📞

Bảo vệ lợi ích công nhìn từ vụ cháy chung cư mini

TS. Nguyễn Văn Đáng 20:41 | 14/09/2023
Vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), xảy ra vào đêm 12/9 khiến 56 người tử vong đã gây bàng hoàng cho xã hội.
TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, sự cố cháy chung cư mini vừa qua làm nổi bật hơn nhu cầu bức thiết bảo vệ lợi ích công.

Nhu cầu bảo vệ lợi ích công

Đáng chú ý, sự cố cháy chung cư vừa qua cũng làm nổi bật hơn nhu cầu bức thiết bảo vệ lợi ích công, qua đó bảo đảm sự an toàn mang tính tập thể gắn với một loại hình cư trú đặc thù, đang có xu hướng gia tăng tại các đô thị ở nước ta hiện nay.

Đặc điểm nổi bật của các không gian chung cư mini là mật độ cư trú cao, dân số phân bố theo số tầng. Khác với các chung cư do doanh nghiệp kinh doanh, chung cư mini do người dân tự phát xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập chưa cao, những người muốn có thêm không gian cá nhân, hoặc học sinh, sinh viên cần nơi ở ngắn hạn. Khi xảy ra tình huống nguy hiểm, cư dân chung cư mini thường chỉ có hai lựa chọn để đi xuống mặt đất là cầu thang máy hoặc cầu thang bộ, cũng là lối thoát hiểm an toàn nhất.

An toàn trước những tình huống bất thường như cháy, nổ, hỏa hoạn, chập điện… là một nhu cầu mang tính tập thể, hay còn gọi là “lợi ích công” của nhóm cư dân tại mỗi tòa nhà chung cư mini. Loại lợi ích công này phản ánh nhu cầu của mọi thành viên trong khu chung cư nhưng tự bản thân mỗi cá nhân không thể bảo đảm rằng nhu cầu đó được đáp ứng đầy đủ, hay lợi ích công đó được bảo vệ tốt nhất trong mọi tình huống. Cũng vì thế, thành viên chung cư cần đến các hành động can thiệp nhằm bảo vệ lợi ích chung giữa họ từ phía cơ quan công quyền.

Vụ hỏa hoạn tại chung cư mini ở Khương Hạ mới đây cho thấy, các biện pháp phòng ngừa hoặc tự bảo vệ của mỗi cá nhân hoặc hộ gia đình khi xảy ra tình huống nguy hiểm là chưa đủ để giúp nhóm cư dân an toàn. Với những vụ hỏa hoạn bất ngờ và lan rộng, những bình cứu hỏa nhỏ bé trở nên kém tác dụng. Lựa chọn đu dây xuống mặt đất, hay leo trèo sang nhà khác cũng chỉ giúp một vài cá nhân thoát hiểm, chứ chưa bảo đảm cả nhóm cư dân gặp nạn đều có thể thoát ra an toàn. Con số gần một trăm người thương vong cho thấy, lợi ích công chưa được bảo vệ đúng mức, khiến cho hậu quả nghiêm trọng và mang tính tập thể.

Liên quan đến vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã cho thấy khả năng phản ứng nhanh và nỗ lực rất cao. Tuy nhiên, kết quả ứng cứu của lực lượng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời gian nhận được tin báo, khoảng cách quãng đường đến nơi xảy ra vụ việc, độ rộng của đường phố dẫn đến địa điểm gặp nạn, không gian xung quanh nơi xảy ra tình huống cần hỗ trợ.

Tất cả những yếu tố nêu trên cùng với kết quả đau lòng từ sự việc này khiến chúng ta không thể chủ quan, phó thác mọi trách nhiệm bảo đảm sự an toàn của cư dân cho lực lượng ứng cứu chuyên nghiệp. Thay vào đó, chúng ta cần phải tính đến việc bổ sung những giải pháp tại chỗ, giúp nhóm người gặp nạn có thể tự cùng nhau thoát nạn, tức là bảo vệ lợi ích công, giảm thiểu hậu quả tập thể.

