Bất động sản mới nhất: Bộ Xây dựng dừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồnh. (Ảnh: Quỳnh Danh) |
Bộ Xây dựng dừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng
Liên quan tới tính khả thi của đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng mới đây, ngày 2/3, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, sau khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ này sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của NHNN.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết, đơn vị này dự kiến tạm ngừng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng để thực hiện gói 120.000 tỷ đồng của NHNN.
Theo ông Hưng, sau Hội nghị giải quyết khó khăn cho thị trường BĐS ngày 17/2, Bộ Xây dựng và NHNN đã có buổi làm việc và thống nhất sẽ thực hiện gói đề xuất 120.000 tỷ đồng của NHNN do đây là gói có sẵn, có thể thực hiện được ngay. Bộ Xây dựng sẽ không đề xuất gói 110.000 tỷ đồng nữa, vì đã có gói 120.000 tỷ đồng rồi.
Trước đó, tại Hội nghị, Bộ Xây dựng đã đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, người mua nhà ở vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây).
Trong đó, khoảng 50% gói tín dụng dành cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, người mua nhà ở vay ưu đãi. Khoảng 50% còn lại dành cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tuy nhiên, tại Hội nghị, Thống đốc NHNN đã đề xuất một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Lãi suất cho vay của gói này với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ của Bộ Xây dựng và NHNN trong thời điểm này là giải pháp có thể làm được. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần đảm bảo dòng tiền để vận hành.
Bên cạnh đó, các yêu cầu về điều kiện cho vay, hệ số rủi ro, chuyển nhóm nợ... đều phải được thực hiện nghiêm ngặt. Bởi nếu người vay mua nhà không trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ rơi vào áp lực nợ xấu, gây bất ổn và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế nói chung.
Vụ nợ 1.000 sổ đỏ ở Quảng Nam: Xử nghiêm các sai phạm của chủ đầu tư
Theo Dantri, liên quan đến vụ nợ 1.000 sổ đỏ tại các dự án BĐS ở Công ty cổ phần Bách Đạt An, ngày 2/3, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo giải quyết vướng mắc.
Văn bản chỉ đạo của chính quyền tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Hồng Quang ký nêu, thời gian qua, Công ty cổ phần Bách Đạt An đã thiếu quyết tâm, không nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo, kết luận của UBND tỉnh, phối hợp không chặt chẽ với các sở, ngành và UBND thị xã Điện Bàn trong quá trình giải quyết các tồn tại, vướng mắc liên quan đến các dự án do công ty triển khai trên địa bàn tỉnh; nhất là các dự án Khu đô thị Bách Đạt, Khu đô thị số 7B mở rộng và Khu đô thị Hera Complex Riverside.
Tin liên quan |
Xuất khẩu rau quả sang EU theo EVFTA: Lợi thế đã có, làm gì để khai thác tối đa? |
"Tại các cuộc họp giải quyết vướng mắc do UBND tỉnh chủ trì và các văn bản kiến nghị của Công ty cổ phần Bách Đạt An, công ty luôn khẳng định có đầy đủ năng lực tài chính và quyết tâm tiếp tục triển khai thực hiện các dự án; tuy nhiên, thực tế năng lực tài chính hiện nay của công ty không đảm bảo", văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam nêu.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, Công ty cổ phần Bách Đạt An chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với phần đất đã được UBND tỉnh giao đợt 1 để triển khai dự án Khu đô thị Bách Đạt.
Công ty chưa chuyển đầy đủ nguồn kinh phí cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn theo các phương án đã được thị xã phê duyệt từ tháng 8/2022 để tổ chức chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng của các dự án Khu đô thị số 7B mở rộng, Khu đô thị Hera Complex Riverside.
Nhằm sớm xử lý dứt điểm vụ tranh chấp BĐS, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân mua đất tại các dự án, UBND tỉnh Quảng Nam giao công an tỉnh điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh của Công ty cổ phần Bách Đạt An.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Công ty cổ phần Bách Đạt An khẩn trương chuyển toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo các phương án đã được UBND thị xã Điện Bàn phê duyệt để phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan.
Thời gian hoàn thành việc chuyển tiền cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn là trước ngày 10/3.
