Nhà điêu khắc Lê Anh Vũ bên bộ demo cho sáng tác mới tới đây. (Ảnh: Tống Thoan) |
Trong những ngày dịch bệnh chưa trở nên căng thẳng ở Hà Nội, tôi tìm về Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vừa để sắm ít đồ gốm sứ, vừa để thăm một người bạn là nhà điêu khắc Lê Anh Vũ.
Trong xưởng gốm nhỏ nằm giữa làng nghề truyền thống, các công nhân của anh vẫn đang hăng say sản xuất. Tôi hỏi: “Covid-19 khiến người làm gốm sứ Bát Tràng gặp khó khăn nhiều không?”. Anh trả lời: “Tất nhiên là có chứ, nhiều khó khăn hơn so với khi chưa có dịch bệnh”.
Tuy nhiên, trong cái không may vẫn có những điểm sáng tích cực. Dịch bệnh thế này, Chính phủ mình làm rất chặt nên nạn buôn lậu, nhập cảnh đường biên chấm dứt hẳn. Đấy chính là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Đến nay, xưởng của tôi không có trường hợp nào phải nghỉ việc. Đấy cũng là niềm tự hào của người đứng đầu cơ sở sản xuất tại làng nghề gốm truyền thống trong thời buổi dịch bệnh”.
Dù thiếu một số nguồn cung về nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch bệnh, làng nghề ven sông Hồng này vẫn đều đặn sản xuất, mang tới cuộc sống ổn định cho người làng và các công nhân tới từ nhiều nơi trên cả nước.
Độc đáo các dòng gốm
Tham quan xưởng gốm rộng chừng 500m2 của nhà điêu khắc Lê Anh Vũ, người sinh ra và lớn lên trong một gia đình đã bốn đời làm nghề gốm, tôi thấy xưởng được sắp xếp rất khoa học.
Từ đầu vào là hòn đất tới đầu ra thành một sản phẩm, một dây chuyền sản xuất gốm bán thủ công hoàn hảo, gọn gàng và ngăn nắp.
Đi sâu vào khu chế tác, tôi choáng ngợp trước những sản phẩm chuẩn bị được tráng men, xếp trên các giá đỡ. Khu lò nung có những dãy kệ xếp thẳng với các sản phẩm đang chờ được nung qua lửa. Tại khu vẽ, các nữ công nhân miệt mài vẽ, lơ màu… trang trí cho các sản phẩm.
Khi đi qua khu vực tráng men, tôi gợi ý Anh Vũ thao tác cho chúng tôi xem công đoạn này, anh đồng ý. Thế là tôi có cơ hội chiêm ngưỡng Lê Anh Vũ trổ tài: Một tay rót men, một tay xoay bàn gốm thật điệu nghệ. Nước men màu hồng phấn đã được tưới rất đều trên sản phẩm có dáng một chiếc bình thời Nguyễn.
Vừa là chủ nhân của xưởng gốm, vừa là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, nhưng cái “chất” của Lê Anh Vũ vẫn là một nghệ sĩ tạo hình. Anh vẫn “miệng nói tay làm” khi hướng dẫn công nhân những kỹ năng sản xuất tốt nhất, vừa gần gũi như một đồng nghiệp, vừa dễ hiểu như một người thầy.
Lê Anh Vũ chia sẻ: Ở Bát Tràng hiện đang sản xuất ba dòng gốm chính là gốm dân dụng, gốm xây dựng và gốm mỹ thuật.
Gốm dân dụng là dòng gốm thân thuộc được nhiều người biết tới và được các xưởng gốm tại Bát Tràng rất chú trọng, liên tục sản xuất cung cấp khắp mọi miền Tổ quốc. Có nhiều mức độ chất lượng sản phẩm từ bình dân để tiêu thụ đại trà trong nước, đến sản phẩm cao cấp phục vụ tại các thành phố lớn, hay những hợp đồng xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc… Do đại dịch Covid-19, các sản phẩm gốm gia dụng của làng nghề được tiêu thụ nhiều hơn ở thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, dòng gốm xây dựng đã và đang phát triển tại làng nghề và hiện còn rất nhiều dư địa.
Còn với mảng gốm mỹ thuật, một sân chơi tuy không mới nhưng chứa đựng nhiều sự tìm tòi, sức sáng tạo, cách tân kiểu dáng… lại đang rất được các xưởng sản xuất tai đây chú tâm và đầu tư mạnh mẽ.
Nhà điêu khắc Lê Anh Vũ Sinh năm: 1984 Tốt nghiệp: Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Giảng viên ngành Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam Giải thưởng: Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam các năm 2007, 2014; Giải C “Triển lãm Mỹ thuật khu vực I Hà Nội năm 2015; Giải B “Triển lãm Mỹ thuật khu vực I Hà Nội năm 2018. Tham gia gần 20 cuộc triển lãm trong và ngoài nước. |
Sự cộng hưởng nghệ thuật
Bên cạnh khu chế tác những mặt hàng sản xuất hàng loạt, anh Vũ còn có một phòng trưng bày với tên gọi “Bat Trang Ceramicc Art Space” trưng bày và giới thiệu các tác phẩm gốm của anh và gia đình cũng như nhiều nghệ sĩ tới từ các ngành nghệ thuật khác nhau như nhà điêu khắc, họa sĩ… mang hơi thở đương đại.
Phòng lớn trưng bày gần 80 tác phẩm của các nghệ sĩ tham gia trong workshop “Gốm Tết 2021” vừa qua. Mỗi tác phẩm là những câu chuyện riêng biệt nhưng có một điểm chung là sử dụng chất liệu gốm với các kỹ thuật thủ công truyền thống của làng nghề Bát Tràng.
