Gạo ST25 của Việt Nam được công nhận là 'Gạo ngon nhất thế giới' năm 2019. (Nguồn: TTXVN) |
Đây không phải lần đầu tiên thương hiệu sản phẩm chất lượng của Việt Nam bị “phỗng tay trên” mà là câu chuyện của việc làm thế nào để xây dựng và bảo vệ thương hiệu lúa, gạo cũng như các loại sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam.
Địa phương xúc tiến hỗ trợ bảo hộ
Trước nhiều thông tin về vấn đề này, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã có Công văn gửi UBND tỉnh Sóc Trăng, kèm dự thảo với nội dung tham mưu dự thảo công văn trình UBND tỉnh gửi các bộ, ngành trung ương, đề nghị có giải pháp hỗ trợ bảo hộ thương hiệu gạo ST của tỉnh Sóc Trăng trên thị trường thế giới.
Ông Huỳnh Văn Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, giống lúa ST được nhóm tác giả tại Sóc Trăng, do ông Hồ Quang Cua làm trưởng nhóm, bắt đầu lai tạo phát triển giống từ năm 1998.
Tin liên quan |
Gạo ST25 và bài học xây dựng, bảo vệ thương hiệu |
Qua hơn 22 năm nghiên cứu với nhiều nỗ lực, nhóm tác giả đã cho ra đời nhiều giống lúa thơm thích nghi với vùng đất tỉnh Sóc Trăng. Những năm gần đây, giống lúa ST như ST24, ST25 đã tạo được tiếng vang trên thị trường gạo thế giới, đạt các giải cao, nhất, nhì tại Hội nghị quốc tế về thương mại lúa gạo.
Sự kiện gạo ST24 và ST25 được vinh danh gạo ngon nhất thế giới đã tạo động lực thúc đẩy các giống lúa ST ngày càng phát triển trên đồng đất Sóc Trăng, tạo niềm tin cho nông dân trong việc chuyển đổi sản xuất từ lúa chất lượng thấp sang lúa đặc sản chất lượng cao.
Đã có nhiều doanh nghiệp tổ chức liên kết tiêu thụ lúa ST24, ST25 trên địa bàn như Tập đoàn Quế Lâm, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí… Do đó, có thể khẳng định, gạo ST24 và ST25 không chỉ đơn thuần là thương hiệu gạo mạnh, mà còn là niềm tự hào của Sóc Trăng nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, gần đây báo chí đã đăng tải nhiều thông tin về việc có một số doanh nghiệp ở Mỹ đang đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25. Thông tin này gây hoang mang không chỉ cho doanh nghiệp kinh doanh gạo trong nước còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người nông dân sản xuất.
Để bảo vệ lợi ích cho một sản phẩm đặc biệt như gạo ST24 và ST25, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm, kịp thời có giải pháp hỗ trợ để bảo hộ thương hiệu Gạo ST của tỉnh Sóc Trăng trên thị trường thế giới.
Doanh nghiệp chủ động giữ thương hiệu
Trong khi tỉnh Sóc Trăng đang chờ đợi sự hỗ trợ các cấp ngành trung ương vào cuộc thì về phía chủ nhân của giống lúa, gạo ngon nhất thế giới này cũng đã và đang xúc tiến việc đăng ký bảo hộ và giành lại thương hiệu gạo của chính mình.
Ngày 3/5, Cơ quan sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) đã đăng tải thông tin cho hay, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồ Quang Trí (trụ sở 196 đường tỉnh lộ 8, huyện Trần Đề, Sóc Trăng, Việt Nam) đã làm đơn xin bảo hộ nhãn hiệu "Gạo ông Cua" cho tất cả các loại gạo do ông Cua là tác giả và đồng tác giả, có thể là ST24, ST25…
Nhãn hiệu có dấu hiệu nhận biết là hình ảnh gương mặt ông Hồ Quang Cua bên cạnh là bông lúa và dòng chữ "Gạo ông Cua" ở bên trái. Đơn đăng ký nhãn hiệu đã đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu và được USPTO tiếp nhận. Hồ sơ sẽ được chuyển cho bộ phận thẩm định khoảng 3 tháng sau ngày nộp đơn.
Với tâm huyết của người làm ra hạt gạo có chất lượng, không phải từ sau khi gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ và mới đây là ở Australia, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới năm 2019 mới bày tỏ mong muốn được nhượng bản quyền giống lúa thơm ST25 lại cho nhà nước quản lý mà từ trước cả năm nay, ông Hồ Quang Cua đã bày tỏ nguyện vọng này với lãnh đạo tỉnh, Bộ, ngành trung ương.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trước đề nghị của ông Hồ Quang Cua muốn nhượng lại bản quyền giống ST24, ST25 cho Nhà nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đang tính toán và trình Chính phủ việc mua lại quyền sở hữu giống lúa này. Nguồn tiền có thể lấy từ chương trình giống giai đoạn 2021 - 2025, Cục Trồng trọt sẽ là đơn vị sở hữu và quản lý giống lúa này.
Tin liên quan |
Cơ quan Thương vụ Việt Nam phản hồi thông tin về vụ gạo ST 25 bị đăng ký nhãn hiệu tại Australia |
Theo Thứ trưởng Tiến, nguyện vọng của ông Hồ Quang Cua là muốn nhượng lại quyền sở hữu giống lúa ST24, ST25 cho nhà nước để nhiều đơn vị, tổ chức có thể sử dụng bản quyền này nhằm thúc đẩy ST24, ST25 phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu.
Sau khi mua lại bản quyền giống lúa ST25, Bộ sẽ cùng Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đăng ký bản quyền nhãn hiệu gạo ST25 tại một số thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Mới đây, Tập đoàn PAN chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (doanh nghiệp gia đình ông Cua) vừa đạt thỏa thuận hợp tác về việc ủy quyền đại diện làm thủ tục bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 tại các thị trường quốc tế trọng điểm về xuất khẩu gạo thương hiệu.
Cụ thể, Tập đoàn PAN nhận ủy quyền đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với giống cây trồng “ST24”, “ST25” tại các thị trường nước ngoài, đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu hàng hóa liên quan, đồng thời thực hiện các hành động ngăn chặn, bảo vệ phù hợp đối với các tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.
“Chúng tôi hy vọng sẽ có một cơ chế hợp tác liên ngành giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong việc hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu có tiếng và các thương hiệu quốc gia đã được công nhận”, đại diện Tập đàn PAN cho hay.