Bất động sản mới nhất: Tính chung 9 tháng năm 2024, 70% số căn hộ tại Hà Nội được giao dịch có giá trên 4 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức 2% năm 2020. (Ảnh: Linh An) |
Chung cư Hà Nội sát 70 triệu đồng/m2
Báo cáo thị trường BĐS quý III/2024 của đơn vị tư vấn dịch vụ BĐS Savills cho thấy, giá chung cư tại Hà Nội tiếp tục leo thang ở cả dự án mới và cũ.
Theo đó, mặt bằng giá dự án mới đã tăng 6% theo quý và 28% theo năm, đạt 69 triệu đồng/m2. Dự án sơ cấp tăng cao cũng kéo giá bán chung cư cũ lên 51 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 41% theo năm.
Số căn hộ bán được trong quý này tại Hà Nội đạt hơn 6.800 căn, tăng 35% theo quý và 226% theo năm. Căn hộ trung cấp đến cao cấp dẫn đầu, đóng góp 98% lượng giao dịch.
Theo thống kê của Savills, tính chung 9 tháng, 70% số căn hộ tại Hà Nội được giao dịch có giá trên 4 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức 2% năm 2020. Còn phân khúc từ 2 đến 4 tỷ đồng chiếm 29%. Chỉ 1% số căn hộ đã giao dịch có giá dưới 2 tỷ đồng.
Điều này cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu sản phẩm của phân khúc chung cư. Sau thời gian tăng giá liên tục, căn hộ giá trên 4 tỷ đồng trở thành mức giá mua bán phổ biến tại Hà Nội. Với 2-3 tỷ đồng người dân cũng chật vật để tìm được chốn an cư.
Trong báo cáo gửi lấy ý kiến các bộ, ngành mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, tại Hà Nội giá giao dịch nhà ở chung cư tăng khá cao, tập trung chủ yếu tại khu vực các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hai Bà Trưng và có xu hướng lan dần sang các khu vực lân cận khác. Mức tăng giá nhà bình quân trong 6 tháng đầu năm nay khoảng 12,5% so với cuối năm 2023.
Cũng theo Bộ Xây dựng, đến thời điểm cuối quý II/2024, sau khi thiết lập mặt bằng giá tương đối cao, lượng giao dịch chung cư có dấu hiệu chững lại.
Bộ này cho rằng, việc giá nhà chung cư tăng cục bộ ở hai đô thị lớn Hà Nội, TPHCM là do nguồn cung mới tiếp tục hạn chế, số lượng các dự án mới mở bán không nhiều.
Đặc biệt, sự khan hiếm về nguồn cung nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân thời gian qua đã đẩy giá bán chung cư tăng mạnh.
Nhìn nhận nguồn cung căn hộ 9 tháng đầu năm, đơn vị tư vấn cho rằng có cải thiện lớn, song chỉ tăng về số lượng. Phần lớn các chủ đầu tư tập trung vào phân khúc cao cấp, kéo mặt bằng giá tăng nhanh.
Savills cho biết, cuối năm dự kiến có 9.700 căn hộ mở bán, trong đó 88% đến từ các giai đoạn tiếp theo của các đại dự án. Từ 2025 trở đi, khoảng 10.000 căn từ 106 dự án sẽ được đưa ra thị trường, nhưng hàng ở phân khúc trung đến cao cấp.
Chuyên gia BĐS nhìn nhận, giá chung cư tăng cao, cùng với sự khan hiếm nguồn cung căn hộ bình dân, khả năng tiếp cận nhà của người dân, đặc biệt người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ngày càng khó. Với mức lương bình quân của người lao động hiện nay nếu mua nhà họ khó đủ tiền để trả lãi vay ngân hàng.
Số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê công bố hồi tháng 4/2024 cho thấy, thu nhập bình quân của người dân Hà Nội năm 2023 là khoảng 6,869 triệu đồng/tháng. Còn năm 2014 là 4,11 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức tăng thu nhập của người dân là rất thấp.
Trong khi đó, mức tăng giá nhà bình quân chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023.
Như vậy, giấc mơ mua nhà của người dân ở Hà Nội đang ngày càng xa vời. Với mức thu nhập bình quân kể trên, nếu không có yếu tố đột biến, người dân ở Hà Nội chi tiêu dè sẻn thì 50 năm cũng khó mua được căn hộ 4 tỷ đồng. Trong khi đó, giá nhà vẫn tăng đều đặn hàng năm, cao hơn nhiều mức tăng thu nhập.
40.000 môi giới BĐS được cấp chứng chỉ hành nghề
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, lực lượng môi giới BĐS đang tập trung chuẩn bị tham gia thi sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề nhằm đáp ứng yêu cầu pháp luật mới về kinh doanh BĐS có hiệu lực từ ngày 1/8 quy định 100% môi giới phải có chứng chỉ hành nghề.
Tới thời điểm hiện tại, cả nước mới có khoảng 40.000 môi giới BĐS được cấp chứng chỉ hành nghề, rất ít so với số lượng môi giới đang hành nghề trên cả nước. Hiện nay việc tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS còn nhiều bất cập về chất lượng đào tạo và khâu tổ chức thi.
Trong khi đó, thực tế về yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới BĐS quy định tất cả cá nhân kinh doanh dịch vụ này phải có chứng chỉ hành nghề môi giới và hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch hoặc dịch vụ môi giới BĐS. Đây cũng là một bước quan trọng nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường và phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thị trường do hoạt động môi giới.