Sự phong phú và tinh tế của những tác phẩm điêu khắc với chất liệu gốm còn được các tác giả kết hợp với nhiều các chất liệu khác như kim loại, sơn mài… đưa tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Ở phòng trưng bày nhỏ, tôi dám chắc ai vào đây cũng sẽ ngạc nhiên bởi những tác phẩm gốm phảng phất nét hoài cổ. Ấn tượng nhất là bức họa của thân phụ anh Lê Anh Vũ (họa sĩ gốm Lê Quang Chiến) chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bức tựa bút viết của cố Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương về những thành công của cụ thân sinh ra nhà điêu khắc Lê Anh Vũ trong lĩnh vực gốm. Đó là những tác phẩm từng được họa sĩ gốm Lê Quang Chiến mang đi trưng bày tại các phòng trưng bày, viện bảo tàng nghệ thuật trên thế giới như ở Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Đức hay Mỹ...
Giọng Lê Anh Vũ trở nên trầm lắng khi chia sẻ về cha mình: “Không gian nghệ thuật này chính là ý tưởng của bố tôi, ông ra đi khi công việc còn dang dở, tôi chỉ là người nối tiếp. Đó là sự cộng hưởng của nhu cầu xã hội, công chúng yêu nghệ thuật gốm cần xem cái gì đó cao hơn nữa, độc bản, độc đáo hơn nữa, đặc biệt mang nhiều tính học thuật...
Điều đó phù hợp với ý tưởng của cha tôi, nên tôi làm không gian nghệ thuật này. Đây cũng là nơi giao lưu, trao đổi, học hỏi về các kiến thức, kỹ thuật trong nghề gốm trên chính mảnh đất của làng gốm cổ Bát Tràng”.
Việc tổ chức triển lãm, các workshop về gốm tại không gian này diễn ra thường xuyên. Tại đây, các nghệ sỹ cùng trao đổi để làm sao có được những tác phẩm đặc sắc, khai thác tối đa chất liệu, phát triển các kỹ năng tạo hình, xây dựng thế hệ tiếp nối phát triển gốm... cũng như làm sao để đưa tác phẩm, sản phẩm, gốm Bát Tràng đến với người yêu nghệ thuật gốm trong nước và quốc tế.
Theo Lê Anh Vũ, mỗi nghệ sĩ làm nghệ thuật đều cần hoạt động thường xuyên và có những thay đổi, chuyển mình trong sáng tác nghệ thuật. Sự tương tác, giao lưu và làm việc thường xuyên sẽ cho ra đời những cái mới, những ý tưởng mới, độc đáo và thú vị hơn nữa... Đặc biệt hơn, chúng ta hiện đang có xu hướng mở rộng sự giao lưu học hỏi với các nghệ sĩ quốc tế. Đây cũng là cách rất tốt giúp nghệ sĩ có thêm kiến thức về nghề.
Bản thân Lê Anh Vũ tham gia nhiều triển lãm quốc tế bắt nguồn từ việc kết nối của họa sĩ Trịnh Tuân, Nhóm Nghệ sĩ quốc tế AseanArt Link, hoặc giữa trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội với các trường mỹ thuật quốc tế.
Lê Anh Vũ có rất nhiều dự định làm các workshop cỡ nhỏ và vừa với các nghệ sĩ gốm trên thế giới tại không gian của anh. Qua đó, anh mong muốn người yêu nghệ thuật gốm Việt Nam biết thêm về những góc nhìn, cách tạo hình, tư duy khác, từ những nền văn hóa khác trên thế giới khi tương tác với chất liệu gốm quê hương Bát Tràng…
“Chúng ta phải tạo được sự tương tác giữa nghệ sĩ trong nước với nghệ sĩ quốc tế. Tôi nghĩ việc giao lưu này là mong muốn của hầu hết các nghệ sĩ, người làm nghề gốm cả trong nước lẫn nước ngoài. Tôi tin vào hiệu ứng của những triển lãm nghệ thuật gốm như vậy”, anh nói.
Từ giờ đến cuối năm, nhà điêu khắc, giảng viên Lê Anh Vũ dự định, nếu như điều kiện khách quan cho phép sẽ tiếp tục loạt workshop Gốm Tết #3 để phục vụ công chúng yêu gốm đương đại.
Câu chuyện của tôi với nghệ nhân, nghệ sĩ và nhà giáo Lê Anh Vũ kết lại bằng chuyện về thế hệ nối tiếp nghề gốm và nghệ thuật gốm Việt Nam, trong đó có làng nghề gốm Bát Tràng.
Một lực lượng kế cận đang được hình thành và bồi đắp rất tốt ở Bát Tràng. Những nghệ nhân thế hệ 6x, 7x đã sớm nhìn thấy điều này và đưa con cái họ tiếp cận kiến thức mới và chuyên sâu tại các trường mỹ thuật, để mai này phát triển chính làng nghề của mình.
Chứng kiến sự hăng say của những bạn trẻ ở Bát Tràng, ngắm nhìn những sản phẩm, tác phẩm hoàn hảo của họ, giống như Lê Anh Vũ, tôi cũng tin rằng thế hệ những người trẻ của làng nghề Bát Tràng chắc chắn sẽ bứt phá.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
| Nhu cầu cấp thiết bảo vệ sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19 Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của nhiều người trên khắp hành tinh, đặc biệt là các nhóm dễ bị ... |
| Làm gì để người yếu thế ở Sài Gòn không bị 'bỏ lại phía sau' trong đại dịch Covid-19? Nếu ví đợt bùng phát dịch trong hơn một tháng qua ở Sài Gòn là cơn bão Covid-19 gây khó khăn lớn cho cả thành ... |