Bà Kamala Harris, ông Joe Biden và gia đình trước khi tiến hành vận động tranh cử tại Wilmington, Delaware (Mỹ) tối ngày 12/8. (Nguồn: AP) |
Kamala Harris là ai?
Ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Kamala Harris đến từ bang California, là một phụ nữ Mỹ gốc Á thế hệ đầu. Nhiều người đã đặt câu hỏi về quyết định của ông Joe Biden khi chọn một phụ nữ đứng trong liên danh tranh cử: Tại sao ông Biden không thể chọn ứng cử viên tốt nhất?
Nhưng “tốt nhất” không phải là một thực tế khách quan. Nó phát triển theo thời gian và hoàn cảnh.
Người gốc Á đầu tiên và người phụ nữ da màu đầu tiên xuất hiện trên tấm vé tranh cử Tổng thống Mỹ của một chính đảng lớn khiến người ta phải suy nghĩ điều gì là tốt nhất.
Quá trình lựa chọn “bạn đồng hành” của ông Biden đã cải thiện vị thế của tất cả những người mà ông cân nhắc. Cũng giống như các ứng cử viên Tổng thống được biết đến nhiều hơn và được tôn trọng rộng rãi hơn ngay cả khi họ không giành chiến thắng, tất cả các ứng cử viên Phó Tổng thống giờ đây đều là nhân tố lãnh đạo đáng tin cậy hơn trước đây.
Các nhà quan sát nhận thấy trong số tất cả các ứng cử viên Phó Tổng thống tiềm năng được cân nhắc, quan điểm chính sách đối ngoại của bà Kamala Harris gần nhất với quan điểm của ông Biden.
Điều này được rút ra từ quá trình phân tích hồ sơ hoạt động của bà tại Thượng viện, nội dung phát biểu trong quá trình tranh cử Tổng thống và nội dung tranh luận. Trong tất cả các vấn đề như tầm quan trọng của các quan hệ đồng minh, đối tác của Mỹ, thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhân quyền, quan điểm của bà gần như giống với quan điểm của ông Biden.
Tuy nhiên, với thực tế ông Biden là người rất có kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại, nhiều khả năng bà Harris sẽ là người thực thi các ý tưởng của ông trong lĩnh vực này. Bà Harris có kinh nghiệm làm việc nhiều năm và có lẽ cũng quan tâm đến chính sách đối ngoại. Nữ Thượng nghị sĩ cũng được cho là người có cá tính mạnh, nhưng có thể chọn tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong nước.
Trong khi đó, theo một nguồn tin gần đây, bà Harris đã bổ nhiệm một người Mỹ gốc Ấn là Sabrina Singh làm thư ký báo chí. Thư ký Singh thuộc dòng dõi nổi tiếng, là cháu gái của J.J. Singh, người đứng đầu Liên đoàn Ấn Độ vì nước Mỹ (ILA), tổ chức nổi lên với vai trò đại điện cho người Ấn Độ ở Mỹ vào thập kỷ 40 của thế kỷ XX.
ILA không chỉ đấu tranh cho quyền của người Ấn Độ ở Mỹ mà còn trở thành những người ủng hộ quan trọng nhất cho cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ.
Họ sẽ thay đổi chính sách như thế nào?
Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden và "phó tướng" Harris sẽ có ý nghĩa gì đối với thế giới?
Về mặt chính trị, đây sẽ là một chính quyền có quan điểm chính trị trung tả với tầm nhìn của những người theo chủ nghĩa quốc tế. Mặc dù có thể không khiến tất cả các thành viên của đảng Dân chủ ủng hộ, các quan điểm chính sách của cặp đôi Biden-Harris sẽ trở lại với thời kỳ “một nước Mỹ mạnh, dẫn đầu một hệ thống quốc tế đa phương mạnh mẽ”.
Nói cách khác, bên cạnh việc đối đầu quyết liệt với Nga và Trung Quốc, Mỹ cũng sẽ tái đầu tư vào vai trò lãnh đạo của mình đối với các nước đồng minh, cũng như các tổ chức đa phương. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tham gia trở lại Tổ chức Y tế thế giới, Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và thậm chí có thể tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Điều này có ý nghĩa gì đối với Ấn Độ? Chắc chắn quan hệ Mỹ-Ấn sẽ khác so với thời kỳ chính quyền ông Trump với những thăng trầm. Đã có rất nhiều sức ép từ phía Mỹ đối với Ấn Độ trên mặt trận thương mại. Chính sách chống khủng bố của chính quyền Tổng thống Trump cũng không hoàn toàn theo mong đợi của Ấn Độ. Sau khi thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Pakistan, nước Mỹ dưới thời ông Trump đã quay trở lại quan điểm trung lập trong các vấn đề giữa Ấn Độ và Pakistan, và thậm chí còn muốn làm trung gian hòa giải trong tranh chấp ở Kashmir. Bên cạnh việc bị ràng buộc về thương mại với Iran, New Delhi còn phải xử lý vấn đề nhập khẩu hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
Các thành viên của đảng Dân chủ luôn dành sự quan tâm lớn đối với vấn đề nhân quyền và ông Biden đã không ngần ngại chỉ trích Saudi Arabia về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Bà Harris với tư cách là Thượng nghị sĩ cũng đã bỏ phiếu ngăn chặn bán vũ khí cho Saudi Arabia và chấm dứt hỗ trợ của Mỹ cho cuộc chiến của nước này ở Yemen.
Vì vậy, Ấn Độ cũng không phải dễ dàng trong quan hệ với Mỹ dưới thời cặp đôi Biden-Harris do nước này đã hạ cấp hành chính và sáp nhập khu vực Jammu và Kashmir thành Lãnh thổ liên bang và các vấn đề khác như Đạo luật Quốc tịch mới (CAA).
Với khuynh hướng của cặp đôi Biden-Harris, Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc trước những hành động của nước này ở Biển Đông. Ông Biden nhiều khả năng sẽ sửa chữa sai lầm dưới thời ông Obama về việc không có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và các hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Nếu Ấn Độ xử lý tốt quan hệ với Mỹ, nước này sẽ có lợi từ mối quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi.
Song nếu bản năng chính trị của ông Biden có xu hướng lấn át, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ đi theo một chiều hướng khác. Chúng ta có thể thấy nỗ lực phối hợp của Mỹ, EU và Nhật Bản cùng với các nước khác như Ấn Độ và Australia để nghiên cứu các hành động gây rối loạn của Trung Quốc.
Sau khi cân nhắc tất cả, có thể thấy nền kinh tế Mỹ và các nước EU lớn gấp 3 lần nền kinh tế Trung Quốc. Năng lực quân sự của Bắc Kinh cũng còn kém xa so với Mỹ. Nếu có cơ hội, một chính sách như vậy có thể khiến Trung Quốc từ bỏ các hành động. Và nếu Ấn Độ có thể cùng tham gia vào các hoạt động này thì sẽ rất có lợi.