Bất động sản mới nhất: Giá đất nền ở Hà Nội, TP.HCM diễn biến trái chiều. (Ảnh: Đ.V) |
Giá đất nền diễn biến trái chiều tại các địa phương
Theo báo cáo thị trường BĐS quý III/2021 của Bộ Xây dựng vừa công bố, giá phân khúc đất nền cơ bản không thay đổi so với quý trước.
Tại khu vực miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nội, giá đất nền vẫn ở ngưỡng cao, hầu như chưa giảm so với quý II.
Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, thị trường đất nền không thay đổi nhưng có dấu hiệu giảm giá cục bộ ở một số dự án và khu vực tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh, mức giảm khoảng 5 - 7% so với tháng 5.
Bộ Xây dựng cũng đưa ra chi tiết mức giá rao bán trung bình đất nền tại một số địa phương. Chẳng hạn tại Hà Nội, đất dự án tại khu đô thị mới Đại Kim - Định Công có giá khoảng 46 triệu đồng/m2, khu đô thị Thanh Hà Mường Thanh khoảng 34 triệu đồng/m2, dự án Eurowindow Twin Parks khoảng 94 triệu đồng/m2, khu đô thị Kim Chung - Di Trạch khoảng 52 triệu đồng/m2.
Tại TP.HCM, giá đất nền tại khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi - quận 2 khoảng 114 triệu đồng/m2, dự án An Phú - An Khánh tại quận 2 khoảng 211 triệu đồng/m2, dự án Huy Hoàng tại quận 2 khoảng 212 triệu đồng/m2, dự án The Everrich III tại quận 7 có giá khoảng 110 triệu đồng/m2…
Tại Đà Nẵng, dự án Làng châu Âu (Euro Village) tại quận Sơn Trà khoảng 84 triệu đồng/m2, dự án One River tại quận Ngũ Hành Sơn khoảng 52 triệu đồng/m2, dự án Khu đô thị Nam Cầu Tuyên Sơn tại quận Ngũ Hành Sơn khoảng 43 triệu đồng/m2.
Tại Hải Phòng, dự án ICC Quán Mau tại quận Lê Chân khoảng 61 triệu đồng/m2, dự án Him Lam Hùng Vương tại quận Hồng Bàng khoảng 29 triệu đồng/m2, dự án Khu đô thị Bắc Sông Cấm tại huyện Thủy Nguyên khoảng 28 triệu đồng/m2…
Theo báo cáo, lượng giao dịch đất nền trong quý III là 107.167. Trong đó, tại miền Bắc có 10.421 giao dịch, tại miền Trung có 31.380 giao dịch, tại miền Nam 65.366 giao dịch.
Báo cáo cũng cho biết giá rao bán nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương cơ bản giữ mức giá xác lập trong quý II, hoặc một số dự án có tăng nhưng không nhiều, khoảng 1-2%.
Cụ thể Tại Hà Nội, TPHCM hầu như không có dự án mở bán và giao dịch. Một số dự án tại trung tâm các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh có giá dao động từ 30 - 50 triệu đồng/m2. Giá bán tại hầu hết các tỉnh thành không biến động so với quý trước.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), đợt dịch Covid - 19 lần thứ 4 ở Việt Nam tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành BĐS không phải là một ngoại lệ. Hầu hết các dự án phát triển BĐS trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật tuần (29/10-4/11): Nga không quan tâm giá năng lượng, Ukraine bị giảm khí đốt trung chuyển, Mỹ-EU bắt tay đối phó Trung Quốc |
Cũng do tác động của dịch, hoạt động giao dịch mua - bán BĐS trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận … trong khi BĐS là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các chủ đầu tư nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng, số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt.
Thị trường có dấu hiệu phục hồi
Tuần vừa qua, nhiều cổ phiếu BĐS bứt tốc mạnh mẽ cả về giá và thanh khoản, có cổ phiếu tăng nóng từ 10% - 19%, các phiên giao dịch có thanh khoản tăng gấp 3-5 lần so với thời gian trước đó. Việc cổ phiếu BĐS đồng loạt tăng giá đột biến phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào hiệu quả kinh doanh của các công ty BĐS trong thời gian tới.
Mặt khác, thị trường mặc dù ít nhiều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá lại không giảm.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào BĐS tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính. Hiện nay một lượng lớn lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào BĐS tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2021, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký mới đạt trên 13 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây chính là bệ phóng đẩy mạnh tiềm năng phát triển BĐS công nghiệp.
Tuy thị trường BĐS sẽ sôi động lại trong thời gian tới, nhưng việc đầu tư địa ốc để kiếm “một vốn bốn lời” không còn dễ dàng, bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiến độ thi công chậm, quá trình cấp phép xây dựng cho các dự án cũng bị kéo dài...
Ngoài ra, thị trường BĐS liên tục tăng giá khiến việc tìm ra một sản phẩm có khả năng sinh lời lớn là một thách thức dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Tại sao lượng giao dịch biệt thự, liền kề Hà Nội lao dốc?
Báo cáo thị trường BĐS quý III của Savills Việt Nam cho thấy, biệt thự và nhà liền kề tại Hà Nội ghi nhận hoạt động trầm lắng với tỷ lệ hấp thụ theo quý đạt mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Cụ thể, khối lượng giao dịch trong cả quý chỉ đạt 210 lượt, giảm 81% theo quý và 54% theo năm. Trong đó, giao dịch đối với phân khúc nhà liền kề và nhà phố chiếm 74%. Quận Hoàng Mai có lượng giao dịch lớn nhất, chiếm 28% tổng số lượng, theo sau đó là Đông Anh với 27%.
