Bầu cử Tổng thống Mỹ: Nhìn lại những cuộc tranh luận kinh điển giữa các ứng viên trong 6 thập niên
Kha Ninh
07:36 | 26/06/2024
Mới đây, Reuters đăng lại hình ảnh các cuộc tranh luận kinh điển trong lịch sử bầu cử Mỹ, trước ngày diễn ra màn đối đầu giữa đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump (27/6).
Tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1960, cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên giữa ứng cử viên đảng Dân chủ John F. Kennedy và Phó Tổng thống Richard Nixon đã thu hút 70 triệu người xem, trở thành một trong những chương trình được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình nước này. Giới quan sát đánh giá ông Kennedy đã “ghi điểm” mạnh mẽ so với đối thủ nhờ vẻ ngoài điển trai, khả năng diễn thuyết hùng hồn, trong khi ông Nixon vừa ra viện với diện mạo nhợt nhạt và khả năng trình bày lúng túng. Ông Kennedy giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm đó. (Nguồn: Reuters)
16 năm sau, cuộc tranh luận trên truyền hình tiếp theo mới diễn ra. Lần này, đại diện đảng Dân chủ Jimmy Carter và Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford là đối thủ của nhau. Theo Reuters, dấu ấn của cuộc tranh luận này là ông Ford đã có một phát ngôn về Liên Xô được xem là sai lầm lớn. Sau đó, ông Carter đắc cử. (Nguồn: Reuters)
Năm 1980, 80,6 triệu người Mỹ đã theo dõi màn đối đầu giữa Tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter và Ronald Reagan của đảng Cộng hòa sau khi cả hai “đánh bại” ứng cử viên John Anderson. Tổng thống Jimmy Carter tố cáo đối thủ có kế hoạch cắt giảm nguồn tài trợ chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi của Medicare. Trong khi đó, ông Reagan đã chỉ trích Tổng thống đương nhiệm "xuyên tạc" quan điểm của mình về một số vấn đề. Cuối cùng, Ronald Reagan đã trở thành Tổng thống Mỹ. Đây là cuộc bầu cử thứ hai liên tiếp mà đương kim tổng thống bị thất cử sau khi chính ông Carter giành chiến thắng trước ông Gerald Ford vào năm 1976. (Nguồn: Reuters)
Tuổi tác là một vấn đề tiềm ẩn gây lo ngại đối với cử tri. Tại cuộc bầu cử năm 1984, ông Reagan đã 73 tuổi. Trong cuộc tranh luận thứ hai, người dẫn chương trình đã hỏi ông rằng liệu tuổi tác có nên là một vấn đề trong chiến dịch tranh cử hay không. Ông trả lời “Tôi sẽ không coi tuổi tác là một chủ đề của chiến dịch này. Tôi sẽ không lợi dụng sự non trẻ và sự thiếu kinh nghiệm của đối thủ cho mục đích chính trị”. Ai cũng bật cười - kể cả Mondale, và câu đùa này được nhắc lại nhiều lần sau đó. Cuối cùng, ông Reagan tái đắc cử, trở thành tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử Mỹ lúc bấy giờ. (Nguồn: Reuters)
Năm 1988, phe Cộng hòa đã gây khó cho ông Dukakis khi nêu bật trường hợp của Willie Horton - kẻ tội phạm đã cưỡng hiếp một phụ nữ Mỹ gốc Phi và đâm chết bạn trai cô ở bang Massachusetts, trong thời gian hắn nghỉ phép. Với vai trò là Thống đốc bang này, ông Dukakis chịu trách nhiệm giám sát chương trình cho những tù nhân bị kết án phạm tội nghiêm trọng được “nghỉ phép cuối tuần” trong thời gian thụ án. Tại cuộc tranh luận, phóng viên của CNN đã hỏi ông Dukakis rằng, liệu quan điểm của ông có thay đổi nếu vợ ông bị cưỡng hiếp và giết hại. Ứng viên Dân chủ này đã không đưa ra câu trả lời, thay vào đó, đặt câu hỏi về giá trị răn đe của hình phạt tử hình. Phó Tổng thống George HW Bush (Bush “cha”) đã lợi dụng tình huống này, chỉ trích Dukakis là không có tình cảm và không hiểu biết về chính sách đối nội. Cuối cùng, năm đó, ông Bush đã thắng cử. (Nguồn: Reuters)