Về chất lượng khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, theo quy định pháp luật mới về kinh doanh BĐS, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học quản lý đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới là một trong những điều kiện cần để dự thi kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề. Trước yêu cầu đó, thời gian gần đây, hàng loạt các khóa học đào tạo đã được tổ chức, chủ yếu dưới dạng trực tuyến, nhưng chất lượng các chương trình không đồng đều.
VARS đã tiếp nhận phản ánh của hội viên về nhiều khóa đào tạo được quảng cáo: “nhanh chóng, chăm sóc từ học tới thi”. Tại buổi học, rất nhiều học viên tham gia không nghiêm túc, làm việc riêng trong giờ, thậm chí không tham gia học. Giáo trình chưa bám sát yêu cầu thực tế của nghề nghiệp hoặc nội dung giảng dạy chưa được cập nhật theo quy định pháp luật mới nhất. Nhiều cơ sở đào tạo thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực môi giới hoặc không có kiến thức chuyên sâu về luật và quy định hiện hành. Bài kiểm tra đánh giá để cấp giấy chứng nhận cũng chỉ mang tính hình thức...
Đáng chú ý, các khóa học như kể trên lại rất “hút khách". Còn các khóa học được tổ chức bởi các đơn vị chuyên nghiệp, uy tín với nội dung giảng dạy chất lượng và sát với thực tế, lại kém thu hút, thậm chị bị học viên “bỏ qua” do yêu cầu khắt khe trong việc học và thi.
Thực trạng này cho thấy, các khóa học chất lượng không đảm bảo được tổ chức ngang nhiên. Khâu thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới, điều hành sàn giao dịch BĐS còn lỏng lẻo dù đã được quy định tại điều khoản thi hành của Thông tư hướng dẫn về sàn giao dịch BĐS - VARS khuyến cáo.
Nhiều môi giới BĐS không tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề và kỳ thi sát hạch cấp chứng chứng chỉ hành nghề do không sợ phạt. Mặc dù Nghị định 16/2022/NĐ-CP về “Quy định xử phạt hành chính về xây dựng” đã có quy định xử phạt hành chính đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề và đã có hiệu lực từ đầu năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin về bất cứ trường hợp xử phạt nào. Thậm chí, tại một số địa phương có thị trường BĐS sơ khai, VARS chỉ rõ, nhiều “cò đất” còn không biết tới các quy định mới này.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: Hạ khung giá thuê nhà ở xã hội xuống mức thấp nhất
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đề nghị nới rộng khung giá thuê nhà ở xã hội, hạ thấp nhất theo quy định của pháp luật để thu hút nhà đầu tư, có lợi cho người lao động về địa phương làm việc.
Liên quan đến khung giá thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại địa phương, Sở Xây dựng Hải Dương mới đây đưa ra đề xuất khung giá thuê đối với chung cư từ 5 tầng trở xuống (không có tầng hầm) tối thiểu là 37.800 đồng/m2 sàn/tháng, tối đa 64.300 đồng/m2 sàn/tháng.
Chung cư từ 5 tầng trở xuống, có 1 tầng hầm, mức giá tối thiểu là 44.200 đồng/m2 sàn/tháng, tối đa là 75.100 đồng/m2 sàn/tháng. Chung cư từ 8 - 10 tầng (không có tầng hầm) mức giá tối thiểu là 50.200 m2 đồng/sàn/tháng, tối đa là 85.300 đồng/m2 sàn/tháng.
Với chung cư từ 8 -10 tầng, có 1 tầng hầm mức giá tối thiểu là 52.500 đồng m2/sàn/tháng, tối đa là 89.300 đồng m2/sàn/tháng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, khung giá theo đề xuất của Sở Xây dựng còn cao so với mặt bằng đời sống người dân, người lao động ở Hải Dương và so với các tỉnh, thành phố lân cận.
Việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân không sử dụng ngân sách, do vậy cần có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư để thu hút được họ. Sở Xây dựng Hải Dương cần cân nhắc, tính toán đến việc bù giá để hỗ trợ nhà đầu tư.
Do là địa phương đang có nhu cầu thu hút một lượng lớn công nhân, nên cần khung giá nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân rộng hơn để người lao động gắn bó lâu dài sẽ được hưởng ưu đãi tốt hơn so với những công nhân mới đến. Từ đó, tạo tâm lý yên tâm, muốn gắn bó với nhà máy, với địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu cho rằng, mức giá cho thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những yếu tố cạnh tranh giữa Hải Dương với các thị trường lao động lân cận. Qua khảo sát thực tế, giá thuê nhà ở công nhân của Hải Dương đang cao hơn nhiều lần so với tỉnh Bắc Ninh.
6 nhóm đối tượng được thuê nhà ở công vụ
Điều 45 Luật Nhà ở 2023 quy định có 6 nhóm đối tượng được thuê nhà ở công vụ, bao gồm:
1. Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc trường hợp ở nhà ở công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ.
2. Cán bộ, công chức thuộc cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 45 Luật Nhà ở 2023 được điều động, luân chuyển, biệt phái từ địa phương về cơ quan Trung ương công tác giữ chức vụ từ Phó Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương trở lên; Được điều động, luân chuyển, biệt phái từ cơ quan Trung ương về địa phương công tác hoặc từ địa phương này đến địa phương khác để giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, Phó Giám đốc Sở và tương đương trở lên.
3. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 45 Luật Nhà ở 2023 được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
4. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh; công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; trừ trường hợp pháp luật quy định đối tượng thuộc điểm này phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang nhân dân.
5. Giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
6. Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ 2013, nhân tài có đóng góp quan trọng cho quốc gia được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối tượng không thuộc 06 trường hợp trên được bố trí nhà ở công vụ theo đề nghị của Bộ Xây dựng trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, UBND cấp tỉnh.