📞

Bất ổn ở Tây Phi: ECOWAS nới trừng phạt 3 nước thành viên; khủng bố đẫm máu ở Burkina Faso

Bảo Minh 10:57 | 26/02/2024
Mới đây, Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cho biết, tổ chức này đang nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Guinea, Niger và Mali.
ECOWAS đang vướng khủng hoàng với việc 3 nước Sahel tuyên bố rời khỏi liên minh, trong khi nhiều nước trong khu vực Tây Phi xảy ra đảo chính. (Nguồn: Reuters)

ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt, đồng thời đình chỉ tư cách thành viên của Guinea, Mali và Niger, sau khi những nước này xảy ra đảo chính quân sự trong giai đoạn 2020-2023.

Ngày 25/2, ECOWAS thông báo dỡ bỏ trừng phạt về kinh tế, tài chính đối với Guinea và chấm dứt các hạn chế đối với việc tuyển dụng người Mali vào các vị trí chuyên môn trong các cơ quan thuộc tổ chức này.

Trước đó một ngày, tổ chức này đã dỡ bỏ quy định về vùng cấm bay, đóng cửa biên giới và phong tỏa tài sản đối với Niger. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt chính trị và cá nhân vẫn được áp dụng.

Động thái của ECOWAS báo hiệu mong muốn đối thoại với chế độ quân sự ở các quốc gia thành viên nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hiện nay, khi nhiều quốc gia trong khu vực xảy ra đảo chính quân sự.

Gần đây nhất, hôm 28/2, Niger, Burkina Faso và Mali tuyên bố rút khỏi liên minh và bày tỏ thất vọng rằng, liên minh gồm 15 nước thành viên này không thực hiện được những ý tưởng đề ra khi thành lập cũng như không hỗ trợ được cho các quốc gia vùng Sahel trong cuộc chiến chống lại khủng bố và tình trạng bất ổn.

Trong một tin liên quan, AFP đưa tin, ngày 25/2, ít nhất 15 dân thường đã thiệt mạng và 2 người khác bị thương trong một cuộc tấn công khủng bố tại nhà thờ Công giáo ở miền Bắc Burkina Faso khi các tín đồ đang tập trung để cầu nguyện.

Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt hành động tàn bạo được cho là do các nhóm thánh chiến hoạt động trong khu vực thực hiện.

Burkina Faso là một phần thuộc khu vực Sahel rộng lớn, nơi đã "mắc kẹt" trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực đang gia tăng kể từ cuộc nội chiến ở Libya năm 2011, sau đó là sự tiếp quản của phe Hồi giáo ở miền Bắc Mali vào năm 2012.