Lực lượng chữa cháy nỗ lực bơm dẫn nước dập lửa. (Nguồn: TP)

Cần bổ sung giải pháp tăng an toàn cho chung cư mini

Từ vụ hỏa hoạn này cho thấy khoảng trống về các biện pháp bảo vệ lợi ích công, tức là giúp mọi cư dân gặp nạn thoát ra an toàn trong mọi tình huống. Thực tế, đám cháy tại chung cư mini ở Khương Hạ được phát hiện sớm, nhiều người biết nhưng số người tử vong vẫn cao chủ yếu bởi cư dân không có lựa chọn dự phòng để thoát ra ngoài. Cầu thang bộ thì ngập khói độc dẫn đến hệ quả là phần lớn cư dân bất lực chịu trận, một số người khác đành liều mình nhảy xuống, chấp nhận may rủi.

Có một gia đình đã may mắn thoát nạn nhờ chuẩn bị sẵn thang dây. Tuy nhiên, như đã trình bày trên đây, để bảo vệ lợi ích công thì chúng ta không thể trông chờ vào các nỗ lực cá nhân. Thay vào đó, các biện pháp can thiệp của chính quyền cần được thiết kế, ban hành và thực thi nghiêm túc. Đó là những giải pháp giúp mọi cư dân gặp nạn có thêm lựa chọn và bảo đảm rằng tất cả đều có thể thoát nạn an toàn ở mức cao nhất có thể.

Bên cạnh các quy định hiện hành, một giải pháp có thể bổ sung là yêu cầu các chủ sở hữu chung cư mini phải lắp đặt thang thoát hiểm dự phòng. Loại thang này có thể làm bằng chất liệu gọn, nhẹ (sắt hoặc inox), lắp bên ngoài tòa nhà. Đây là lựa chọn đã được áp dụng phổ biến từ lâu với nhiều tòa nhà tập thể tại các đô thị ở các nước phát triển. Việc lắp thêm thang kim loại có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung của tòa nhà nhưng chắc chắn gia tăng cơ hội thoát hiểm cho cư dân khi gặp nạn.

Giải pháp thứ hai là bố trí sẵn các bộ thang dây tại mỗi tầng cũng như trên tum của tòa nhà chung cư, bên cạnh khuyến khích các hộ gia đình tự trang bị. Hệ thống thang dây cần đi kèm với những vật dụng để có thể chằng buộc người dân nếu họ không thể tự leo xuống. Như vậy, trong trường hợp gặp nạn, cư dân sẽ có nhiều cơ hội thoát hiểm hơn nhờ sự sẵn có của nhiều phương án, bao gồm: cầu thang bộ, cầu thang kim loại và thang dây.

Sự phát triển nhanh chóng của các chung cư mini tại một số địa bàn đô thị ở nước ta đáp ứng một nhu cầu có thật của một số nhóm xã hội. Vì thế, mặc dù vẫn đang tồn tại rất nhiều bất cập, chúng ta cũng cần xác định quan điểm rằng chung cư mini vẫn sẽ là phân khúc nhà ở cần thiết cho một bộ phận người dân đô thị. Thực tế này đặt ra nhu cầu bổ sung các giải pháp nhằm gia tăng mức độ an toàn cho chung cư mini.

Hậu quả đáng tiếc của một số vụ hỏa hoạn chung cư gần đây cho thấy, các quy định do Nhà nước ban hành chủ yếu hướng đến bảo vệ các lợi ích cá nhân. Cần coi trọng hơn nữa các biện pháp bảo vệ lợi ích công có thể giảm mức độ nghiêm trọng cho mỗi tình huống nguy hiểm.

Cũng vì thế, bên cạnh những can thiệp chính sách nhằm thay đổi hành vi của mỗi cá nhân cư dân, chúng ta cần nhận thức rằng để tránh những hậu quả mang tính tập thể thì cần bổ sung những quy định để bảo vệ lợi ích công, thể hiện qua hai giải pháp nêu trên đây, hướng đến mục tiêu là giảm thiểu hậu quả mang tính tập thể.