Giới công nghệ tài chính Trung Quốc vẫn tham vọng 'Tây tiến' . (Nguồn: Financial Times) |
Tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group của Trung Quốc được cho là đã đối mặt với một bước lùi sau khi bị chính phủ nước này 'chặn' kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Dù vậy, nhiều ngân hàng châu Âu vẫn cảnh giác rằng những 'gã khổng lồ' công nghệ tài chính Trung Quốc, như Ant Group hay Tencent, có thể sớm trở thành đối thủ chính của họ.
Các siêu ứng dụng “made in China”
Ant Group điều hành Alipay, một trong 2 nền tảng thanh toán trực tuyến đang “thống trị” ở Trung Quốc. Đối thủ của Alipay ở thị trường nội địa là WeChat Pay, thuộc sở hữu của tập đoàn "sừng sỏ" Internet Tencent.
Theo Christopher Schmitz, chuyên gia về công nghệ tài chính (Fintech) tại Công ty kiểm toán và tư vấn quốc tế Ernst & Young (EY), các công ty, vốn ban đầu chỉ phát triển ứng dụng nhắn tin và trò chuyện, rất quan tâm đến việc tăng cường các hoạt động tài chính vì chúng cho phép họ bao phủ phạm vi rộng hơn trong các hoạt động hằng ngày của người sử dụng. Dần dần, ngày càng nhiều người chuyển sang sử dụng dịch vụ tài chính của các công ty này.
Tin liên quan |
Ant Group: Hy vọng của Trung Quốc và nỗi lo 'canh cánh' lọt vào tầm ngắm của Mỹ |
Thanh toán bằng mã QR trên điện thoại di động có cài đặt ví điện tử Alipay hoặc WeChat Pay rất phổ biến ở Trung Quốc do tính tiện lợi của phương thức giao dịch này. Riêng Alipay có 731 triệu người dùng mỗi tháng.
Chỉ trong vài năm, hai nền tảng này đã biến Trung Quốc từ một quốc gia nơi “tiền mặt là vua” sang một xã hội mà điện thoại thông minh là phương tiện thanh toán được lựa chọn tương đối phổ biến.
Chuyên gia tư vấn về thị trường thương mại điện tử Adrien Boue chỉ ra rằng, các công ty công nghệ tài chính Trung Quốc không bằng lòng với việc chỉ cung cấp phương tiện thanh toán mà còn tham vọng mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn về dịch vụ tài chính hơn, đơn cử có thể nhận một khoản vay chỉ qua vài thao tác đơn giản.
Alipay đã tạo ra nhiều doanh thu hơn từ các dịch vụ tài chính mà ứng dụng này cung cấp, chẳng hạn như các chương trình đầu tư và các khoản vay, dịch vụ thanh toán trực tuyến... Alipay đã thành một siêu ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Mục tiêu của các công ty là người dùng sử dụng ứng dụng càng lâu càng tốt, từ sáng đến tối, khi thì nói chuyện với bạn bè, khi thì đặt xe, gọi đồ ăn...
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 1,7 tỷ người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản tiền di động. Với nguồn tài chính lớn và khả năng truy cập dữ liệu tốt hơn, các tập đoàn công nghệ có thể tiếp cận những người dùng khác so với khách hàng mục tiêu của ngân hàng truyền thống.
Báo cáo nghiên cứu chung giữa WB và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho thấy thành công của các tập đoàn công nghệ tài chính cho đến nay đến từ 3 nguyên nhân chính, đó là giảm bớt sự phụ thuộc vào các chi nhánh ngân hàng, cung cấp dịch vụ với giá thấp hơn và thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính.
Và mặc dù các ngân hàng truyền thống tự tin với khả năng “giữ chân” và xây dựng lòng tin của khách hàng, theo khảo sát của công ty tư vấn Capgemini, 1/3 người tiêu dùng cảm thấy hấp dẫn với dịch vụ ngân hàng mà các “ông lớn” công nghệ cung cấp.
Châu Âu dựng "rào bảo vệ"
Mặc dù mô hình tăng trưởng trên thị trường công nghệ tài chính của Trung Quốc rất đáng chú ý nhưng công thức này có thể áp dụng ở mức độ như thế nào ở châu Âu? Đặc biệt là sau khi tham vọng IPO của Ant Group bị chặn lại.