Cuộc tranh luận giữa các Phó Tổng thống cũng trở nên sôi nổi khi ông Dan Quayle, đối tác đồng tranh cử của ông Bush, so sánh bản lĩnh chính trị của mình với John F. Kennedy. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Lloyd Bentsen trả lời một cách mỉa mai: “Thượng nghị sĩ, tôi đã phục vụ Jack Kennedy. Tôi biết Jack Kennedy. Jack Kennedy là một người bạn của tôi. Thượng nghị sĩ, ông không phải là Jack Kennedy”. (Nguồn: Reuters)
Thông thường, sẽ chỉ có 2 ứng viên từ đảng Dân chủ và Cộng hòa tham gia tranh luận. Tuy nhiên, vào năm 1992, ngoài ông Bush “cha”, ứng viên đảng Dân chủ Bill Clinton, còn có một ứng viên độc lập Ross Perot cùng đứng chung sân khấu. Buổi tranh luận thứ 2 được tổ chức theo hình thức tiếp xúc cử tri đã giúp cử tri củng cố hình ảnh về các ứng cử viên: ông Bush có vẻ ít quan tâm đến các vấn đề của người dân, trong khi ông Clinton lại thể hiện sự cảm thông đối với họ. Cuối cùng, ông Bill Clinton giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần đó. (Nguồn: Reuters)
Năm 1996, trong một cuộc tranh luận với ông Bill Clinton, ứng viên Bob Dole của đảng Cộng hòa được một sinh viên đại học hỏi rằng ông đã 73 tuổi thì có thể hiểu được nhu cầu của những người trẻ tuổi hay không. Ông trả lời: Ở tuổi của ông, trí thông minh và kinh nghiệm tỷ lệ thuận với sự khôn ngoan". Đáp lại, Tổng thống Clinton nói: “Tôi chỉ có thể nói với bạn rằng tôi không nghĩ Thượng nghị sĩ Dole quá già để làm tổng thống. Tôi chỉ nghi ngờ liệu quan điểm của ông ấy có hợp thời”. Cuối cùng, Tổng thống Clinton tái đắc cử. (Nguồn: Reuters)
Những cuộc tranh luận sau đó thu hút lượng người theo dõi ít hơn, năm 2000, 46 triệu người theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên của đại diện đảng Cộng hòa George W. Bush (Bush “con”) và Phó Tổng thống Al Gore. Ông Al Gore đã nhận được những đánh giá tiêu cực vì thể hiện rõ biểu cảm thở dài trong khi đối thủ phát biểu. Cuối cùng, nối gót cha của mình, ông Bush đã trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ này. (Nguồn: Reuters)
Năm 2004, cuộc tranh luận cuối cùng giữa Tổng thống Bush và ông John Kerry đã mang đến cho cử tri sự tương phản rõ rệt về trường phái diễn thuyết trái ngược nhau. Trong khi ông Bush "con" bám vào những lập luận đơn giản thì đối thủ đảng Dân chủ John Kerry đưa ra hàng loạt dữ kiện để bổ sung cho quan điểm của bản thân. Ông Bush “con” tái đắc cử năm đó. (Nguồn: Reuters)
Năm 2008, đối tác tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa John McCain - Sarah Palin và đối tác tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ Barack Obama - Joe Biden, đã thể hiện quan điểm trái ngược về vấn đề kinh tế và Iraq trong cuộc tranh luận nảy lửa nhưng đầy lịch sự. Cả ông Biden và bà Palin đều cam kết sẽ khiến chính sách kinh tế của Mỹ trở nên thân thiện hơn đối với những người lao động thuộc tầng lớp trung lưu. Nhưng ông Biden cho rằng, theo ứng cử viên McCain, các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế được coi là mạnh mẽ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra. Và cặp đôi Obama-Biden đã chiến thắng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm đó. (Nguồn: Reuters)
Năm 2012, ở cuộc tranh luận đầu, ông Barack Obama trả lời không mấy suôn sẻ trước ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney. Các thăm dò sau đó cho thấy ông bị đối thủ dẫn trước một khoảng cách nhỏ khiến người ủng hộ ngạc nhiên và lo lắng. Nhưng ở lần tranh luận thứ hai, ông Romney được xem đã có câu trả lời gây tranh cãi về việc bình đẳng giới trong việc trả lương. Romney nói ông có “tập hồ sơ toàn phụ nữ” là các ứng cử viên cho các chức vụ trong nội các. Cụm từ này đã trở thành một trò đùa trên mạng xã hội, với các dòng tweet, tranh vẽ và một nhóm Facebook giả mạo ông. Bên cạnh đó, cách trả đũa hài hước của ông Obama cũng đã làm ông Romney lúng túng. Cuối cùng, ông Obama tái đắc cử năm đó. (Nguồn: Reuters)
