Bất động sản mới nhất: Ra mắt căn hộ mẫu dự án Feliz Homes. (Nguồn: Feliz Homes ) |
Đất nền TP. Hồ Chí Minh tăng giá
Theo Đầu tư, cách đây không lâu, sau khi TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) được thành lập, giá bất động sản (BĐS) khu vực này leo thang nhanh chóng. Đặc biệt là phân khúc đất nền, nhiều khu vực tăng 20 - 40% trong khoảng thời gian ngắn, thậm chí có nơi tăng gấp đôi.
Hiện do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp tại TPHCM, thị trường BĐS nói chung đã giảm tốc. Tại khu vực TP Thủ Đức không còn cảnh nhà đầu tư tấp nập đi xem đất. Việc bán hàng của môi giới BĐS cũng gặp cản trở không nhỏ khi có đất giới thiệu nhưng người mua không thể đi xem vì dịch.
Tuy vậy, khảo sát cho thấy, dù giao dịch giảm, nhưng giá đất tại khu vực này vẫn cao, thậm chí có nơi còn tăng nhẹ 5-10% so với thời điểm trước khi TPHCM bùng phát dịch.
Đơn cử, một nền đất liền thổ có diện tích khoảng 50 m2 tại khu vực phường Long Trường (thuộc quận 9 cũ, nay là TP Thủ Đức) đang được chào bán với giá 2,2 tỷ đồng (tức 44 triệu đồng/m2), tăng 100 triệu đồng so với 3 tháng trước.
Tương tự, nền có diện tích 60 m2 tại đây hiện chào giá 37 triệu đồng/m2, tăng 3 - 4 triệu đồng/m2. Trong khi đó, các nền có diện tích từ 80 đến 100 m2 đang được môi giới chào bán giá 33 - 35 triệu đồng/m2, tăng thêm 2 - 3 giá so với thời điểm đầu năm.
Ghi nhận thực tế cho thấy, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đang thận trọng hơn trong chiến lược giới thiệu dự án mới. Giá đất tại nhiều khu vực hiện tăng khá cao so với mặt bằng chung, cộng với tình hình thị trường đang giảm nhiệt, nên khách hàng ngày càng thận trọng hơn trong quyết định đầu tư.
Đánh giá về tình hình thị trường hiện nay và nhận định trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, cho rằng đất nền vẫn là phân khúc được nhà đầu tư ưa chuộng, dự báo tiếp tục khan hiếm và không có nhiều dự án mới mở bán.
Trước tác động của dịch bệnh lên các hoạt động kinh tế và đời sống, sức cầu của thị trường nhìn chung suy giảm do áp lực tài chính và tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, xét về dài hạn, tâm lý sở hữu đất nền vẫn còn khá lớn. Chính sự khan hiếm đã đẩy mức giá bán của loại hình này trên thị trường sơ cấp tăng lên.
Nhiều công trường xây dựng tại TPHCM dang dở vì Covid-19
Nhiều công trình cao tầng của các nhà thầu xây dựng lớn ở TPHCM tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho công nhân do không kịp đáp ứng các điều kiện để công nhân ăn ở tại chỗ.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải cho biết, việc tiếp tục thi công với điều kiện toàn bộ công nhân ăn ở tại chỗ rất khó khăn. Việc mua sắm trang thiết bị để toàn bộ người lao động ăn ngủ tại chỗ, cộng với xét nghiệm định kỳ khiến chi phí bị đội lên rất cao.
Ông Hải chia sẻ, Tập đoàn Hòa Bình hiện tạm ngưng thi công nhiều dự án tại TPHCM, chỉ tiếp tục thực hiện một số công trình do yêu cầu về tiến độ không thể dừng nhưng cũng chỉ có số ít công nhân ở lại.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Coteccons Phan Hữu Duy Quốc cũng chia sẻ, doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ" trong thời gian 12 giờ khi có yêu cầu từ Sở Xây dựng TPHCM nên nhiều công trường xây dựng tại thành phố đã tạm dừng thi công.
Theo ông Quốc, việc công nhân ăn uống, ngủ lại ngay tại công trường có thể áp dụng cho những công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ quy mô nhỏ nhưng rất khó triển khai trên các dự án xây dựng lớn có hàng trăm công nhân.
"Vì mục tiêu chung tay chống dịch, doanh nghiệp sẵn sàng tuân thủ tuyệt đối tất cả quy định của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thời gian từ lúc ban hành quy định "3 tại chỗ" trên công trường đến khi thực thi quá ngắn khiến doanh nghiệp có phần bất ngờ, bị động, dù đã có những sự chuẩn bị trước đó".
Dù giao dịch giảm, nhưng giá đất tại TP Thủ Đức vẫn cao, thậm chí có nơi còn tăng nhẹ 5-10% so với thời điểm trước khi TPHCM bùng phát dịch. (Nguồn: DT) |
Khu nào đất "sốt" nhất Hà Nội?
Cách hồ Hoàn Kiếm 17 km nhưng các dự án ở khu vực Hoài Đức (Hà Nội) bỗng sôi động trở lại chỉ trong 2-3 năm trở lại đây. Liên tiếp các dự án được xây dựng đã đẩy giá đất vùng ngoại ô Thủ đô tăng chóng mặt.
