📞

Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Kinh tế bết bát và ‘mối tình’ với Nga thử thách nhà cải cách Erdogan

Minh Anh 13:29 | 17/05/2023
Từng được ca ngợi là một nhà cải cách, nhưng trong kỳ tranh cử lần này, Tổng thống Erdogan lại bị chính tình hình kinh tế bết bát và mối quan hệ thân thiết với Nga làm khó.
Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Kinh tế bế tắc và ‘mối tình’ với Nga thử thách nhà cải cách Erdogan. Trong ảnh: Tổng thống Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Vladimir V. Putin trong một cuộc gặp tại Sochi, năm 2021. (Nguồn: Điện Kremlin)

Giới quan sát cho rằng, một thất bại của ông Erdogan trong cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Moscow phải lo lắng vì có thể mất đi mối quan hệ đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng. Trong khi, các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ vui mừng khi có “một Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng hơn”.

Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lần này, đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã vượt qua phép thử đầu tiên khi giành được 49,35% số phiếu, trong khi đối thủ chính Kemal Kilicdaroglu giành được 45% số phiếu ủng hộ. Không ứng cử viên nào giành được 50%, “cuộc đua” sẽ chuyển sang vòng thứ hai, được tổ chức vào ngày 28/5.

“Sức nặng” của Ankara

Khi bình luận về kết quả trên, Nga cho biết, Moscow mong đợi quan hệ hợp tác với Ankara sẽ tiếp tục và sâu sắc hơn, bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này.

Nhưng thực ra, mọi diễn biến của cuộc bầu cử Thổ nhĩ Kỳ đang được theo dõi chặt chẽ không chỉ từ Điện Kremlin, mà còn từ các thủ đô phương Tây, trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hay Nhà Trắng và khắp khu vực - nơi Tổng thống Erdogan đã khẳng định “quyền lực” Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời củng cố quan hệ với Nga và gây căng thẳng cho liên minh truyền thống của chính Ankara với Mỹ.

Thực tế đã cho thấy, tầm ảnh hưởng không thể tốt hơn, thể hiện “sức nặng” của Ankara trong hệ thống kinh tế, chính trị quốc tế rộng lớn, khiến các nhà hoạch định chính sách ở phương Tây, Moscow hay Trung Đông và hơn thế nữa… dành cho Tổng thống Erdogan sự quan tâm đặc biệt.

Bởi kết quả của cuộc bầu cử lần này sẽ không chỉ quyết định ai là người lãnh đạo quan trọng của quốc gia 85 triệu dân, mà còn quyết định cách thức điều hành đất nước, hướng đi của nền kinh tế nhằm thoát khỏi bế tắc đang gặp phải và định hình chính sách đối ngoại trước những ngã rẽ khó lường, sẽ tác động tới đời sống kinh tế chính trị của khu vực.

Như cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt từng không giấu giếm khi nói rằng, “tất cả chúng ta đều muốn một Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng hơn”. Bởi Ankara - một thành viên quan trọng về mặt chiến lược của NATO, dưới thời ông Erdogan đã trở thành một đối tác ngày càng phức tạp, khó đoán đối với Liên minh châu Âu (EU).

Chẳng hạn, trong 10 gói trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố sẽ không tham gia. Bởi với Ankara, việc áp dụng các các biện pháp trừng phạt sẽ gây hại cho nền kinh tế của chính mình nhiều hơn là nền kinh tế Nga.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, Ankara tuân thủ những lợi ích riêng, không nối gót phương Tây trong việc trừng phạt Nga, vì nước này được dẫn dắt bởi những cân nhắc kinh tế thực dụng và chính sách cân bằng.

Bằng cách từ chối thực thi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, Tổng thống Erdogan đã góp phần làm suy yếu các nỗ lực nhằm cô lập Điện Kremlin để khiến nước này cạn nguồn tiền tài trợ cho chiến dịch quân sự.

