Bất động sản mới nhất: Phối cảnh dự án Cầu Nguyễn Khoái, một trong dự án tại TPHCM cần thu hồi đất để triển khai. (Nguồn: Báo XD) |
Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi đất 31 dự án trong năm 2024
Ngày 14/3, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), UBND thành phố đã trình HĐND xem xét việc thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo Tờ trình, TPHCM đưa ra 32 danh mục dự án cần thu hồi đất để làm dự án trong năm 2024 với tổng diện tích gần 141ha. Trong đó, có 13 dự án cần thu hồi đất trong năm nay với tổng diện tích 27,86ha; 19 dự án cần thu hồi được thông qua tại Nghị quyết của HĐND thành phố nhưng quá hạn 3 năm chưa có quyết định, nay tiếp tục với diện tích cần thu hồi gần 113 ha.
Đáng chú ý, trong số các dự án cần được thu hồi đất sớm để triển khai có dự án Cầu Nguyễn Khoái (nối quận 7, 4, 1), dài gần 5km, phần cầu dài khoảng 2,5km, rộng 6,5-25,5m, riêng phần đường dài hơn 2,3km, rộng 26,5-61,5m.
Dự án thu hồi đất khoảng 1,7ha, được HĐND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016 với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1.250 tỷ đồng nhưng do điều chỉnh quy mô nên dự án sau đó tăng lên hơn 2.800 tỷ đồng và hiện nay là 3.725 tỷ đồng.
Kế hoạch đến năm 2025, địa phương hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công cho chủ đầu tư và đưa công trình sử dụng vào năm 2027.
Dự án Nạo vét xây dựng hạ tầng cải tạo môi trường bờ Bắc Kênh đôi (quận 8) cần thu hồi 5,5ha. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 4.930 tỷ đồng, gồm giai đoạn 2021-2025 khoảng 3.900 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 khoảng 937 tỷ đồng.
Trong năm nay, dự án sẽ được thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và xúc tiến công tác chuẩn bị bồi thường giải phóng mặt bằng. Đến năm 2025, địa phương chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng để khởi công. Dự án thi công trong 3 năm, hoàn thành trong năm 2028.
Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (phía quận Bình Thạnh) cần thu hồi 53,7ha.
Tính đến cuối tháng 10/2023, quận Bình Thạnh bố trí được 300 nền đất và căn hộ tái định cư, còn thiếu 807 căn. Dự kiến, thành phố xây khu tái định cư tại khu đất số 4 Phan Chu Trinh (phường 12), diện tích 12ha, quy mô 850 căn để bổ sung. Quận Bình Thạnh dự kiến bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 4/2025 để khởi công các gói thầu xây lắp.
Dự án Rạch Xuyên Tâm có tổng chiều dài gần 9km, tuyến chính từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật có chiều dài gần 7km, ba tuyến nhánh (rạch Cầu Sơn, rạch Bình Lợi, rạch Bình Triệu) có chiều dài hơn 2,2km.
Dự án Xây dựng đoạn kênh Hàng Bàng từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Thượng; dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (hạng mục xây dựng cầu bộ hành nhà ga Phước Long); dự án Xây dựng đường Vành đai 2 đoạn cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp…
Ngoài ra, Thành phố cũng cần thu hồi đất để xây dựng hàng loạt dự án, công trình xây dựng trường học, cơ sở hành chính công, mở rộng hẻm, trung tâm y tế... trên địa bàn trong năm nay.
Qua quá trình thảo luận, các đại biểu HĐND TPHCM thống nhất thông qua danh mục 31 dự án. Dự án không chấp thuận thông qua là dự án Xây dựng mới Trung tâm y tế quận 4, với diện tích thu hồi dự kiến là 0,07ha. Lý do, dự án này không thuộc trường hợp thông qua theo danh mục tại các Nghị quyết của HĐND thành phố nhưng quá hạn ba năm, chưa có quyết định thu hồi đất.
Điều kiện để Việt kiều sở hữu nhà ở trong nước
Để đảm bảo thống nhất quy định giữa Luật Đất đai năm 2024 và Luật Nhà ở năm 2023, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn sở hữu nhà ở trong nước cần phải có giấy tờ chứng minh đối tượng là cá nhân được sở hữu nhà ở, có hộ chiếu còn giá trị và được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Đề xuất trên vừa được Bộ Xây dựng đề cập trong Dự thảo “Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở” đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì cần phải có giấy tờ chứng minh đối tượng là cá nhân được sở hữu nhà ở - đó là hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Trường hợp người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu nước ngoài và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam.