Năm 2016, cuộc tranh luận đầu tiên giữa tỷ phú bất động sản Donald Trump và cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton đã thu hút 84 triệu khán giả truyền hình Mỹ, một kỷ lục và là con số hiếm hoi về một cuộc tranh luận trong thời đại các mô hình phát sóng trực tuyến lên ngôi. Các cuộc tranh luận trong năm đó đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khi 2 ứng viên liên tục công kích lẫn nhau. Bà Clinton chỉ trích ông Trump về bình phẩm của ông đối với phụ nữ trong một đoạn clip vào năm 2005 mới được tung ra lúc đó. Đáp trả, ông Trump tìm cách xoa dịu những lời chỉ trích đó bằng cách quay sang công kích cựu Tổng thống Bill Clinton, chồng của bà. Trong cuộc tranh luận thứ ba, ông Trump gọi bà Clinton là “một người phụ nữ khó chịu” và nói rằng ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử. Cuối cùng, ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. (Nguồn: Reuters)
Với việc buổi tranh luận đầu tiên trong khuôn khổ cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 diễn ra khá “hỗn loạn”, trong khi cuộc tranh luận thứ hai phải hoãn do không thống nhất được hình thức tổ chức, thì cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng được xem là cơ hội để giúp cả hai ứng cử viên tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa trong giai đoạn quan trọng nhất của cuộc bầu cử. Tại cuộc tranh luận lần này, Tổng thống Donald Trump được cho là đã tỏ ra kiềm chế hơn so với màn thể hiện trong cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra trước đó khi ông liên tục cắt lời đối thủ. Tuy nhiên, không khí của buổi tranh luận vẫn khá căng thẳng do chứa đầy những cuộc tấn công cá nhân giữa hai ứng viên. Theo đó, ông Biden cáo buộc ông Trump trốn thuế còn Tổng thống Trump lại đưa ra những cáo buộc tham nhũng nhằm vào cá nhân và gia đình đối thủ, cho dù không đưa ra được bằng chứng nào cho các cáo buộc đó. Cuối cùng, ông Joe Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng. (Nguồn: Reuters)
Không giống hai vị ứng cử viên tranh chức Tổng thống Mỹ, cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng viên Phó Tổng thống Mike Pence và với đối thủ đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Kamala Harris diễn ra khá chuẩn mực. Tuy nhiên, một con ruồi bất ngờ thu hút sự chú ý của cư dân mạng trong cuộc tranh luận. “Vị khách” không mời mà đến, đậu trên mái tóc màu bạch kim của Phó Tổng thống Pence suốt 2 phút mà ông không hay biết. Con ruồi có vẻ như chăm chú lắng nghe cuộc tranh luận giữa ông và đối thủ. Sau khi cuộc tranh luận kết thúc, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã đăng hình mình cầm một cái vợt đuổi ruồi với nội dung: "Cùng góp 5 USD để giúp con ruồi bay lên" cùng đường dẫn đến trang iwillvote.com (tôi sẽ bỏ phiếu). Trang web của chiến dịch tranh cử của ông Biden còn bán cây vợt đập ruồi phiên bản đặc biệt với giá 10 USD. (Nguồn: Reuters)
Bốn năm sau, Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Donald Trump lại xuất hiện cùng nhau trên sân khấu. Cuộc tranh luận trực tiếp của hai người vào ngày 27/6 tới sẽ là khoảnh khắc kịch tính nhất trong cuộc tái đấu giữa hai ứng cử viên. (Nguồn: Reuters)
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".