Tuy nhiên, nhờ đó, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang gặp khó khăn gần đây, đã được hưởng lợi bởi nguồn dầu giảm giá mạnh của Nga, giúp nhà lãnh đạo Erdogan “tìm kiếm” nhiệm kỳ kéo dài 5 năm tiếp theo.

Đôi bên cùng có lợi

Đối với Nga, dưới thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành đối tác thương mại không thể thiếu và đôi khi là trung gian ngoại giao đáng tin cậy, như Thỏa thuận ngũ cốc với Kiev. Mối quan hệ này còn có tầm quan trọng hơn đối với Điện Kremlin kể từ sau xung đột quân sự với Ukraine.

Đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, trong suốt 20 năm cầm quyền, ông Erdogan đã theo đuổi một chính sách đối ngoại không liên kết - chính sách thường xuyên làm thất vọng các đồng minh phương Tây, nhưng mở ra cơ hội kinh tế, cũng như ngoại giao “đáng giá” đối với Moscow - có lẽ chưa bao giờ tốt hơn.

Ông Erdogan không chỉ từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và cung cấp thị trường dầu khí cho nước này, Thổ Nhĩ Kỳ còn trở thành nhà nhập khẩu rất cần thiết cho Moscow và là mắt xích quan trọng với nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ được hưởng lợi từ năng lượng giá rẻ, mà còn từ đầu tư và doanh thu từ du lịch Nga, vốn đã tăng lên đáng kể sau chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ và kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, Moscow đã công bố kế hoạch biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm thương mại khí đốt tự nhiên.

Mặc dù, không công khai can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng những diễn biến gần đây cho thấy Tổng thống Putin đã gián tiếp hậu thuẫn cho “người bạn” Erdogan của mình. Chẳng hạn, ngày 3/5, gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga thông báo đã cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hoãn thanh toán tiền mua khí đốt tự nhiên cho đến năm 2024. Động thái như vậy có thể được hiểu là món quà của Tổng thống Putin dành cho người bạn Erdogan trước cuộc bầu cử lịch sử.

Trước đó, ngày 28/4, hai nhà lãnh đạo đã cùng tham dự trực tuyến buổi lễ đánh dấu việc nạp nhiên liệu hạt nhân vào tổ máy phát điện đầu tiên tại nhà máy hạt nhân Akkuyu, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, do Tập đoàn hạt nhân Rosatom của Nga xây dựng. Vì phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ được cho là phản đối việc xây dựng nhà máy, ông Erdogan tuyên bố rằng, nếu đối thủ của ông lên nắm quyền, việc mất điện sẽ trở thành thông lệ.

Đương kim Tổng thống Erdogan được coi là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Từng là Thủ tướng trong giai đoạn 2003-2014 và từ năm 2014 đến nay đảm nhận cương vị Tổng thống, không thể phủ nhận dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã có tầm ảnh hưởng tương đối lớn với quốc tế và khu vực.

Từng dẫn dắt nền kinh tế qua thời kỳ tăng trưởng ổn định, Tổng thống Recep Erdogan cũng được quốc tế ca ngợi là một nhà cải cách. Tầng lớp trung lưu của đất nước được mở rộng và hàng triệu người đã thoát nghèo khi ông ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm hiện đại hóa Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế Thổ Nhĩ kỳ không tốt, đang gặp nhiều khó khăn vì khủng hoảng mức sống, nhưng nhiều cử tri tin Tổng thống Erdogan có thể giải quyết tốt tình hình.

Còn với những người Thổ Nhĩ Kỳ quay lưng với ông Erdogan thì phần lớn là do khó khăn kinh tế khi lạm phát lên tới 85% vào tháng 10/2022 và sự sụp đổ của đồng nội tệ (Lira).

Ngoài ra, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và lạm phát phi mã vốn đã tạo ra thách thức đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong vài năm qua, thảm họa động đất kinh hoàng xảy ra ngày 6/2 làm gần 50.000 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người bị thương, được xem là yếu tố làm đảo lộn cục diện chính trị của quốc gia thành viên NATO này.

(theo Nytimes, Asiatimes, Zawya)