📞

Bất động sản mới nhất: Rà soát dự án bỏ hoang đất, Hà Nội nâng tầng dự một số án căn hộ, trường hợp nào không được cấp sổ đỏ?

Hải AN 08:10 | 12/02/2022
Hà Nội nâng tầng một số dự án chung cư, điều kiện để hợp thửa đất, rà soát dự án bỏ hoang đất… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Hiện trạng lô đất được TP Hà Nội điều chỉnh nâng 10 tầng, thêm căn hộ vào cao ốc văn phòng ở Mỹ Đình Pearl. (Ảnh: Hà Phong)

Thủ tướng chỉ đạo rà soát dự án bỏ hoang đất

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong Chỉ thị này có nhiều nội dung liên quan đến việc triển khai các dự án quan trọng, giải ngân đầu tư công, sửa luật Nhà ở...

Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về đề xuất phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, tổng hợp, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trước ngày 15/2. Điều này đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 39/2021 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, nghiêm cấm lợi ích nhóm, các hành vi tiêu cực, tham nhũng về đất đai.

Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hoàn thiện phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, sử dụng không gian biển (đối với 28 địa phương ven biển) trong quy hoạch cấp tỉnh, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, biển và quy hoạch; khẩn trương lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm (2021-2025), tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2022.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai.

Trên cơ sở đó, Bộ chủ trì và phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trường hợp có phát sinh vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, Bộ báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.

Hà Nội nâng tầng một số dự án chung cư

Cuối tháng 1 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký Quyết định số 426 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu KS-VP-NO dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl, trên địa bàn phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Diện tích lô đất điều chỉnh quy hoạch là gần 3,8ha.

Theo Quyết định trên, nội dung điều chỉnh, giữ nguyên ranh giới, quy mô diện tích lô đất; giữ nguyên khối chung cư (ký hiệu 3A và 3B) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng và khối Tổ hợp khách sạn, thương mại dịch vụ, văn phòng và nhà ở kết hợp thương mại đang triển khai thi công (ký hiệu số 1).

Đáng chú ý, đối với khối văn phòng (ký hiệu số 2) đề xuất điều chỉnh giảm diện tích xây dựng được duyệt từ hơn 1.790m2 xuống còn 1.493m2; tăng tầng cao từ 28 tầng lên thành 38 tầng; tăng tổng diện tích sàn từ hơn 40.012m2 lên thành gần 54.000m2, đồng thời đề xuất điều chỉnh chức năng từ "Văn phòng" sang thành "Thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ".

Theo đó, mật độ xây dựng toàn dự án sau điều chỉnh là 24,06%. Hệ số sử dụng đất là 6,45 lần. Dân số dự án đề xuất tăng thêm 848 người (tổng dân số toàn dự án sau điều chỉnh là khoảng 3.988 người).

Trước đó không lâu, cùng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng đã ký 2 quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Mỹ Đình II và Xây dựng cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng.

Cụ thể: Theo Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Mỹ Đình II tỷ lệ 1/500 được duyệt, ô đất CC1 tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm được xác định chức năng đất công cộng thành phố và khu vực có các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Diện tích đất khoảng 7.782m2 (bao gồm cả đường giao thông); diện tích xây dựng 3.610m2; mật độ xây dựng 46,4%; tầng cao bình quân 5,3 tầng (công trình cao 5 - 9 tầng); hệ số sử dụng đất 2,45 lần.

Tuy nhiên, theo quyết định điều chỉnh mới, Hà Nội giữ nguyên phạm vi ranh giới của ô đất theo quy hoạch được duyệt, đề xuất điều chỉnh thành ô đất ký hiệu NO có chức năng đất ở (gồm nhà ở chung cư kết hợp dịch vụ, thương mại, nhà trẻ và nhà ở liên kế) với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Diện tích đường giao thông 674,8m2; diện tích đất thực hiện dự án 7,106,7m2; mật độ xây dựng 50%; hệ số sử dụng đất 6 lần; tầng cao công trình 6 và 21 tầng; tầng hầm 1 - 3 tầng; dân số 700 người.

Tương tự, tại Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng, tỷ lệ 1/500 (đoạn từ đường Xuân Thủy đến Trần Duy Hưng) tại ô đất 4.500m2 ký hiệu N6.3.

Theo đó, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và điều chỉnh công năng xây dựng công trình tại ô đất từ Trung tâm giao lưu và phát triển văn hóa cộng đồng sang xây dựng công trình khách sạn, văn phòng, thương mại và văn hóa cộng đồng với tầng cao 30 tầng (tăng 15 tầng so với quy hoạch cũ), 4 tầng hầm, tổng diện tích sàn hơn 54.000m2.

Không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp nào?

Căn cứ theo Điều 19, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, các trường hợp không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm:

1. Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai, cụ thể:

Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Tổ chức được giao quản lý công trình công cộng, gồm công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình thủy lợi, đê, đập; quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm.

Tổ chức được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng.

Tổ chức được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

3. Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

4. Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.

5. Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

6. Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

7. Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.

Để thực hiện hợp thửa đất cần điều kiện gì?

Theo Laodong, để được tiến hành hợp thửa đất cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư 25/2014/TT-BTNMT và Luật Đất đai 2013.

Hợp thửa đất là việc gộp các quyền sử dụng đối với các thửa đất liền kề của một chủ sở hữu thành một quyền sử dụng đất chung.

Theo đó, Thông tư 25/2014/TT-BTNMT và Luật Đất đai 2013 đã quy định về điều kiện hợp thửa đất như sau:

Việc hợp thửa đất chỉ thực hiện đối với các thửa đất có cùng mục đích sử dụng.

Tại Điểm 2.3a, Khoản 2, Điều 8, Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, thửa đất được xác định theo phạm vi quản lý, sử dụng của một người sử dụng đất hoặc của một nhóm người cùng sử dụng đất hoặc của một người được nhà nước giao quản lý đất; có cùng mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Như vậy, việc hợp thửa đất sẽ chỉ được tiến hành giữa những thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất. Trong trường hợp hai thửa đất không cùng mục đích sử dụng phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Các thửa đất phải liền kề nhau.

Theo Khoản 1, Điều 3, Luật Đất đai 2013, thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.

Do đó, khi hợp các thửa đất thành một thửa thì thửa đất hình thành sau khi hợp phải được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc mô tả trên hồ sơ. Và để phần diện tích này được hình thành một thửa đất theo quy định thì bắt buộc các thửa đất muốn hợp thửa phải liền kề nhau.

Phần diện tích thửa đất sau khi hợp không được vượt hạn mức sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Tùy từng địa phương và mục đích sử dụng đất mà hạn mức sẽ có sự khác nhau. Trường hợp vượt hạn mức theo quy định, người sử dụng đất sẽ bị hạn chế quyền lợi cũng như không được áp dụng các chế độ miễn giảm theo quy định của pháp luật.

(tổng hợp)