Quốc vương Bỉ Philippe (thứ 2 từ phải sang) phát biểu tại buổi họp. (Nguồn: UN) |
Đặc biệt, phiên họp có sự hiện diện và phát biểu của Quốc vương Philippe, Hoàng hậu và Bộ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng Vương quốc Bỉ - nước Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Thứ trưởng Ngoại giao Estonia, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia và nhiều Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước thành viên HĐBA.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký LHQ khẳng định, bảo vệ trẻ em là trọng tâm trong chương trình nghị sự hòa bình, an ninh của LHQ và cũng là cốt lõi của các nỗ lực ngăn ngừa xung đột; nhấn mạnh bảo vệ trẻ em là điểm khởi đầu cho các nỗ lực đối thoại, xây dựng lòng tin, đàm phán, hòa giải giữa các bên tham gia xung đột.
Nhân dịp này, Tổng Thư ký đã giới thiệu bản “Hướng dẫn dành cho các nhà trung gian hòa giải về lồng ghép các nội dung bảo vệ trẻ em trong quá trình đàm phán các thỏa thuận hòa bình” được xây dựng trên cơ sở tập hợp kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã lồng ghép thành công các nội dung bảo vệ trẻ em trong các thỏa thuận hòa bình.
Trong thảo luận, các nước chia sẻ quan ngại về tình trạng tiếp diễn các vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em bao gồm sử dụng và tuyển mộ lính trẻ em, giết hại và gây thương tật, bạo lực tình dục, bắt cóc, tấn công trường học, bệnh viện và từ chối tiếp cận nhân đạo ở nhiều vùng xung đột; khẳng định việc bảo vệ trẻ em có ý nghĩa thiết yếu để phá vỡ vòng tròn bế tắc của bạo lực và xung đột, hướng tới xây dựng hòa bình bền vững.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc khẳng định, bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang là ưu tiên của Hội đồng Bảo an, là nghĩa vụ của mỗi quốc gia thành viên và cũng là trách nhiệm lương tâm của mỗi chúng ta khi chứng kiến những tổn thương mà xung đột gây ra cho trẻ em không có khả năng tự vệ.
Đại sứ Đặng Đình Quý tại buổi họp. (Ảnh: UN) |
Đại sứ hoan nghênh bản Hướng dẫn về lồng ghép nội dung bảo vệ trẻ em trong các tiến trình hòa bình, khuyến khích tiếp tục tập hợp các bài học, kinh nghiệm và thực tiễn tốt để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tình hình.
Đại sứ cũng nhấn mạnh vai trò của tổ chức khu vực trong kết nối các nỗ lực ở cả cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam, Đại sứ khẳng định tầm quan trọng của giáo dục, giúp trẻ em vượt qua khắc nghiệt của chiến tranh và nuôi dưỡng tình yêu hòa bình và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
*Tại phiên họp, các nước đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch lên án các vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em trong xung đột, kêu gọi các bên liên quan chấm dứt mọi vi phạm và áp dụng các biện pháp đặc biệt để bảo vệ trẻ em, hoan nghênh Bản Hướng dẫn về lồng ghép nội dung bảo vệ trẻ em trong các tiến trình hòa bình và khuyến khích việc phổ biến và áp dụng rộng rãi bản Hướng dẫn này trong các tiến trình hòa bình, hòa giải.