Việt Nam là nước có số lượng người truy cập mạng xã hội lớn trên thế giới. Ngoài nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân, bí mật đời tư để lừa đảo thì vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em cũng khá phổ biến. Làm sao để bảo vệ trẻ khi chúng đang phải lớn lên trong thế giới internet nhiều cạm bẫy là câu hỏi khiến không ít bậc cha mẹ đau đầu, hoang mang.
Thực tế, chính các bậc phụ huynh cũng thiếu hiểu biết, vô tư cho rằng từ trên mạng đến ngoài đời thực còn xa, rằng con mình đang được sống trong môi trường an toàn tuyệt đối nên không cảnh giác. Trong khi đó, nhiều trẻ, nhất là em gái lớn trước tuổi nhưng nhận thức vẫn còn non nớt, thiếu hiểu biết nên dễ dàng bị lợi dụng.
Trẻ em đang sử dụng máy tính ngày càng nhiều, kết nối với cộng đồng dễ dàng hơn nhưng nguy hiểm cũng đầy rẫy, bủa vây. Làm sao để con không bị nhiễm thứ văn hóa độc hại khi ngày ngày mải mê với điện thoại, máy tính?
Biên kịch Hà Anh Thu. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Báo Thế giới & Việt Nam có cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề này với Nhà biên kịch Hà Anh Thu* – tác giả của hàng nghìn tập phim truyền hình và nhiều phim truyện nhựa đặc sắc.
Kiểm soát con một cách ngọt ngào! "Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của internet cũng như các phương tiện thông tin ngày nay, thường bao giờ cũng có hai mặt. Một mặt là giúp cho người ta tiếp cận và mở mang kiến thức hơn, mặt khác cũng có những tác hại đối với sự phát triển của đứa trẻ. Cha mẹ thường không nhận thức được các trường hợp nguy cơ cao trẻ bị xâm hại. Trong khi đó, bản thân các em không được nhà trường và cha mẹ trang bị kiến thức để có thể tự bảo vệ mình như kiến thức về giới tính chẳng hạn. Theo tôi nghĩ phải có sự kiểm soát ngọt ngào từ phía gia đình. Bởi sự thiếu hiểu biết của trẻ, sử dụng một cách sai lệch và không khoa học cùng với sự thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội, vô tình sẽ đẩy con trôi nổi trong một “thế giới ảo” độc hại. Tất nhiên, cha mẹ nên sử dụng các biện pháp tâm lý mềm mỏng thay vì cáu gắt, cấm đoán, nói đúng hơn là chúng ta hãy coi con như một người bạn. Nếu muốn trẻ tôn trọng chúng ta, trước hết chúng ta cần phải tôn trọng trẻ. Theo tôi, các bậc cha mẹ hãy tự giáo dục mình trước, hòa mình vào thế giới ảo, kết bạn để tìm hiểu con. Nên khích lệ con học hỏi thêm những cái tốt của thế giới đó mang lại, lọc ra cái xấu, ngăn ngừa con em thực hiện các hành vi xấu trước khi quá trễ…", cô Phạm Thúy Phương (Hiệu trưởng trường Mầm non Trăng Đỏ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). |
Số liệu thống kê của một số cơ quan thể hiện tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng gia tăng và ở mức đáng báo động trên phạm vi cả nước. Theo chị thì nguyên nhân tại sao?
Biên kịch Hà Anh Thu: Ở nhiều nước, trẻ dưới 18 tuổi sẽ bị chặn khỏi những trang web “người lớn”, còn ở nước ta trẻ không được bảo vệ trước những thông tin độc hại. Trong khi đó, những hình ảnh, thông tin, khiêu dâm không chỉ được đăng ở những trang lá cải mà không ít tờ báo chính thống cũng coi đó như một cách để câu khách. Vì vậy, không ít trẻ đã tự biến mình thành nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục do tò mò trước những thứ đọc được trên mạng.
Con em chúng ta đang lớn lên trong thế giới Internet với nhiều cơ hội, lợi ích vô cùng lớn nhưng cũng phải đối mặt với không ít nguy cơ bị dụ dỗ, thậm chí bị xâm hại trên mạng xã hội, nhất là hiện nay trẻ sử dụng máy tính ngày càng nhiều. Chị có ý kiến gì về vấn đề này?
Biên kịch Hà Anh Thu: Nói chung dù là người lớn hay trẻ con cũng phải học cách là người dùng mạng thông minh, vì ta không thể cấm internet vào nhà, càng không thể cấm người ta sản xuất các chương trình này nọ được. Lỗi lớn nhất là ở cha mẹ không hướng dẫn con cái. Đặc biệt ngày nay, phụ huynh cho con dùng các thiết bị kết nối internet quá nhiều và dễ dãi trong việc kiểm soát con. Trong khi đó, ngay chính bản thân bố mẹ còn “nghiện” công nghệ thì bảo sao được con?
Chúng ta có thể làm gì để giúp con em mình trong thế giới mạng, trong khi không phải bậc cha mẹ nào cũng có kiến thức đầy đủ, sâu rộng về lĩnh vực này?