Công ty được yêu cầu hoàn thành nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước đối với phần diện tích đã được UBND tỉnh giao đất để thực hiện dự án Khu đô thị Bách Đạt. Phía tỉnh chỉ xem xét gia hạn thời gian thực hiện các dự án khi doanh nghiệp này hoàn thành các yêu cầu nêu trên.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam được giao chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn theo dõi việc chuyển tiền để chi trả bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng của Công ty cổ phần Bách Đạt An.
"Trường hợp Công ty cổ phần Bách Đạt An không chuyển nguồn kinh phí đảm bảo đủ theo yêu cầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá năng lực tài chính của công ty, báo cáo UBND tỉnh xem xét không gia hạn thời gian thực hiện dự án, thu hồi dự án và chỉ đạo giải quyết các phát sinh sau khi thu hồi dự án", văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ.
Tỉnh Quảng Nam cũng giao thị xã Điện Bàn khẩn trương rà soát, đánh giá hiện trạng và khả năng giải phóng mặt bằng đối với khu vực chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án Khu đô thị Bách Đạt (khoảng 2,6 ha); báo cáo các sở, ngành liên quan tham mưu tỉnh chỉ đạo giải quyết theo hướng giữ lại chỉnh trang, kết thúc dự án.
Đồng Tháp: Quy định quản lý nhà ở công vụ giáo viên
Ngày 2/3, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quy định về quản lý, vận hành và sử dụng nhà ở công vụ giáo viên trên địa bàn.
Quy chế được ban hành sẽ quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở công vụ giáo viên. Đối tượng áp dụng là giáo viên thuộc diện được thuê nhà ở công vụ tại điểm đ khoản 1 Điều 32 Luật Nhà ở năm 2014 và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cho thuê, quản lý, sử dụng nhà ở công vụ.
UBND tỉnh là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở công vụ trên địa bàn và quyết định cho thuê đối với nhà công vụ được giao cho các đơn vị quản lý (UBND huyện, thành phố). Hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo theo phương án sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước thì Phòng Kinh tế Hạ tầng hoặc Phòng Quản lý đô thị tham mưu UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà ở công vụ.
Bên cạnh đó, quy chế cũng nêu rõ chỉ nhà ở công vụ được xây dựng kiên cố thì mới sử dụng để cho thuê (đối với các căn nhà được xây dựng trước năm 2016 thì phải theo danh sách cho phép)... Hoạt động quản lý vận hành nhà ở công vụ được hưởng phần chi phí quản lý vận hành trong câu thành giá cho thuê theo quy định của UBND tỉnh.
Đối tượng được thuê nhà ở là giáo viên đến công tác tại các điểm trường có nhà công vụ. Cần 2 điều kiện để được thuê nhà ở công vụ: Thứ nhất, đối tượng phải có quyết định bổ nhiệm, biệt phái hoặc cử đến công tác tại các điểm trường có nhà công vụ.
Thứ hai, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được thuê, thuê mua hoặc mua nhà ở xã hội tại nơi đến công tác; hoặc đã sở hữu nhà ở tại nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân trong hộ gia đình dưới 10 m2 sàn/người.
Tiêu chí xét duyệt đối tượng được thuê nhà ở công vụ cũng rất cụ thể. Trường hợp không có nhà hoặc không đủ chỗ bố trí thì việc sắp xếp cho thuê nhà ở được thực hiện theo thứ tự: Bố trí theo loại nhà hiện có; ưu tiên cho người ở xa; được ở ghép khi có sự đồng ý của đối tượng được thuê nhà.
Nếu có từ 2 cá nhân trở lên cùng thuộc đối tượng ưu tiên như nhau thì do đơn vị quản lý nhà ở công vụ xem xét, quyết định. Trường hợp đã cho các đối tượng đáp ứng đủ điều kiện trên mà vẫn còn nhà ở công vụ thì sẽ giao đơn vị quản lý, vận hành phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét, tiếp tục đề xuât việc cho thuê đối với từng trường hợp cụ thể (hợp đồng thuê ngắn hạn không quá 12 tháng).
Giá cho thuê nhà ở công vụ giáo viên trên địa bàn sẽ do UBND tỉnh ban hành, công khai, minh bạch.
