TIN LIÊN QUAN | |
Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Sau hàng loạt đòn trả đũa, hai bên lại 'khẩu chiến' | |
Đối đầu Mỹ-Trung Quốc có nguồn gốc sâu xa |
Tổng thống Trump đã định hướng chiến lược cho cạnh tranh công nghệ của Mỹ với Trung Quốc. (Nguồn: AP/TTXVN) |
Sau 3 năm rưỡi nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, cuối cùng Mỹ đã xây dựng được một chiến lược toàn diện trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc.
Mỹ-Trung Quốc “cắt đứt” về công nghệ
Từ việc cắt đứt nguồn cung đối với các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc đến việc ngăn cản các thỏa thuận mua bán dây cáp viễn thông ngầm dưới biển, các biện pháp của Chính quyền Tổng thống Trump thường không đầy đủ, có tính ứng biến và thậm chí tổn hại đối với những thế mạnh to lớn của hệ thống đổi mới sáng tạo của Mỹ.
Tuy nhiên, những biện pháp này xác lập nguyên tắc cơ bản trong chính sách công nghệ của Mỹ đối với Trung Quốc trong tương lai gần, cụ thể là hạn chế dòng chảy công nghệ vào Trung Quốc, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và đầu tư vào các công nghệ mới nổi trong thị trường nội địa Mỹ. Ngay cả chính quyền mới cũng khó có thể tách rời những nguyên tắc cơ bản này.
Chiến lược ứng phó của Trung Quốc cũng đã hình thành rõ nét. Trung Quốc đang chạy đua để phát triển các sản phẩm bán dẫn và các công nghệ cốt lõi khác để giảm sự dễ bị tổn thương do lệ vào chuỗi cung ứng của Mỹ.
Để thực hiện mục tiêu này, lãnh đạo Trung Quốc huy động các công ty công nghệ, thắt chặt quan hệ với các nước tham gia Sáng kiến Vành đai, Con đường và duy trì chiến dịch gián điệp mạng - công nghiệp. Đường nét của “chiến tranh lạnh công nghệ” đã bộc lộ rõ mặc dù ai sẽ hưởng lợi từ cuộc ganh đua này là điều chưa rõ. Đổi mới sáng tạo sẽ diễn ra chậm hơn và đắt đỏ hơn trong một thế giới công nghệ bị phân tách. Báo cáo của Ngân hàng Deutsch Bank dự tính giá của chiến tranh công nghệ sẽ lên tới hơn 3.500 tỷ USD trong 5 năm tới. Tuy nhiên, lãnh đạo cả hai nước đều đang đẩy nhanh việc phát triển công nghệ nội địa và coi đây là vấn đề an ninh quốc gia.
Chặn dòng chảy công nghệ
Tin liên quan |
Thượng đỉnh EU-Trung Quốc: Phép thử mối quan hệ song phương |
Tổng thống Trump đã định hướng chiến lược cho cạnh tranh công nghệ của Mỹ với Trung Quốc. Nếu chính quyền ở Mỹ thay đổi, điều chỉnh sẽ diễn ra ở cấp độ chính sách. Ví dụ như để xử lý các lo ngại liên quan đến kiểm duyệt và an toàn dữ liệu của các ứng dụng TikTok, WeChat, Mỹ cuối cùng có thể lựa chọn việc thay thế lệnh cấm toàn bộ đối với nước xuất xứ bằng một khuôn khổ chính sách điều chỉnh mạnh mẽ hơn. Và chính quyền mới ở Mỹ cũng có thể đưa ra những thay đổi chính sách rộng lớn tác động tới cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung.
Nếu Mỹ củng cố quan hệ với đồng minh thì đây có thể là những đối tác sẵn sàng cùng phát triển các chuẩn mực quốc tế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhạy cảm và các công nghệ mới nổi khác.
Chính quyền Tổng thống Trump đã đề xuất tăng 30% chi tiêu phi quân sự dành cho khoa học thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác cũng có thể được ưu tiên tài trợ. Chính sách nhập cư khôn ngoan hơn có thể ngăn những nhân lực tài năng và sáng giá nhất tìm kiếm cơ hội ở Australia, Canada, EU và Anh thay vì ở Mỹ. Tuy nhiên, tất cả những thay đổi này vẫn xoay quanh chiến lược cơ bản đó: chặn dòng chảy công nghệ vào Trung Quốc, dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng công nghệ cao và tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Mỹ.
Kết quả là hiện nay Trung Quốc đang chuẩn bị cho một tương lai mà Trung Quốc sẽ không thể dựa vào Mỹ về các công nghệ thiết yếu. Năm 2020, Chính phủ Trung Quốc thông qua kế hoạch 5 năm theo đó các tỉnh, địa phương và các công ty sẽ đầu tư khoảng 1.400 tỷ USD để xây dựng “cơ sở hạ tầng mới” bằng Trí tuệ nhân tạo (AI), các trung tâm dữ liệu, 5G, Internet công nghiệp và các công nghệ mới khác. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đặc biệt tập trung tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ về sản phẩm bán dẫn. Tháng 10/2019, Trung Quốc thành lập Quỹ bán dẫn trị giá 29 tỷ USD và đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp chip bán dẫn như ưu đãi thuế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, và khuyến khích các công ty bán dẫn quốc tế di rời sang Trung Quốc.