Về điều kiện được sở hữu nhà ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì phải có giấy tờ chứng minh nhà ở được tạo lập hợp pháp thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Nhà ở.
Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh BĐS; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì cần phải có hộ chiếu còn giá trị và được phép nhập cảnh vào Việt Nam, đang cư trú tại Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở và thuộc diện được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Được biết, đề xuất trên nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan như pháp luật về đất đai.
Theo Điều 44 của Luật Đất đai năm 2024, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam; có quyền sử dụng đất ở do nhận chuyển quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.
Thanh Hóa điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 1004/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa giai đoạn năm 2021 - 2025.
Theo đó, điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa giai đoạn năm 2021 - 2025 đã được phê duyệt tại Quyết định số 3795/QĐUBND ngày 29/9/2021. Đưa ra khỏi Kế hoạch các dự án chưa đủ cơ sở và tính khả thi trong giai đoạn và điều chỉnh, bổ sung vào danh mục thực hiện các dự án có tính khả thi, đảm bảo các chỉ tiêu về nhà ở của các địa phương không vượt chỉ tiêu theo Chương trình và Kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.
Dự án nhà ở thương mại đưa ra khỏi Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là 70 dự án với quy mô diện tích đất là 1.896,47ha, điều chỉnh 121 dự án với tổng quy mô diện tích đất giảm là 130,54ha; bổ sung 128 dự án với quy mô diện tích đất là 1.370ha.
Dự án nhà ở tái định cư đưa ra khỏi Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025 hai dự án với quy mô diện tích 5,0ha gồm khu xen cư, tái định cư Đồng Vẹt, phường Quảng Vinh; hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư tái định cư Đỉnh Tân, xã Thiệu Phú (thị trấn Thiệu Hóa) và bổ sung 2 dự án với quy mô diện tích là 5ha gồm khu tái định cư Quảng Vinh 1; Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư xã Thiệu Trung.
Thanh Hóa điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở. (Nguồn: Báo XD) |
Các mức phạt khi chậm sang tên sổ đỏ
Theo Luật Đất đai 2024, sau khi công chứng hợp đồng mua bán, người dân cần thực hiện sang tên sổ đỏ trong thời hạn không quá 30 ngày, nếu quá thời hạn sẽ bị phạt tiền.
Khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định, trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày ký công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất, người sử dụng đất phải thực hiện việc sang tên sổ đỏ.
Trong khi đó, theo khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi chậm đăng ký biến động đất đai lần đầu lên đến 2 triệu đồng; Chậm sang tên sổ đỏ đối với đất đã có sổ đỏ lên tới 10 triệu đồng.
Ngoài bị xử phạt hành chính, người sử dụng đất cũng buộc phải thực hiện việc đăng ký biến động đất đai.
Như vậy, trong 30 ngày kể từ ngày thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất, người dân buộc phải thực hiện sang tên sổ đỏ tại văn phòng đăng ký đất đai. Trong thời hạn này, nếu không thực hiện sang tên, người sử dụng đất sẽ bị phạt tiền cao nhất đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, khi sang tên sổ đỏ, người sử dụng đất còn phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, bao gồm thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Đối với trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế, người sử dụng đất sẽ bị phạt đến 25 triệu đồng.
Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định: Chậm nộp quá thời hạn từ 1 - 30 ngày bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng; Chậm nộp quá thời hạn từ 31 - 60 ngày bị phạt từ 5 - 8 triệu đồng; Chậm nộp quá thời hạn từ 61 - 90 ngày/quá 91 ngày nhưng không phát sinh thuế nộp bị phạt từ 8 - 15 triệu đồng; Chậm nộp quá thời hạn 90 ngày bị phạt từ 15 - 25 triệu đồng.
Theo khoản 5 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là 10 ngày kể từ khi phát sinh nghĩa vụ thuế.
Như vậy, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công chứng hợp đồng chuyển nhượng, mua bán nhà đất, người dân bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký sang tên và nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 10 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Về đối tượng bị phạt khi chậm sang tên sổ đỏ, theo khoản 4 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, bên mua/tặng cho sẽ bị xử phạt khi thực hiện việc chuyển nhượng, tặng cho mà không hoặc chậm thực hiện đăng ký biến động.
Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký biến động đất đai. Thời hạn đăng ký biến động đất đai là không quá 10 ngày làm việc kể từ khi hồ sơ được công nhận hợp lệ.