Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2006 với tổng diện tích 150.000 ha; trong đó 70.000 ha đất và 80.000 ha mặt nước biển, nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Theo định hướng quy hoạch tại Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 27/3/2023, KKT Vân Phong có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.
Trong đó, kinh tế biển là nền tảng, có cảng trung chuyển Container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác; là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; có vị trí quan trọng về an ninh-quốc phòng của quốc gia.
Khu kinh tế Vân Phong. (Nguồn: Thanh niên) |
Lũy kế đến thời điểm hiện tại, KKT Vân Phong đã thu hút được 145 dự án đầu tư (121 dự án trong nước và 24 dự án có vốn đầu tư nước ngoài - ĐTNN) với tổng vốn đăng ký khoảng 5,1 tỷ USD, vốn thực hiện là 3,1 tỷ USD đạt 63% vốn đăng ký; trong đó phần lớn các dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết khoảng 8.500 lao động.
Năm 2024, doanh thu của các dự án tại KKT đạt 720,86 triệu USD; xuất khẩu đạt 362,53 triệu USD; nhập khẩu đạt 330,42 triệu USD; nộp ngân sách đạt 790,21 tỷ đồng. Trong đó phần lớn tập trung vào các dự án FDI quy mô lớn tại KKT như dự án Nhà máy sửa chữa, đóng mới các loại tàu biển Hyundai – Việt Nam (Hàn Quốc) với tổng vốn 475,92 triệu USD; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản) với tổng vốn 2,58 tỷ USD; Nhà đầu tư Australis Vietnam limited (Hoa Kỳ) với 04 dự án trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản công nghệ cao với tổng vốn đăng ký khoảng 68,19 triệu USD và một số dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… trong lĩnh vực cơ khí, vật liệu xây dựng, hỗ trợ đóng tàu...
“Địa điểm lý tưởng” về thu hút đầu tư
Khu kinh tế Vân Phong có vị trí địa lý thuận lợi, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, có độ sâu trung bình 20 - 27m, kín gió, không bị bồi lắng, gần tuyến hàng hải quốc tế, có vị trí chiến lược quan trọng trong giao thương hàng hóa với các nước trong khu vực, nên thuận lợi để phát triển cảng nước sâu và dịch vụ hậu cần cảng. Bên cạnh đó, vịnh Vân Phong có nhiều bãi tắm đẹp, địa hình đa dạng, hệ sinh thái phong phú; các đảo, bán đảo có cảnh quan đẹp và hấp dẫn, khí hậu ôn hòa thuận lợi để phát triển thế mạnh về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí có quy mô lớn, khu đô thị hiện đại đẳng cấp quốc tế.
Nhằm tạo động lực mới cho địa phương thu hút tối đa các nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa, ngày 16/6/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa (trong đó có các cơ chế chính sách đặc thù phát triển KKT Vân Phong), đặc biệt là chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược theo 07 nhóm danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong. Đây chính là các yếu tố thuận lợi để KKT Vân Phong chuyển mình cất cánh.
Thời gian qua, Ban quản lý tập trung tối đa nguồn lực hoàn thiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 27/3/2023. Theo đó, Khu vực Bắc Vân Phong gồm 13 phân khu thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh, quy hoạch trở thành đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng nước sâu gắn với khu phi thuế quan. Khu vực Nam Vân Phong gồm 06 phân khu thuộc địa bàn thị xã Ninh Hòa được quy hoạch trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.
KCN Dốc Đá Trắng. |
Trên cơ sở quy hoạch chung KKT Vân Phong được phê duyệt, Ban quản lý đã tập trung triển khai đồng loạt 19 quy hoạch phân khu chức năng tại Khu kinh tế, trong đó: phân khu 04 phân khu đã hoàn thành; các phân khu còn lại đang được các cơ quan liên quan tập trung triển khai thực hiện.
Đồng thời, Ban quản lý đã chủ động tiếp cận và xúc tiến các nhà đầu tư lớn để thu hút các dự án trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển như: lọc hóa dầu, kho cảng nhập khí hóa lỏng, sản xuất năng lượng sạch (hydro xanh), khu cảng tổng hợp và dịch vụ hậu cần cảng, khu đô thị biển cao cấp, khu du lịch nghĩ dưỡng cao cấp, KCN… và đã tham mưu UBND tỉnh ký 11 bản ghi nhớ tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2023 với tổng vốn đăng ký khoảng 76.000 tỷ đồng. Đến nay, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Dốc Đá Trắng với tổng vốn 1.807 tỷ đồng đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty CP Viglacera Yên Mỹ; 03 dự án trọng điểm tại khu vực Bắc Vân Phong trong lĩnh vực đô thị đã được nhà đầu tư nộp hồ sơ để triển khai thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.
Hạ tầng KKT Vân Phong được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chú trọng, đầu tư nâng cấp để tạo động lực phát triển, thu hút các nhà đầu tư đến với KKT Vân Phong; đến nay hoàn thành, đưa vào sử dụng được 45,17 km đường giao thông trục chính. Dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thành 02 dự án đưa vào khai thác sử dụng, tăng thêm 12,3 km.; giai đoạn 2021-2025, Ban quản lý KKT Vân Phong đã được bố trí kế hoạch vốn trung hạn là 1.352,29 tỷ đồng cho 05 dự án trên địa bàn, lũy kế kế hoạch vốn đã bố trí cho các dự án từ năm 2021 đến năm 2024 là 927,324 tỷ đồng và dự kiến năm 2025 bố trí khoảng 424,966 tỷ đồng.
Trên địa bàn Vân Phong có 14 dự án thuộc danh mục dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết 35-NQ/TU, ngày 22/12/2023 và Thông báo 827-TB/TU, ngày 25/12/2023 của Tỉnh ủy). Trong đó, 5 dự án cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025. Vốn đầu tư công đến năm 2024, đã bố trí cho các dự án trọng điểm là 140,734 tỷ đồng, trong đó vốn chuẩn bị đầu tư là 20,734 tỷ đồng và vốn thực hiện đầu tư là 120 tỷ đồng.
Để KKT Vân Phong được đánh giá tiếp tục là “địa điểm lý tưởng” về đầu tư tại duyên hải Nam Trung Bộ, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về thuế, về tiền thuê đất cho các doanh nghiệp. Đồng thời phới hợp tốt với các sở ngành, chính quyền các địa phương thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất cơ chế đặc thù của NQ55 về nhà đầu tư chiến lược; Công tác đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất trước thông báo thu hồi đất; Các cơ chế thông thoáng về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, rà soát tham mưu UBND tỉnh ưu tiên đầu tư các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư. Hy vọng, trong tương lai không xa KKT Vân Phong sẽ phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá như kỳ vọng.
| Khánh Hòa quyết tâm bứt phá, tạo đà phát triển bền vững trong giai đoạn mới Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa luôn đoàn kết, ... |
| Du lịch Khánh Hoà hướng tới phát triển bền vững Ngoài những tiềm năng sẵn có, Khánh Hòa còn tiếp tục phát triển, làm mới các sản phẩm, dịch vụ du lịch, đặt mục tiêu ... |
| Sanvinest Khánh Hòa vững bước chinh phục thị trường quốc tế Để vững bước trên chặng đường phát triển, những năm qua, Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa liên tục mở ... |
| Khánh Hoà đón vị khách du lịch thứ 9 triệu năm 2024 Năm 2024, ngành du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu đón 9 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc ... |
| Thông báo về việc tiếp nhận công chức làm việc tại Sở Ngoại vụ Khánh Hoà Trên cơ sở yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, quy định vị trí việc làm và biên chế công chức được giao năm 2024, Sở ... |