Học thuyết “lưu chuyển kép”
Chính phủ Trung Quốc đã thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn và hiện cũng khó có thể đạt được đột phát trong tương lai gần. (Minh hoạ của SCMP) |
Nỗ lực làm giảm sự phụ thuộc công nghệ dường như tạo động lực thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế lớn hơn của Trung Quốc. Các hãng truyền thông nhà nước vừa quảng bá khái niệm kinh tế mới của Chủ tịch Tập Cận Bình với tên gọi “học thuyết lưu chuyển kép”, theo đó Trung Quốc ưu tiên tiêu dùng, thị trường và công ty nội địa để thúc đẩy sự tự chủ công nghệ sau nhiều thập kỷ phát triển dựa vào xuất khẩu. Theo The Wall Street Journal, Trung Quốc đang tìm cách nhận diện các công ty và ngành công nghiệp bị đặc biệt tổn thương vì trừng phạt của Mỹ để Chính phủ hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và phát triển.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang tìm cách huy động các công ty công nghệ tư nhân để ủng hộ các mục tiêu quốc gia. Trong một cuộc gặp với các doanh nghiệp Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi lòng yêu nước và tinh thần sáng tạo của các doanh nghiệp, hơn một nửa số 25 lãnh đạo doanh nghiệp được triệu tập gặp là các công ty trong lĩnh vực công nghệ mới nổi như sản xuất chíp, trí tuệ nhân tạo và sản xuất thông minh. Trong khi tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Trung Quốc quan tâm tới những giải pháp nguồn gốc mở vì cho rằng những giải pháp này không bị ảnh hưởng bởi chính sách trừng phạt của Mỹ. Tập đoàn Huawei cam kết đầu tư 1 tỷ USD nhằm thu hút các nhà phát triển các giải pháp nguồn gốc mở thay thế cho các dịch vụ di động Google và Trung Quốc tích cực và nhiệt thành tham gia vào dự án chíp nguồn gốc mở RISC-V.
Kịch bản xấu nhất với Trung Quốc
Tin liên quan |
Trung Quốc đơn độc |
Trong kịch bản xấu nhất, Trung Quốc vẫn giữ một công cụ chính sách trả đũa mạnh mẽ: Trung Quốc luôn có thể phản công lại các công ty công nghệ Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc được cho là đã chuẩn bị một “danh sách các thực thể không đáng tin cậy” gồm cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài, những công ty đã cắt đứt nguồn cung đối với các công ty Trung Quốc vì những lý do phi kinh tế có thể phải chịu trừng phạt đối với hoạt động tại Trung Quốc như lệnh cấm hoặc hạn chế thương mại, đầu tư, các loại giấy phép và chứng nhận. Giới truyền thông và cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc đề xuất cần phải trừng phạt Apple hoặc Qualcomm để trả giá cho chiến dịch chống tập đoàn Huawei của Washington. Cho đến nay, Bắc Kinh chưa hành động như vậy và vẫn chọn cách hành xử như một tác nhân kiềm chế trong cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ.
Về lâu dài, Trung Quốc và Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh công nghệ lâu dài mà không phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Cả hai nước đều phải vượt qua những trở ngại chính trị nội bộ sao cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo có thể bù đắp thiệt hại mà cuộc ganh đua này tạo ra. Chính sách công nghiệp của Trung Quốc thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực siêu máy tính cho dù tiếp cận từ trên xuống dưới của Trung Quốc có thể gây ra sự lãng phí, thiếu hiệu quả và dư thừa. Đáng chú ý, bất chấp nỗ lực trong nhiều thập kỷ qua, Chính phủ Trung Quốc đã thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn và hiện cũng khó có thể đạt được đột phát trong tương lai gần.
Ở Mỹ, các cơ quan hành pháp và Quốc hội ủng hộ rộng rãi việc củng cố đổi mới sáng tạo. Trong 6 tháng qua, Quốc hội đưa ra những dự luật thể hiện cam kết đẩy mạnh sản xuất nội địa chất bán dẫn như tái lập Quỹ Khoa học quốc gia, thành lập đơn vị nghiên cứu quốc gia điện toán đám mây. Một dự luật tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực nhập cư cho các cá nhân làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các công nghệ thiết yếu khác đối với an ninh quốc gia cũng được đưa ra. Sự quan tâm chính trị cao cấp như vậy cần phải được chuyển thành sự ủng hộ lưỡng đảng nhất quán. Ba năm qua là khúc dạo đầu cho cạnh tranh công nghệ quyết liệt đang đến gần. Bắc Kinh đã cho thấy họ sẽ điều chỉnh và phản ứng trước những nỗ lực của Mỹ. Washington cũng phải hành động tương tự.
| Bloomberg: Mỹ có lợi thế trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc TGVN. Hãng tin Bloomberg dẫn nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, sự thống trị của đồng USD chính là lợi thế của Mỹ ... |
| Trung Quốc tiếp tục thách thức Mỹ trên không gian TGVN. Bình luận về việc Trung Quốc thử nghiệm thành công tàu vũ trụ tái sử dụng đầu tiên, các chuyên gia Nga cho rằng ... |
| Phân tách Mỹ-Trung Quốc: Một hành tinh, hai thế giới TGVN. Mỹ-Trung Quốc phân tách, xung khắc và cạnh tranh chiến lược khốc liệt là thực tế hiện nay. Học giả nhận diện và lý ... |