Hải Dương: Trên 25.000 công trình xây dựng vi phạm trên đất chuyển đổi
Theo Báo Xây dựng, kết quả rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho thấy, toàn tỉnh có 25.179 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chuyển đổi, trong đó 1.598 công trình là nhà trông coi sử dụng kết hợp vào mục đích làm nhà ở của cả hộ gia đình.
Về thời điểm vi phạm, theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, thị xã các trường hợp vi phạm tập trung ở giai đoạn trước khi UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 1654/2007/QĐ-UBND ngày 3/5/2007 quy định về quản lý và xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển đổi trên địa bàn tỉnh; từ 3/5/2007 đến nay, tình trạng vi phạm cơ bản được kiểm soát, số lượng các trường hợp phát sinh mới rất ít.
Về nguyên nhân của các vi phạm, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, nguyên nhân quan trọng nhất là sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp xã. Khi vi phạm xảy ra, UBND cấp huyện chưa vào cuộc quyết liệt để chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Các khu chuyển đổi thường ở ngoài đồng, cách xa khu dân cư nên các hộ dân cần có nơi để tập kết, bảo quản công cụ lao động, có nhu cầu phải ở lại. Một bộ phận người dân do khó khăn hoặc nhận thức kém nên đã chuyển nhượng hết đất ở, tập trung ra khu chuyển đổi xây dựng nhà trông coi và sử dụng thành nhà ở của cả gia đình.
Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đều có chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu chuyển đổi giúp cho các điều kiện về sinh hoạt được thuận lợi hơn, từ đó người dân hình thành tâm lý và mong muốn được sống lâu dài tại các khu chuyển đổi để thuận lợi trong sản xuất, đời sống.
Một số hộ dân cố tình vi phạm, có dấu hiệu giữ đất để chờ thời cơ chuyển nhượng cho một số người có điều kiện nhằm biến khu đất chuyển đổi thành các khu nghĩ dưỡng, vui chơi giải trí, kinh doanh dịch vụ…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, thời gian qua, việc xử lý vi phạm trên đất chuyển đổi cơ bản thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND cấp xã, huyện. Mặc dù một số địa phương đã ban hành nghị quyết, kế hoạch chuyên đề tăng cường quản lý đất nông nghiệp chuyển đổi, xử lý các vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng việc triển khai thực hiện lại không thường xuyên, chủ yếu dừng lại ở việc rà soát, lập biên bản, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng; chưa có những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe theo quy định; chưa có những nghiên cứu, đánh giá để có những giải pháp căn cơ, lâu dài…
| Bất động sản mới nhất: Kẻ tháo chạy, người chờ bắt đáy; nghịch lý ế ẩm nhưng giá vẫn cao ngất; Bình Định đấu giá hơn 2.600 lô đất Dù giá đất nền giảm nhưng thanh khoản còn thấp; giá biệt thự, liền kề vẫn neo cao; Hà Nội sắp có khu thương mại, ... |
| Bất động sản mới nhất: Dứt ‘cơn sốt’, đột ngột xuất hiện làn sóng cắt lỗ đất nền ven Hà Nội; chung cư giảm sâu vẫn ế ẩm, vì sao? Giá đất nền vùng ven Hà Nội đột ngột giảm mạnh, thanh khoản kém; chung cư cũng giảm giá, nhiều ưu đãi nhưng khách vẫn ... |
| Giá tiêu hôm nay 4/3/2023: Thị trường giảm mạnh, người dân trăn trở với sản xuất hồ tiêu hữu cơ Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 62.000 – 64.5000 ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (24/2-2/3): Giữa vòng vây trừng phạt, Nga nói có thể học kinh nghiệm từ Iran, Ukraine đón tin vui, Mỹ sẽ ‘hạ cánh mềm’ Tín hiệu tích cực với thương mại toàn cầu, Nga-Iran thắt chặt hợp tác giữa vòng vây trừng phạt, Moldova tuyên bố không còn phụ ... |
| Xuất khẩu rau quả sang EU theo EVFTA: Lợi thế đã có, làm gì để khai thác tối đa? Hiệp định EVFTA giúp rau quả Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế khi vào EU, tạo lợi thế cạnh tranh so ... |