vực phân phối và hoặc liên quan đến phân phối thì mới thụ lý hồ sơ cho phép bán cổ phần, vốn góp cho NĐTNN của DN.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do một số cơ quan Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cho rằng những ngành nghề không được quy định trong Biểu Dịch vụ của Cam kết WTO thì không được phép "chào bán cổ phần" cho NĐTNN. Trong khi một số cơ quan ĐKKD khác lại có suy nghĩ ngược lại vì cho rằng đó là "sự mở cửa thị trường của nhà nước Việt Nam". Cách hiểu khác nhau này đã làm hạn chế khả năng thu hút vốn ĐTNN của các DN Việt Nam.
Ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết khái niệm "DN có vốn ĐTNN" chưa rõ ràng trong chế độ đối xử giữa DN có vốn ĐTNN có sở hữu của NĐTNN trên và dưới 49%. Khó khăn trong theo dõi DN có tỷ lệ sở hữu của NĐTNN thấp.
Còn Ts. Nguyễn Sơn - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt vấn đề, khái niệm này khiến NĐTNN đầu tư mua cổ phiếu, hoặc thông qua ủy thác đầu tư tại các quỹ đầu tư, nhưng nắm giữ tỷ trọng lớn và tham gia vào HĐQT thì có còn là đầu tư gián tiếp nữa hay không? Và nếu chỉ nắm giữ một thời gian rồi bán ra không tham gia HĐQT nữa thì sao? Theo ông Sơn, là DN có phần vốn tham gia của NĐTNN, chỉ cần có vốn của nước ngoài mà không quan tâm đến tỷ lệ, mức ảnh hưởng, chi phối hoặc quản lý. Trong trường hợp này, thì những lĩnh vực, ngành nghề mà không cho phép tham gia của NĐTNN thì nước ngoài sẽ không được phép mua cổ phần như phân phối dược phẩm; khách sạn; xuất khẩu thuyền viên. Như vậy, nếu DN có vốn ĐTNN được hiểu là có vốn nước ngoài (dù chỉ 1 cổ phần) cũng không được tham gia vào lĩnh vực hạn chế theo cam kết.
Sớm ban hành một số giải pháp
Theo ông Tuấn, chính các văn bản hướng dẫn cũng có nhiều điểm khác nhau dẫn đến việc áp dụng thủ tục đầu tư khác nhau trong việc thành lập mới DN của NĐTNN. Lúng túng trong việc áp dụng pháp luật đối với những trường hợp thay đổi từ DN có vốn ĐTNN thành DN trong nước và ngược lại.
Xuất phát từ thực tế trên và để giải quyết những vướng mắc đối với DN FDI chuyển đổi, ông Sơn đề xuất cơ quan quản lý cần sớm ban hành một số giải pháp. Chẳng hạn, cho phép các DN FDI chuyển đổi không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐTNN. Các DN FDI chuyển đổi chỉ bị khống chế tỷ lệ sở hữu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, hoặc danh mục ngành nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, như lĩnh vực ngân hàng cho phép FDI là 100% vốn nước ngoài, trong khi ngân hàng cổ phần sở hữu nước ngoài tối đa là 30% vốn điều lệ.
Việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trong DN FDI chuyển đổi thành công ty cổ phần có thể gây đôi chút bất bình đẳng cho DN trong nước cùng ngành nghề (bị hạn chế 49% theo Quyết định 55/2009/QĐ-TTg). Tuy nhiên, xét về nguồn vốn hình thành cũng như phương thức thành lập DN FDI và DN trong nước cùng ngành nghề là hoàn toàn khác nhau. DN FDI hình thành từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tức NĐTNN kiểm soát DN FDI ngay từ khi thành lập, do vậy không có lý do gì để hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài 49% của loại hình DN này khi chuyển đổi sang công ty cổ phần. Trong khi DN trong nước cùng ngành nghề hình thành từ nguồn vốn nội địa và hiện chỉ khuyến khích NĐTNN sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ.
Việt Nguyễn