Một người dân sinh sống tại đây cho biết, gia đình chị chuyển về ở từ đầu năm 2018, thời điểm khu vực này vẫn còn heo hút người. "Lúc đó, căn nhà liền kề diện tích 80 m2 tôi mua chỉ có giá 3,6 tỷ đồng, nhiều căn chỉ có giá hơn 3 tỷ đồng. Biệt thự liền kề diện tích 120 m2 cũng chỉ có giá 4,2 tỷ đồng".
Hiện tại, căn nhà của chị đã có người trả giá 10 tỷ đồng bao gồm cả hoàn thiện.
Tuy nhiên các môi giới cũng phải thừa nhận thời điểm này, đầu tư vào đây thì giá không còn tăng sốc như trước, chỉ nhích dần theo mật độ dân cư. Những người mua ở đây 10 năm trước đã phải trải qua nhiều thăng trầm, chịu lỗ nhiều năm mới bán được giá như bây giờ.
Giá đất vùng lân cận khu công nghiệp mới và làng nghề ở Vĩnh Phúc tăng cao
Theo đánh giá của giới kinh doanh, giá đất nền, giá nhà gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… ở Vĩnh Phúc luôn sôi động, mua đi và bán lại có chênh lệch lớn.
Anh Dương Văn Hướng, ở thôn Bảo Sơn, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên cho biết, nhận thấy nhu cầu nhà đất tăng cao, người dân và giới đầu tư ở nhiều nơi đã “xuống tiền” mua đất tại địa phương này, làm cho giá đất ở các xã Bá Hiến, Bá Thiện, Sơn Lôi… huyện Bình Xuyên tăng cao.
Đất nền ở vị trí đầu thôn, xóm, khu dân cư mới cạnh các thôn của các xã Bá Hiến, Bá Thiện hiện nay có giá trên dưới 20 triệu đồng/m2, cao gấp từ 7 - 10 lần so với từ 3 - 5 năm trước. Dọc các tuyến đường chính ở xã Bá Hiến, Bá Thiện, Sơ Lôi… huyện Bình Xuyên giá đất mặt đường lớn từ 4 - 7 tỷ đồng/100 m2, cao gấp từ 5 - 7 lần so với giai đoạn 2015 - 2017.
Nguyên nhân bởi địa phương này ở gần Khu công nghiệp Bá Thiện, Khu công nghiệp Bình Xuyên.
Qua tìm hiểu thực tế, giới đầu tư quan tâm nhất là hai bên trục đường Tôn Đức Thắng kéo dài. Đây là nơi có Khu công nghiệp Khai Quang thuộc thành phố Vĩnh Yên và đi tiếp xuống cùng tuyến đường này là Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc thuộc huyện Bình Xuyên.
Hai khu công nghiệp này đang có gần 100 doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, thu hút nhiều hàng chục nghìn lao động. Do đó, giới buôn bán kinh doanh BĐS luôn nhận định, quan tâm đất đai ở đây nhiều nhất.
Ngoài ra, đất nền gần các làng nghề, chợ đầu mối, gần các điểm du lịch của Vĩnh Phúc cũng tăng mạnh. Ông Nghiêm Xuân Cường, Phụ trách Chi hội Cựu chiến binh làm kinh tế thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc cho biết, đất nền ở các làng nghề mộc thị trấn Yên Lạc có giá từ 30 - 50 triệu/m2 với mặt đường chính; đất cách mặt đường chính từ từ 30 - 50 mét cùng địa bàn giá phổ biến từ 25 - 27 triệu đồng/m2, cao hơn gấp từ 2 - 3 lần so với thời điểm từ 4 - 5 năm trước.
Theo giới kinh doanh nhà đất, sở dĩ đất ở và nhà ở tại các khu công nghiệp, làng nghề, khu du lịch… tăng giá mạnh là ở đây có nhiều người có việc làm, có thu nhập ổn định sinh sống. Đặc biệt, có lực lượng lao động phổ thông ở lứa tuổi có nhu cầu tiêu dùng rất lớn, nhu cầu mua đất xây nhà cao.
Ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, giá đất ở gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề... tại Vĩnh Phúc tăng cao so với thời điểm từ 3-5 năm trước là điều có thật và giá cả thị trường nhà đất ở tỉnh ít có chuyện giá ảo.
Feliz Homes “đốt nóng” thị trường khi ra mắt căn hộ mẫu
Đã từng gây ấn tượng mạnh mẽ với người dân Thủ đô khi phát triển một “resort nhiệt đới giữa lòng nội đô”, chủ đầu tư dự án Feliz Homes mới đây lại tiếp tục “đốt nóng” thị trường khi cho ra mắt căn hộ mẫu.
Căn hộ mẫu ra mắt lần này được lựa chọn là căn 2 phòng ngủ dành cho các gia đình trẻ, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ. Căn hộ được thiết kế sang trọng, hiện đại với sự kết hợp tinh tế giữa màu sắc và chất liệu, được bố trí một cách khoa học, tối ưu không gian.
Từ đây, khách hàng có những trải nghiệm chân thực nhất về tổ ấm lý tưởng của gia đình trong tương lai, đồng thời có thể tham khảo nội thất từ căn hộ mẫu để bắt đầu lên ý tưởng cho không gian sống sau này.
Feliz Homes sở hữu mật độ xây dựng thấp hiếm có khi dành gần 80% diện tích cho cây xanh, mặt nước và chuỗi tiện ích khác biệt dành cho mọi lứa tuổi.