Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Kamala Harris đã chính thức diễn ra vào sáng 11/9. (Nguồn: AFP) |
CNN cho rằng, việc phải đối phó với lạm phát cao trong nhiều năm đã khiến người dân Mỹ đưa ra quyết định như vậy.
Hiện tại, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hạ nhiệt đáng kể từ khi đạt đỉnh ở mức cao nhất trong 40 năm vào năm 2022. Tuy nhiên, người Mỹ hiện đang phải trả nhiều hơn khoảng 20% cho hàng hóa và dịch vụ so với mức trước đại dịch Covid-19.
Mặt khác, thị trường việc làm - vốn là nguồn sức mạnh lớn nhất của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch - gần đây đã phát ra những dấu hiệu cảnh báo. Cụ thể, theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đang dao động gần mức cao nhất trong ba năm, số lượng việc làm mở trên toàn đất nước cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.
Để đáp lại nỗi lo lắng của người dân về nền kinh tế, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những đề xuất chính sách rất khác nhau. Những cách tiếp cận tương phản của họ có thể có tác động sâu rộng đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dưới đây là góc nhìn về những gì có thể xảy ra với lạm phát, việc làm và thâm hụt ngân sách của nền kinh tế thế giới sau khi Nhà Trắng tìm được chủ nhân mới.
Lạm phát và việc làm
Chính sách thuế quan của ông Trump sẽ gây tranh cãi. Ông nêu quan điểm sẽ áp thuế nhập khẩu cao hơn đáng kể đối với hầu hết mọi hàng hóa từ nước ngoài. Điều này có thể tăng doanh thu cho chính phủ nhưng cũng có thể khiến người Mỹ phải trả giá cao hơn cho hàng hóa và dịch vụ.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs ước tính, mỗi 1% tăng trong mức thuế quan thực tế sẽ khiến lạm phát cơ bản tăng thêm 0,1%.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump cũng hứa sẽ khoan nhiều dầu hơn. Đây là một yếu tố quan trọng có thể giúp hạ nhiệt giá dầu đang neo cao. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi chưa có lời giải đáp, đó là liệu ông có thể đạt được điều đó hay không? Mỹ hiện đang bơm nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào.
Ngoài ra, các nhà kinh tế cho biết, chiến dịch trấn áp nhập cư chưa từng có của ông Trump cũng có thể dẫn đến lạm phát cao hơn. Nếu chiến dịch này xảy ra, các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, buộc họ phải tăng lương và chuyển chi phí đó cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, bà Harris đã cảnh báo rằng, hệ thống nhập cư đang "rạn nứt" nhưng bà không đưa ra những cam kết mạnh mẽ như ông Trump trong vấn đề này. Đó là lý do tại sao Goldman Sachs kỳ vọng, "lượng nhập cư ròng sẽ giảm nhẹ hơn nữa" nếu bà Harris trở thành Tổng thống Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế học cũng cho hay, chương trình kinh tế của bà Harris tập trung vào ba trụ cột: chống lạm phát, điều chỉnh thị trường nhà ở và cắt giảm thuế cho các gia đình.
Trang The Hill nhận định, bà Harris đã công bố kế hoạch giảm bớt cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, bao gồm khoản tín dụng thuế 6.000 USD cho các gia đình có trẻ sơ sinh, mở rộng khoản tín dụng hiện có cho các gia đình có con lớn lên 3.600 USD/năm và hỗ trợ thanh toán trước lên tới 25.000 USD cho những người mua nhà lần đầu. Đây là chính sách nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nhà kinh tế học.
Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể khiến lạm phát tại nền kinh tế số một thế giới tăng lên. Chính sách có thể khiến người tiêu dùng Mỹ nhiều tiền hơn để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ. Và điều này sẽ khiến giá cả tăng cao.
Bên cạnh đó, bà Harris cũng đang đề xuất kế hoạch tạo ra 3 triệu nhà ở mới. Theo CNN, vấn đề nằm ở thời điểm. Nếu tín dụng thuế cho người sở hữu nhà lần đầu có hiệu lực trước khi lượng nhà ở mới này được tung ra thị trường, giá nhà có thể tăng vọt.
Bất kể ai thắng cử vào tháng 11, thâm hụt ngân sách cũng sẽ tăng đáng kể. (Nguồn: Getty Images) |
Thâm hụt ngân sách - bài toán chưa có lời giải
CNN cũng nhận thấy, bất kể ai thắng cử vào tháng 11, thâm hụt ngân sách cũng sẽ tăng đáng kể.
Thâm hụt ngân sách tăng khi chính phủ chi tiêu nhiều hơn doanh thu thu được. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, hiện tại, chính phủ Mỹ đang thâm hụt ngân sách 1,5 nghìn tỷ USD.
Quy mô thâm hụt ngân sách có tác động lớn đến người Mỹ. Thâm hụt càng cao, rủi ro nắm giữ nợ của đất nước càng lớn và chính phủ có thể phải trả lãi suất cao hơn để vay tiền. Điều đó có thể làm giảm số tiền đầu tư vào các chương trình khác.
Lãi suất cao hơn đối với nợ chính phủ - thường được bán dưới dạng trái phiếu và trái phiếu kho bạc - cũng có thể khiến chi phí đi vay của người Mỹ tăng.
Một số chính sách thuế mà ông Trump đề xuất sẽ hạn chế đáng kể số tiền mà chính phủ thu được.
Trong khi đó, các đề xuất về thuế mà Phó Tổng thống Harris đưa ra cho đến nay chủ yếu liên quan đến việc áp dụng mức thuế cao hơn, điều này sẽ có tác động tích cực đến thâm hụt.
Ví dụ, bà đã tán thành việc tăng mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất lên 44,6% và mức thuế thu nhập vốn dài hạn cao nhất lên 28% so với mức hiện tại là 20%. Và về phía doanh nghiệp, bà ủng hộ việc tăng mức thuế lên 28%.
Tuy nhiên, ứng cử viên đảng Dân chủ đã hứa sẽ chấm dứt thuế tiền boa. Bà cũng cam kết không tăng thuế đối với các hộ gia đình có thu nhập dưới 400.000 USD mỗi năm. Cả hai vấn đề này đều sẽ tăng thâm hụt. Ước tính, các đề xuất của Harris có thể làm tăng thâm hụt thêm 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2034.
Joshua Gotbaum, một học giả kinh tế thỉnh giảng tại Viện Brookings cho biết, cả hai ứng cử viên đều không đề xuất một giải pháp đáng tin cậy nào cho tình trạng hỗn loạn tài chính của đất nước.
Nhưng trong vấn đề thâm hụt ngân sách, ông Joshua Gotbaum nghiêng về phía bà Harris khi cho rằng: "Những đề xuất của bà sẽ khiến tình hình ít hỗn loạn hơn".
Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Kamala Harris đã chính thức diễn ra vào sáng 11/9. 2 ứng cử viên liên tục công kích các chính sách của đối thủ, cũng như bảo vệ những kế hoạch của mình.
Theo các chuyên gia, các cam kết từ cả 2 ứng cử viên lúc này có vai trò quan trọng nhất là tạo ra hình ảnh với cử tri, bởi dù họ có đắc cử, chặng đường để đưa những cam kết này thành hiện thực cũng còn khá dài.
Và dù là ai giành chiến thắng, những thách thức thực tế với nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, đều sẽ là bài toán lớn mà họ phải giải đáp.