An toàn Internet đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, trẻ em cần sử dụng Internet để học tập trực tuyến. (Nguồn: family247) |
Phổ cập Internet - xu thế không thể đảo ngược
Đại dịch Covid-19 bùng phát hơn 1 năm nay đã ảnh hưởng đến khoảng 1,5 tỷ học sinh và sinh viên trên toàn thế giới do các trường học phải đóng cửa.
Giảng dạy và học tập trực tuyến trở thành xu thế không thể đảo ngược, đồng nghĩa thời gian trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc với Internet hằng ngày tăng mạnh.
Chưa kể việc các nước thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, vô hình trung cũng khiến cuộc sống của hàng triệu trẻ em dường như "gắn chặt" trên không gian mạng.
Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ 3 người sử dụng Internet trên thế giới thì có 1 trẻ em. Trung bình cứ nửa giây thì có một trẻ em lần đầu tiên sử dụng Internet, tức là mỗi ngày có hơn 175 nghìn trẻ em tham gia không gian mạng.
Việc tiếp cận kỹ thuật số mang lại nhiều lợi ích và cơ hội lớn cho trẻ em, từ cung cấp kiến thức và thông tin, thiết lập không gian giải trí lành mạnh, tăng cường tương tác xã hội, tạo môi trường chia sẻ kết nối… đồng thời đưa đến một số rủi ro và nguy hiểm cho nhóm đối tượng vốn chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ trên không gian mạng.
Rủi ro khôn lường đối với trẻ em
An toàn Internet đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh suốt năm qua, cùng với thời gian lên mạng để tiếp thu bài giảng và kết nối với xã hội bên ngoài, trẻ em trên toàn thế giới cũng phải đối mặt với những rủi ro khôn lường.
Giới chuyên gia cho rằng, có 4 nhóm nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ em trên không gian mạng: nguy cơ bị rò rỉ thông tin cá nhân dẫn tới bị lừa hoặc bị lợi dụng; nguy cơ bị quấy rối tình dục, bắt nạt, khủng bố; nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các nội dung bạo lực, độc hại, tin giả và cuối cùng là nguy cơ nghiện Internet sẽ dẫn đến các bệnh lý về cả tâm thần và thể chất.
Theo kết quả thăm dò trực tuyến do UNICEF phối hợp với Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành đối với học sinh cấp tiểu học, trung học và phụ huynh tại 11 nước châu Âu, có tới hơn 75% trẻ em tại Italy, Na Uy, Bồ Đào Nha và Romania đã sử dụng mạng xã hội hằng ngày trong thời gian phong tỏa vào mùa Xuân năm ngoái, trước hết là để giao tiếp với giáo viên.
Phần lớn trẻ em đã sử dụng công cụ trực tuyến để học từ xa như Zoom, Microsoft Teams, Skype và con số này dao động từ 30% tại Đức đến 94% tại Slovenia.
Tuy nhiên, những nền tảng này, vốn được thiết kế để doanh nghiệp làm việc từ xa, lại chưa thật sự được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu học tập an toàn.
Hậu quả là nhiều lớp học trực tuyến đã bị tin tặc đột nhập và gây rối, hình ảnh các lớp học và thông tin nhạy cảm của học sinh bị rò rỉ trên mạng Internet.
Zoom là ví dụ điển hình cho thấy mức độ phổ biến không đi kèm với công tác bảo mật. Khi dịch bệnh lan rộng, Zoom đã nổi lên là một trong những công cụ quan trọng nhất trong giáo dục trực tuyến cho học sinh.
Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2020, Zoom đã có thêm hơn 2,22 triệu người dùng, nhiều hơn số người đã tải Zoom trong toàn bộ năm 2019 (1,99 triệu). Không lâu sau đó, lỗ hổng bảo mật khiến Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) đã yêu cầu ngưng sử dụng ứng dụng Zoom trong dạy học trực tuyến.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thậm chí đã phải lên tiếng cảnh báo về các lỗ hổng và điều tra về các vụ Zoom xâm nhập vào “phòng học trực tuyến”, đăng nội dung xấu và phản cảm.
Vấn nạn trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng hiện đang là thực trạng nhức nhối. UNICEF cảnh báo nguy cơ hàng triệu trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19.
Tổ chức Theo dõi Internet (IWF) của Anh cảnh báo, việc các trường học đóng cửa sẽ làm tăng nguy cơ trẻ em bị dụ dỗ hoặc ép buộc gửi ảnh khiêu dâm trực tuyến.
Trong một tháng Anh áp đặt lệnh phong tỏa, IWF và các đối tác đã chặn ít nhất 8,8 triệu lượt truy cập vào các video và hình ảnh trẻ em bị lạm dụng tình dục.
Đến tháng 9/2020, số báo cáo về các tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em mà IWF nhận được đã tăng tới 45% do ngày càng nhiều người dành thời gian lên mạng khi ở nhà.
Các chuyên gia an ninh của Web-IQ cho biết, chỉ trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 3/2020, số bài đăng trên các diễn đàn về lạm dụng tình dục trẻ em đã tăng tới 200%.