Ngoài ra, các dự án với giá chào bán cao có lượng giao dịch khá hạn chế. Các căn có giá sơ cấp dưới 5.000 USD/m2 (115 triệu đồng) chiếm 51% lượng giao dịch, các căn có giá từ 5.000 USD/m2 chiếm 31%, và các căn khoảng giá trên 7.500 USD/m2 (khoảng 172 triệu đồng) chỉ chiếm 18% tổng số giao dịch.
Ở phân khúc biệt thự/nhà liền kề, từ nay đến cuối năm, dự kiến có khoảng 650 căn từ 6 dự án sắp được ra mắt, chủ yếu ở huyện Hoài Đức và Nam Từ Liêm. Vào năm 2022, khoảng 4.000 căn sẽ được tung ra thị trường với khu vực phía Tây chiếm 65% thị phần.
Chuyên gia của đơn vị này cho rằng hiện nay, thị trường nhà ở thấp tầng chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung mới hạn chế đến từ các hoạt động mở bán bị trì hoãn và vấn đề pháp lý của một số dự án vẫn chưa được giải quyết.
Sự thận trọng của người mua trong thời kỳ đại dịch và hàng tồn kho giá cao cũng là lý do khiến lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Song chuyên gia Savills vẫn đánh giá đây là lĩnh vực có triển vọng phục hồi nhanh chóng và đạt mức giao dịch như trước đại dịch.
Đối với thị trường thấp tầng, lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm trước khi giãn cách xã hội đạt ngưỡng khá tốt, cho thấy nguồn cầu của thị trường vẫn ở mức lớn. Trong quý cuối năm, giá bán dự kiến không có nhiều sự thay đổi do thị trường cũng đã tăng trưởng khá mạnh trong thời gian đầu năm.
Trên thực tế, nguồn cầu sẵn có cho BĐS nhà ở tại Hà Nội nhìn chung là rất lớn, được thúc đẩy bởi các yếu tố như sự tăng trưởng trong vốn sở hữu cá nhân, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng như sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tiếp cận nhiều khu vực của thành phố.
Phối cảnh Dự án Phong Phú Riverside. (VPI) |
Văn Phú - Invest huy động thành công 690 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư Oman
Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (Mã chứng khoán: VPI) vừa phát hành thành công gói trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có giá trị 690 tỷ đồng cho quỹ VIAC Limited Partnership - đơn vị đầu tư trực thuộc Vietnam Oman Investments (VOI).
Gói trái phiếu có thời hạn 3 năm với tài sản đảm bảo là 22,5 triệu cổ phiếu VPI. Số trái phiếu này sẽ được chuyển đổi thành cổ phần của Văn Phú - Invest hoặc được tổ chức phát hành mua lại vào ngày đáo hạn.
Theo thông tin từ Văn Phú - Invest, số vốn huy động qua đợt phát hành trái phiếu này sẽ được sử dụng để đầu tư tăng nguồn vốn chủ sở hữu đối ứng và bổ sung vốn cho phần tham gia của Văn Phú - Invest cho 2 dự án trọng điểm trong 3 năm tới gồm: Dự án Phong Phú Riverside và Hà Phú Riverside tại Nhơn Trạch, Đồng Nai (khoảng 453 tỷ đồng); Dự án BT Sài Gòn (khoảng 100 tỷ đồng).
Hiện kết quả kinh doanh sơ bộ trong 9 tháng đầu năm 2021 của Văn Phú - Invest cũng cho thấy những tín hiệu tích cực khi doanh thu và lợi nhuận luỹ kế lần lượt đạt 639,9 tỷ đồng và 106,9 tỷ đồng. Các chỉ số thể hiện thanh khoản của doanh nghiệp là hệ số thanh toán ngắn hạn và hệ số thanh toán nhanh lần lượt ở mức 1,37 và 0,84 trong quý III/2021. Còn chỉ số thể hiện hiệu quả hoạt động là vòng quay hàng tồn kho ở mức 0,59.
Về phía Vietnam Oman Investments, quỹ đặt kỳ vọng vào sự phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS Việt Nam nói riêng trong thời gian tới. Đồng thời, quỹ cũng tin tưởng vào năng lực của chủ đầu tư Văn Phú - Invest.
Quỹ Vietnam Oman Investments (VOI) thành lập từ năm 2009, là liên doanh giữa Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman (Oman Investment Authority) và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà Nước Việt Nam (SCIC). Quy mô vốn của quỹ ban đầu là 100 triệu USD, sau đó tăng lên 200 triệu USD vào năm 2014.
Sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam, quỹ VOI đã thực hiện giải ngân gần 300 triệu USD, tập trung vào các ngành có lợi thế cạnh tranh và đóng góp cho sự phát triển bền vững lâu dài của nền kinh tế Việt Nam như hạ tầng, điện, nước, giáo dục, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và BĐS.
| Nhận định thị trường chứng khoán ngày 3/11 - Chốt lời Baoquocte.vn. Báo Thế giới & Việt Nam liên tục cập nhật tin tức và nhận định của các chuyên gia về thị trường chứng khoán ... |
| Bất động sản mới nhất: Vốn FDI đổ vào địa ốc, sốc với đất đấu giá ở Cầu Giấy gần 400tr/m2, sốt đất có tái diễn? Xuất hiện nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản Việt Nam; Đấu giá đất ở Cầu Giấy cao nhất tới gần 400 triệu/m2; liệu ... |