Biên kịch Hà Anh Thu: Đơn giản là chính cha mẹ hãy cai nghiện. Có thể thấy hiện nay các bậc cha mẹ, chủ yếu ở thành phố thường "dán mắt" vào thiết bị thông minh suốt ngày, kể cả khi ăn, xem tivi, thậm chí làm việc cũng tranh thủ "lướt". Cả nhà mỗi người 1 máy, cả ngày không nhìn mặt nhau đang diễn ra thực tế ở nhiều gia đình chứ không chỉ riêng nhà nào, người nào.
Tôi nghĩ cha mẹ hãy đặt máy xuống và lôi con cái vào thế giới thật là cách tốt nhất. Bận mấy cũng phải dành thời gian nói chuyện với con, kể chuyện của mình và nghe chuyện của chúng. Được chia sẻ, đứa trẻ mới thấy tầm quan trọng của gia đình. Từ đó, chúng sẽ có lối sống lành mạnh, không bị thụ động trước sức hút của mạng xã hội. Hãy sống như một gia đình thực sự là lời khuyên của tôi dành cho các bậc phụ huynh.
Cha mẹ và nhà trường chỉ có thể tăng cường giám sát hành vi của trẻ ở ngoài đời thực nhưng thật khó có thể kiểm soát được con em ở thế giới mạng. Đó phải chăng là một thách thức trong việc bảo vệ trẻ khỏi những nguy cơ tiềm ẩn bị xâm hại thông qua mạng xã hội hay không?
Biên kịch Hà Anh Thu: Giám sát hoặc cấm đoán chỉ khiến bọn trẻ muốn "thâm nhập" hơn mà thôi. Thay vì máy móc cấm đoán, cha mẹ hãy quan tâm bằng cách lắng nghe con cái. Có thể chủ động nghiêm túc nói với con về sex, con có thể xem ảnh nude và chỉ cho con những trang ảnh nude nghệ thuật, cùng xem và thậm chí bàn luận với con ảnh nào đẹp, ảnh nào xấu… Tôi nghĩ những bậc cha mẹ nên làm bạn chứ đừng ngăn cấm con một cách máy móc.
Trẻ nhận thức được nguy cơ nhưng làm sao để tự bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm luôn rình rập trên mạng xã hội và phải tìm kiếm sự giúp đỡ của người lớn như thế nào, thưa chị?
Biên kịch Hà Anh Thu: Nói chung vẫn là chuyện cha mẹ nên trang bị đầy đủ cho con, làm bạn với chúng, khi đó không cần phải giục, tự chúng sẽ nói. Đã gọi là mạng xã hội thì sao biết trước chuyện gì sẽ xảy ra chứ? Tôi nghĩ dù gì, trong bất cứ vấn đề nào, không chỉ mạng xã hội, cha mẹ nên gần gũi con cái, chia sẻ và hiểu chúng. Thực tế, người cần cẩn trọng khỏi mọi sự lừa lọc, mọi sự phức tạp và cơn nghiện facebook chính là phụ huynh. Từ đó mới có thể giúp con tránh xa được những mối hiểm nguy với mình.
Xin cảm ơn chị!
* Nhà biên kịch Hà Anh Thu từng viết phim về các vấn đề gia đình và trẻ em như “Tiểu thư vào bếp”, “Bảo mẫu @”, “Cứu Nét”... Trong đó, phải kể đến bộ phim “Siêu quậy lên chùa” phản ánh về vấn đề giáo dục con, những đứa trẻ tinh nghịch và nghiện Game, từng “làm mưa làm gió” dịp Tết thiếu nhi 1/6 năm ngoái tại Trung tâm chiếu phim quốc gia. Cuộc sống thực tế, sự trải nghiệm chính là chất liệu cho phim. "Phim chính là cuộc đời", như chị chia sẻ. Đây là những suy nghĩ của một người đã trăn trở về các vấn đề gia đình, xã hội, trẻ em và đã đưa rất nhiều suy tư này vào phim.
Ngày 29/3 vừa qua, Tại tọa đàm “Chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Bộ Lao động - thương binh và xã hội, UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức đã công bố số liệu thống kê mới nhất trong 5 năm (2011-2015), cả nước có tới 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong số 8.200 vụ xâm hại trẻ nói chung. Trong đó, có tới 9.920 nạn nhân, tăng thêm 258 trẻ em so với giai đoạn 5 năm trước đó, trong số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 65%. Trong một nghiên cứu thăm dò của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đối với trẻ em 10-18 tuổi thì có tới 49% trẻ em và vị thành niên được hỏi cho biết đã tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trực tuyến, chủ yếu là do tình cờ. Theo số liệu thống kê từ UNICEF, mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan đến lạm dụng trẻ em được đưa lên internet. Trong khi đó, Việt Nam có tới 31% dân số dùng mạng xã hội facebook thì nguy cơ trẻ bị xâm hại càng cao hơn từ chính những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội. |