Đó là nhận định của ông Anant, chuyên gia Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc trong bài viết đăng tải trên Nation Interest ngày 13/4 vừa qua.
Ảnh minh họa. (Nguồn: National Interest) |
Lợi ích kinh tế và phi kinh tế
Một trong những động lực chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế của ASEAN là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa các quốc gia. Stephen Groff, Phó Chủ tịch phụ trách mảng hoạt động của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: "Nếu như ASEAN là một nền kinh tế, thì đây sẽ là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, với GDP đạt 2,4 nghìn tỷ USD trong năm 2013. Tới năm 2015, nền kinh tế ASEAN có thể lớn thứ tư thế giới nếu như duy trì được những xu hướng tăng trưởng hiện nay".
FTA được xem là công cụ để thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và kích thích sự tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia thành viên. Đồng thời, FTA có thể giảm bớt những rào cản thương mại cho phép các ngành công nghiệp khai thác những thị trường mới, mở rộng phạm vi xuất khẩu và làm tăng nền tảng người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, bằng cách giảm bớt hoặc xóa bỏ các hàng rào thuế quan hoặc phi thuế quan, FTA góp phần làm tăng tính chuyên môn hóa của lực lượng lao động vì quốc gia nào cũng theo xu hướng tập trung sản xuất những mặt hàng hay cung cấp những dịch vụ mà họ có lợi thế cạnh tranh. Trên lý thuyết, FTA làm lợi cho người tiêu dùng, vì cạnh tranh tăng đồng nghĩa với các sản phẩm bày bán có giá thấp hơn.
Ngoài ra, các FTA cũng đem lại những lợi ích phi kinh tế. Xét về mặt chính trị, đây không chỉ là công cụ mở ra đối thoại giữa các quốc gia. Chúng còn tạo diễn đàn để các quốc gia thành viên thảo luận về những vấn đề cấp bách và tìm ra những giải pháp thông qua sự hợp tác tích cực, cải thiện quan hệ song phương. Hầu hết các FTA đều mang những động cơ chính trị hoặc chiến lược. Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2012 dành cho Liên minh châu Âu (EU) đã cho thấy những hiệp định hợp tác khu vực không chỉ đem lại những động lực kinh tế.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hướng ASEAN trở thành thị trường chung duy nhất. (Nguồn: asean.org) |
Đề xuất gỡ rối
Xét về những FTA trong ASEAN, Hiệp hội đã hình thành một Khu vực Tự do Mậu dịch ASEAN (AFTA) năm 1992 nhằm mục đích hỗ trợ hoạt động kinh tế địa phương tại tất cả các nước ASEAN. Hiện nay, trong khuôn khổ AFTA, ASEAN giảm hoặc xóa bỏ gần như toàn bộ các mức thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa được giao dịch giữa các thành viên của khối, trên thực tế biến khu vực thành một thị trường chung. AFTA càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên như một bá chủ kinh tế. AFTA có thể được xem là khối mậu dịch lớn thứ ba thế giới sau EU và NAFTA-Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ. Do đó, ASEAN hoàn toàn có thể cạnh tranh với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc một cách hiệu quả hơn so với việc từng thành viên phải tự tìm cách “đấu” với Bắc Kinh.
Mặc dù vậy, khi AFTA đại diện cho thị trường chung ASEAN thì các FTA song phương lại có xu hướng cản lại tính hiệu quả của AFTA. Trong một thập niên qua, những sáng kiến tự do hóa thương mại mọc lên như nấm trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khu vực này hiện có khoảng 267 FTA song phương hoặc đa phương đang có hiệu lực. Tình trạng quá nhiều FTA phức tạp và chồng chéo lên nhau đang ẩn chứa đầy rẫy nguy cơ trở thành một “bát mì hổ lốn” khó gỡ. Nói cách khác, việc có quá nhiều hiệp định thương mại ưu đãi song phương sẽ gây phương hại tới mục tiêu ban đầu của ASEAN là thành lập một thực thể thương mại thống nhất.
Một báo cáo gần đây của ADB đã đưa ra hai đề xuất chủ chốt để giúp gỡ rối bát mì FTA của châu Á nói chung và của ASEAN nói riêng. Đề xuất thứ nhất là tạo ra sự hợp nhất, theo đó các nước phải cùng nhau tạo ra một FTA khu vực có mục tiêu hài hòa các FTA song phương. Đề xuất thứ hai là đối với các FTA đa phương, cần phải giành sự ưu đãi không phân biệt đối xử cho những quốc gia không phải là thành viên và xóa bỏ những ưu đãi không nhất quán.
Trước mắt, rất khó để xác định đề xuất nào trong hai đề xuất nêu trên có tiềm năng củng cố AFTA. Tuy nhiên, điều có thể dám chắc là bất kỳ giải pháp nào mà các nhà hoạch định chính sách lựa chọn cũng phải dựa trên nguyên tắc 3C của ngoại giao đó là: giao tiếp, phối hợp và hợp tác (communication, coordination và cooperation).