Chi nhánh tài chính của tập đoàn Alibaba này được biết đến đầu tiên thông qua nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay nhưng sau đó dần mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực cho vay, tín dụng và bảo hiểm, cạnh tranh với các cơ quan tài chính truyền thống thuộc sở hữu nhà nước và giới chức quản lý.
Trước đó, các nghị sỹ ở Mỹ cũng đề xuất ngăn chặn các công ty công nghệ lớn hoạt động như tổ chức tài chính hoặc phát hành tiền kỹ thuật số sau khi Facebook công bố kế hoạch xây dựng tiền ảo của riêng mình.
Tại một hội nghị hồi tháng 10, các nhà lãnh đạo tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đồng tình rằng thanh toán kỹ thuật số có thể cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, tăng tính hiệu quả và giảm chi phí.
Tuy nhiên, các dịch vụ thanh toán như vậy phải được giám sát và quản lý một cách chặt chẽ để chúng không làm suy yếu sự ổn định tài chính cũng như bảo vệ người tiêu dùng, quyền riêng tư, thuế và an ninh mạng.
Trong một phát biểu gần đây, Frederic Oudea, người đứng đầu ngân hàng Societe Generale của Pháp, cho rằng đối thủ cạnh tranh thực sự trong tương lai của các ngân hàng truyền thống ở châu Âu có thể sẽ là GAFAM hoặc Ant Group - những doanh nghiệp lớn có khả năng rót những khoản đầu tư khổng lồ.
GAFAM là tên viết tắt của nhóm 5 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ, bao gồm Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft.
Tin liên quan |
'Tuyên chiến' với tiền ảo, Trung Quốc tham vọng giữ quyền lực kinh tế bằng Nhân dân tệ điện tử |
Julien Maldonato, chuyên gia dịch vụ tài chính tại công ty tư vấn Deloitte France, cho biết, các ngân hàng của châu Âu vẫn được bảo vệ bởi những rào cản văn hóa, nhưng điều này sẽ không kéo dài mãi mãi. Hiện nay, ở châu Âu, hình thức thanh toán bằng việc quét mã QR chưa phổ biến nhiều. Tính đa dạng của châu Âu với ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau cũng là rào cản đối với các doanh nghiệp đến từ một châu lục khác.
Dù vậy, chuyên gia Maldonato lưu ý rằng, các công ty công nghệ của Mỹ đã có sự hiện diện đáng kể trong cuộc sống hằng ngày của người dân châu Âu, trong khi ứng dụng đình đám TikTok của Trung Quốc thu hút sự quan tâm của người dùng trẻ tuổi.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến năng lực của các công ty Trung Quốc trong việc rót tiền vào phát triển công nghệ mới và thu hút khách hàng. Mỗi công ty có kế hoạch đầu tư khoảng 70 tỷ USD trong vòng 5 năm tới - điều thực sự có thể làm thay đổi cục diện trên thị trường thanh toán châu Âu.
Nhiều ngân hàng trực tuyến đã ra đời ở châu Âu như Monzo hay N26, nhắm đến các khách hàng mục tiêu là những người tiêu dùng trẻ và hiểu biết về công nghệ.
Mặc dù hiện nay các công ty fintech vẫn chưa thực sự là mối nguy nhưng các ngân hàng truyền thống cũng đang chạy đua trong việc cải tổ hệ thống và đầu tư ồ ạt vào năng lực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số tương tự.
| Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thậm chí có thể căng thẳng hơn nữa dưới thời ông Biden TGVN. Một cố vấn cấp cao của chính phủ Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh nên chuẩn bị sẵn cho kịch bản quan hệ Mỹ ... |
| Chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ-Trung Quốc : Có hay không? TGVN. Phải chăng thế giới đang chứng kiến cuộc chiến tranh lạnh công nghệ giữa Mỹ-Trung Quốc? Mỹ triển khai chính sách ra sao? Trung ... |
| Trung Quốc cần đẩy nhanh cải cách hệ thống tài chính TGVN. Xuất khẩu và thặng dư thương mại chuyển biến tích cực, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc muốn đẩy nhanh ... |