Tại Australia, theo báo cáo tháng 4/2020 của eSafety Commissioner, số trường hợp bắt nạt qua mạng đã tăng tới 40%, trong đó có 15% các vụ việc là liên quan đến đe dọa trực tiếp.
Dịch bệnh kéo dài cộng thêm những xu hướng độc hại trên môi trường Internet này đã khiến trẻ em đối mặt với nhiều áp lực và tổn thương.
Tại Mỹ, cuộc khảo sát toàn quốc do tổ chức Children US thực hiện đối với 1.500 hộ gia đình cho thấy, có tới 34% trẻ em được hỏi cảm thấy sợ hãi, 27% cảm thấy lo lắng, 23% cảm thấy căng thẳng trong thời gian đại dịch.
Mạng Internet còn là mảnh đất “màu mỡ” để nhiều đối tượng lợi dụng truyền bá tư tưởng độc hại, tác động xấu đến nhận thức của trẻ em. Những thông tin xấu độc, tin giả lan truyền trên mạng đặc biệt tác hại đối với trẻ em bởi các em còn quá nhỏ chưa thể nhận thức được vấn đề.
Ngay ở Việt Nam, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ em tử vong thương tâm do bắt chước những trò chơi, thử thách quái gỡ trên mạng, như "trò treo cổ".
Khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, thì việc đối tượng xấu lan truyền thông tin sai lệch về Covid-19 còn dẫn đến những hệ lụy lâu dài.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, 88% lượng thông tin liên quan tới dịch Covid-19 trên mạng xã hội là tin sai lệch.
Do chưa đủ nhận thức, nắm vững cách phân biệt tin thật-giả, đúng-sai, các em sẽ dễ dàng tiếp nhận các thông tin chưa kiểm chứng về Covid-19 rồi chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Chung tay bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng
Năm 2004, khởi nguồn từ sáng kiến của dự án Biên giới An toàn của Liên minh châu Âu (EU), ý tưởng về Ngày Internet An toàn, được lựa chọn là ngày 9/2 hàng năm, đã vượt qua mọi khoảng cách biên giới địa lý và lan tỏa đến gần 170 quốc gia trên thế giới nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề bức thiết trên mạng Internet và những mối lo ngại hiện nay.
Ngày An toàn Internet năm nay với chủ đề “Cùng nhau vì một Internet tốt hơn” đã gửi đi thông điệp tạo ra một môi trường mạng an toàn, lành mạnh và tin cậy để bảo vệ mọi người, đặc biệt là trẻ em, nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương nhất do tác động tiêu cực của Internet.
Trong khi đó, Ủy ban An toàn mạng Australia - eSafety Commissioner Australia - đã phối hợp với Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) ban hành hướng dẫn chi tiết giúp phụ huynh và các giáo viên bảo vệ trẻ em khi tham gia các hoạt động trực tuyến, cảnh báo các nguy cơ mà các em có thể gặp phải, công bố các đường dây nóng hỗ trợ tại các nước khi cần thiết.
Tại Anh, chính phủ đã hợp tác với các công ty công nghệ để ngăn chặn vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng Internet.
Trợ lý Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) về lĩnh vực giáo dục Stefania Giannini nhấn mạnh, để duy trì môi trường học tập trực tuyến an toàn và tin cậy, các cơ quan giáo dục, các trường học cần có chính sách về đảm bảo an toàn trên môi trường trực tuyến, cung cấp thông tin và hướng dẫn cách học qua Internet, duy trì các dịch vụ tư vấn.
Trong khi đó, UNICEF cũng đã nêu ra một số biện pháp để giúp các bậc phụ huynh bảo vệ trẻ em như cài đặt chế độ bảo mật riêng tư, bật tính năng tìm kiếm an toàn trên trình duyệt, khuyến khích trẻ tham gia xây dựng các quy định trong gia đình về việc sử dụng thiết bị lành mạnh, hướng dẫn trẻ giữ kín thông tin với người lạ, nhắc nhở các em về hậu quả khi đăng tải thông tin nhạy cảm lên môi trường mạng.
Tại Việt Nam, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học tập qua Internet, Công văn số1247/CV-BGDĐT, ngày 13/4/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các giáo viên tập huấn kiến thức, kĩ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi dạy - học trực tuyến.
Vấn đề luật an ninh mạng cũng đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nhằm trang bị cho trẻ em những kỹ năng cần thiết để có thể sử dụng mạng xã hội hiệu quả và an toàn.
Các chuyên gia về an toàn không gian mạng cho biết mỗi ngày có khoảng 1,8 tỷ hình ảnh được đăng tải, thì có đến 720.000 là các hình ảnh phi pháp về trẻ em. Điều đó cho thấy bảo đảm không gian mạng an toàn và tin cậy cho trẻ em vẫn là một thách thức đối với cả thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, để tạo ra "lá chắn" bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, cần những biện pháp đồng bộ và hành động quyết liệt từ nhiều phía, kể cả các chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ và nền tảng mạng xã hội, trường học và cha mẹ.
Cập nhật thông tin về Covid-19 trên thế giới và Việt Nam