Tháng 3/2021, ô tô nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến, tuy nhiên, phần lớn là những mẫu xe bình dân, giá rẻ. (Nguồn: Vietnambiz) |
Ô tô nhập khẩu tháng 3 tăng đột biến
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xe ô tô nhập khẩu về nước trong tháng 3/2021 ước đạt 17.000 chiếc, tăng hơn 7.000 chiếc so với tháng trước, giá trị kim ngạch ước đạt trên 347 triệu USD (tăng 69,3% về số lượng và 66,3% về trị giá so với tháng trước).
Nhờ vào sự "bùng nổ" về số lượng ô tô nhập khẩu trong tháng 3, tổng lượng xe nhập về nước trong cả quý I/2021 đạt 35.000 chiếc, tăng hơn 5.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch nhập khẩu xe trong 3 tháng đầu năm đạt hơn 771 triệu USD.
Nếu so với cùng kỳ tháng 3/2020, xe nhập về Việt Nam tháng 3/2021 tăng hơn 5.000 chiếc (tăng xấp xỉ 30%). Đây cũng là tháng có lượng xe nhập khẩu cao nhất kể từ năm 2019 đến nay.
Tuy tăng mạnh về số lượng xe nhập khẩu nhưng giá nhập khẩu theo khai báo hải quan chỉ đạt trung bình xấp xỉ 470 triệu đồng/chiếc. Điều này cho thấy, lượng xe nhập vào Việt Nam phần lớn là những mẫu xe bình dân, giá rẻ.
Giống như năm 2020, xe nhập khẩu về Việt Nam trong những tháng vừa qua chủ yếu vẫn là từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc. Tổng lượng xe nhập khẩu của 3 quốc gia này chiếm tới trên 90%.
Một số các quốc gia khác xuất khẩu xe vào Việt Nam như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Đức, Nga, Pháp,… có số lượng không đáng kể, tổng lượng xe chiếm chưa tới 10%.
Pháp giảm nhập khẩu cà phê thô từ Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế cho biết, nhập khẩu cà phê của Pháp trong tháng 1/2021 đạt 32,17 nghìn tấn, trị giá 247,35 triệu USD, giảm 0,5% về lượng, nhưng tăng 14,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 1/2021, Pháp nhập khẩu chủ yếu hai chủng loại cà phê chưa rang, chưa khử cafein (HS 090111) và cà phê rang, khử cafein (HS 090121), tỷ trọng chiếm lần lượt 56,29% và 40,17% trong tổng lượng nhập khẩu cà phê của Pháp trong tháng 1/2021.
Trong đó, Pháp giảm nhập khẩu chủng loại cà phê chưa rang, chưa khử cafein (HS 090111), mức giảm 8,7%, đạt 18,1 nghìn tấn. Ngược lại, Pháp tăng nhập khẩu chủng loại cà phê rang, khử cafein (HS 090121), mức tăng 13,8%, đạt 12,92 nghìn tấn.
Tháng 1/2021, Pháp nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các thị trường Brazil, Indonesia và một số thị trường nội khối Liên minh châu Âu (EU). Đáng chú ý, nhập khẩu cà phê của Pháp từ Indonesia tăng đột biến 1.138,5% về lượng và tăng 585,7% về trị giá, đạt xấp xỉ 1,4 nghìn tấn, trị giá 2,25 triệu USD.
Thị phần cà phê của Indonesia trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp chiếm 4,31% trong tháng 1/2021, cao hơn nhiều so với 0,35% trong tháng 1/2020. Ngược lại, Pháp giảm mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, mức giảm 65,4% về lượng và giảm 66,9% về trị giá so với tháng 1/2020, đạt 1,3 nghìn tấn, trị giá 2,12 triệu USD.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp chiếm 4,04% trong tháng 1/2021, thấp hơn nhiều so với 11,63% trong tháng 1/2020. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Pháp, nhiều khả năng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Pháp sẽ vẫn gặp khó khăn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhập khẩu cà phê của Pháp có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Pháp giảm nhập khẩu dạng thô, tăng nhập khẩu dạng đã chế biến. Do đó, khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam tại Pháp trong năm 2021 sẽ thấp hơn so với các thị trường khác như Brazil hay các thị trường nội khối EU.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, trong tháng 3/2021 trị giá xuất khẩu rau quả đạt 380 triệu USD, tăng 6,3% so với tháng 3/2020.
Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả ước đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, đạt 352,83 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 62,5% tổng trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam vẫn diễn ra khá sôi động trong 3 tháng đầu năm 2021. Kết quả đạt được nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nên hoạt động xuất khẩu không bị gián đoạn.
Thủy sản 'vượt rào', tăng tốc vào Mỹ, EU
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 3/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 170.000 tấn, trị giá 685 triệu USD, tăng 7,94% về lượng và tăng 8,9% về trị giá so với tháng 3/2020.
Tính chung quý I/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 422.300 tấn, trị giá 1,687 tỷ USD, tăng 4,77% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài thị trường Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, EU có nhiều dấu hiệu khả quan.
Ngoài thị trường Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, EU có nhiều dấu hiệu khả quan.
Ví dụ như tại Đức, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Đức trong tháng 1/2021, đạt 17,04 triệu USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần thủy sản Việt Nam tính theo trị giá trong tổng nhập khẩu của Đức tăng từ mức 6,3% trong tháng 1/2020, lên 8,5% trong tháng 1/2021.
Gạo Việt Nam hạ giá để cạnh tranh với Ấn Độ và Thái Lan
Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đang hạ giá để cạnh tranh với Ấn Độ và Thái Lan. Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đã hạ giá bán trong tuần này để cạnh tranh với các “vựa lúa” của châu Á là Ấn Độ và Thái Lan. Trong khi đó, Bangladesh đẩy mạnh nhập khẩu để “lấp đầy” các kho dự trữ trong nước.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 505-510 USD/tấn trong phiên ngày 1/4 so với mức đỉnh của hơn 9 năm là 515-520 USD tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, các nhà xuất khẩu đã phải hạ giá chào bán sau khi giá gạo Thái Lan và Ấn Độ giảm. Theo thương nhân này, các nhà nhập khẩu đang tìm mua gạo 5% tấm của Ấn Độ, trong khi vẫn mua gạo thơm của Việt Nam.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 393-398 USD/tấn, giảm so với mức 398-403 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết, giá đã được điều chỉnh do đồng rupee Ấn Độ giảm và cho biết thêm rằng, "nhu cầu phần lớn vẫn ổn định."
Tại quốc gia láng giềng Bangladesh, các quan chức cho biết các kho dự trữ vẫn ở mức thấp bất chấp những nỗ lực nhập khẩu nhiều ngũ cốc hơn gần đây. Bangladesh đã mua 50.000 tấn gạo từ một công ty Ấn Độ thông qua một cuộc đấu thầu quốc tế.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng là 488-500 USD/tấn so với mức 500-518 USD/tấn trong tuần trước.
Các nhà giao dịch có trụ sở tại Bangkok cho hay, việc giá gạo giảm chủ yếu do tỷ giá hối đoái và giá trong nước giảm. Đồng baht Thái Lan đã giảm 3,5% so với đồng USD kể từ đầu tháng 3/2021.
Giá gạo trong nước giảm do các nhà xay xát đang gặp khó khăn trong việc bán cho các thương nhân và nhà xuất khẩu, những người gặp khó khăn trong việc tìm khách hàng ở nước ngoài với mức giá cao hơn gần đây.