📞

Bầu cử tổng thống Hàn Quốc: 7 vấn đề ảnh hưởng tới 'đường đua' vào Nhà Xanh

Thu Hiền 13:28 | 17/02/2022
Tuần này, các ứng cử viên tổng thống của Hàn Quốc đã chính thức bắt đầu chiến dịch tranh cử trong cuộc đua được dự đoán là sít sao nhất trong 20 năm qua.
Cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào ngày 9/3 tới. (Nguồn: Yonhap)

Triển vọng không chắc chắn về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Hàn Quốc phản ánh những thăng trầm trong 5 năm cầm quyền của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in. Từ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đến những cuộc đàm phán bị đình trệ và các vụ thử tên lửa, từ thành công trong việc đối phó với Covid-19 đến giá nhà đất tăng vọt và các vụ bê bối tham nhũng, hay tình trạng bất bình đẳng ngày càng sâu sắc đã gây khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ tư châu Á,… Sau đây là một số vấn đề đang ảnh hưởng đến cuộc chạy đua vào Nhà Xanh ngày 9/3 tới.

Giá nhà

Ở Seoul và khu vực đô thị lớn hơn, nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số Hàn Quốc, giá trung bình của một căn chung cư đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2017, lên 1,26 tỷ Won (1,05 triệu USD) vào tháng 1/2022.

Hiệu ứng ròng của khoảng 26 gói biện pháp mà Tổng thống Moon Jae-in đã thực hiện trong 5 năm qua để hạ nhiệt giá nhà ở, trong đó gồm các biện pháp thế chấp cứng rắn hơn và thuế tăng vốn, đã làm cho tình hình thêm trầm trọng.

Cử tri trẻ

Theo các cuộc thăm dò dư luận, sự bất mãn về tình hình kinh tế đã khiến nhiều cử tri trẻ tuổi, những người ban đầu đã ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in, nay lại quay lưng lại với ông.

Họ là những người của thế hệ mà nhiều ý kiến cho rằng đang nổi lên như một bộ phận cử tri quan trọng, có thể xoay chuyển cục diện cuộc bầu cử tổng thống năm nay.

Một trong những khối cử tri lớn nhất rời bỏ Tổng thống Moon Jae-in là nam thanh niên, những người cho rằng các lời kêu gọi bình đẳng giới của Tổng thống đã lỗi thời, và lạc lõng trong một môi trường cạnh tranh, nơi tất cả các nam thanh niên phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc, khiến họ cảm thấy bị xếp sau phụ nữ. Hiện nay, bất bình đẳng giới về thu nhập ở Hàn Quốc là lớn nhất trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Các vụ bê bối tham nhũng cũng khiến nhiều người trẻ tuổi Hàn Quốc mất niềm tin vào Đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in.

Các khoản nợ hộ gia đình

Tính đến tháng 6/2021, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc ở mức 105,8%, là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới và gần gấp đôi mức trung bình của Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20).

Người Hàn Quốc đang vay mượn nhiều hơn bao giờ hết và các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo ngại rằng khoản nợ 1,845 triệu tỷ Won (1.540 tỷ USD) có thể phình to khi lãi suất tăng.

Việc làm

Theo dữ liệu của chính phủ, kể từ năm 2017, trung bình mỗi năm có 173.000 việc làm được tạo ra, thấp hơn nhiều so với cam kết của Tổng thống Moon Jae-in là tạo thêm hơn 500.000 việc làm mỗi năm trong lĩnh vực tư nhân.

Theo dữ liệu của Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, so với năm 2017, mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc đã tăng 41,6% lên mức 9.160 Won (7,65 USD)/giờ trong năm nay, khi các nhà sản xuất chuyển 180.000 việc làm sang các nhà máy nước ngoài.

Chiến dịch phòng chống Covid-19

Tổng thống Moon Jae-in phải đối mặt với cơn ác mộng vào đầu năm 2020 khi Hàn Quốc trở thành nơi bùng phát dịch Covid-19 quy mô lớn đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Một chiến dịch xét nghiệm, truy vết và cách ly quyết liệt đã giúp Hàn Quốc kiểm soát được số ca nhiễm và tử vong mà không cần phải áp dụng những đợt phong tỏa lớn. Sự khởi đầu của chiến dịch tiêm chủng sau đó đã giúp tình hình dần trở lại bình thường, nhưng các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy tắc mới được đưa ra để hạn chế sự gia tăng các ca nhiễm Omicron. Người kế nhiệm Tổng thống Moon Jae-in sẽ chịu trách nhiệm điều chỉnh chính sách để sống chung với Covid-19.

Các vụ bê bối chính trị

Tổng thống Moon Jae-in đã tránh được các vụ bê bối cá nhân lớn, nhưng Đảng Dân chủ vấp phải một loạt vụ bê bối làm ảnh hưởng đến những cam kết của ông về việc làm trong sạch bộ máy nhà nước sau khi người tiền nhiệm của ông bị luận tội và cách chức.

Cho Kuk, một phụ tá chủ chốt của Tổng thống Moon Jae-in, đã bị buộc phải từ chức Bộ trưởng Tư pháp chỉ sau một tháng nhậm chức do bị cáo buộc nhận hối lộ và gian lận giấy tờ. Công tố viên truy tố ông Cho Kuk hiện đang là ứng cử viên bảo thủ hàng đầu cho chức tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.

Một vụ bê bối đầu cơ bất động sản cũng ảnh hưởng đến triển vọng của Đảng Dân chủ trong bối cảnh người dân phẫn nộ về giá nhà tăng cao ở Hàn Quốc.

Triều Tiên

Việc kiềm chế các vụ thử vũ khí của Triều Tiên và nối lại các cuộc đàm phán sẽ là một lợi thế. Tuy vậy, ngay cả việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử tên lửa với số lượng kỷ lục hồi tháng 1 năm nay cũng không khiến chính sách đối ngoại trở thành vấn đề quan trọng trong cuộc bỏ phiếu ngày 9/3 tới.

Các cuộc thăm dò cho thấy, đối với hầu hết cử tri, các vấn đề chính sách đối ngoại như Triều Tiên đang bị lu mờ trước những vấn đề trong nước. Tuy nhiên, bất kỳ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9/3 tới sẽ “kế thừa” một bế tắc có thể trở nên tồi tệ hơn nữa khi Triều Tiên đe dọa tiếp tục tiến hành thử tên lửa tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Tổng thống Moon Jae-in đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hiếm hoi ở khu vực biên giới giữa hai miền trong năm 2018, và đóng một vai trò ngoại giao quan trọng khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành các cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, tất cả đều đã bị đình trệ trong bối cảnh có những bất đồng về vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và yêu cầu của nước này về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cũng như việc Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành thử tên lửa hồi tháng 1 vừa qua.

(theo Reuters)