📞

Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đua khó đoán định

09:41 | 20/04/2017
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang trong giai đoạn nước rút. Dư luận Pháp đang quan tâm nhất đến 4 ứng cử viên dẫn đầu, những người có tỷ lệ ủng hộ sít sao được thể hiện qua các cuộc thăm dò dư luận.

Bám đuổi sát nút

Năm ngày trước khi diễn ra vòng bỏ phiếu đầu tiên bầu cử Tổng thống Pháp, cuộc đua vào Điện Élysée đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết trong lịch sử nước Pháp hiện đại, khi các cuộc thăm dò cho thấy cả 4 ứng cử viên hàng đầu đều có cơ hội lọt vào vòng hai.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hiện đang rất khó đoán định. (Nguồn: AP)

Cuộc thăm dò dư luận do hãng Elabe công bố ngày 17/4 cho thấy, ứng cử viên trung dung độc lập Emmanuel Macron sẽ dẫn đầu tại vòng 1 vào ngày 23/4 tới với tỷ lệ ủng hộ là 24%, tiếp theo là ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen với 23% số phiếu ủng hộ. Ứng cử viên bảo thủ Francois Fillon đã vươn lên vị trí thứ 3 với tỷ lệ ủng hộ 19,5%, sau đó là ứng cử viên cực tả Jean-Luc Melenchon với 18%. 7 ứng cử viên còn lại đều có tỷ lệ ủng hộ dưới 8%.

Trong khi đó, nhiều thăm dò khác cũng cùng có chung kết luận rằng ông Macron sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong vòng 2, dự kiến vào ngày 7/5, nếu như ông vượt qua vòng bỏ phiếu thứ nhất. Tuy nhiên, một xu hướng nổi bật nhất trong những ngày gần đây là tỉ lệ ủng hộ gia tăng mạnh đối với ông Melenchon, ứng cử viên có quan điểm sẽ rút nước Pháp khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thậm chí rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) giống như quan điểm của bà Le Pen. Một số cuộc thăm dò cho thấy nếu lọt vào vòng bỏ phiếu thứ hai, ông Melenchon có thể giành chiến thắng trước ông Fillon hay bà Le Pen.

Cũng theo các cuộc thăm dò, khoảng 1/3 trong số 45,7 triệu cử tri Pháp có thể bỏ phiếu trắng. Trong khi một số nhà phân tích cho rằng số lượng cử tri đi bầu cử đông sẽ có lợi cho hai ứng cử viên Macron và Fillon, thăm dò của hãng BVA cho thấy bà Le Pen và ông Melenchon cũng có thể được lợi nếu lượng cử tri là người trẻ và tầng lớp lao động đi bầu cao. Tuy nhiên, thăm dò cũng chỉ ra rằng bà Le Pen sẽ không chiến thắng cho dù bà đối đầu với ai trong vòng hai.

Cam kết mạnh mẽ trong giai đoạn nước rút

Ngày 18/4, bốn ứng cử viên được đánh giá có nhiều tiềm năng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp đã tổ chức các buổi mít tinh tại thủ đô Paris nhằm thuyết phục những cử tri còn đang do dự, đồng thời đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong giai đoạn nước rút.

Phát biểu trước 20.000 người ủng hộ, ứng cử viên Macron tuyên bố: "Ngày Chủ nhật tới, chúng ta sẽ chiến thắng, và đó sẽ là sự khởi đầu của một nước Pháp mới". Ông Macron ủng hộ một nước Pháp "cởi mở, tin cậy và chinh phục" với sự tham gia đầy trách nhiệm của "thế hệ mới". Ông Macron cũng bác bỏ những cáo buộc rằng ông đã nhận kế thừa hàng triệu Euro từ một người bạn quá cố và khẳng định đã kê khai chi tiết các khoản thu nhập và chi tiêu từ năm 2009-2014.

Về phía ứng cử viên Le Pen, phát biểu trong buổi mít tinh tại một phòng hòa nhạc lớn tại Paris, bà Le Pen nhấn mạnh người dân Pháp có quyền lợi tại đất nước này. Pháp có quyền trở về với bản sắc dân tộc và chủ quyền. Bà Le Pen cũng nhắc lại quan điểm của mình trong suốt tiến trình vận động tranh cử rằng nếu bà thắng cử thỏa thuận Schengen về tự do đi lại của công dân trong 26 nước châu Âu, khiến Pháp trở thành điểm đến của người di cư trên toàn thế giới, sẽ chấm dứt. Trước sự bứt phá trong thời gian gần đây của 2 ứng cử viên Mélenchon và Fillon, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc (FN) này hy vọng sẽ giành lại tín nhiệm trong những ngày vận động cuối cùng trước vòng một cuộc bầu cử.

Trong khi đó, ứng cử viên Fillon luôn tin tưởng vào chiến thắng và khẳng định chắc chắn ông sẽ lọt vào vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp. Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Fillon lên án hành động của các đối thủ trong chiến dịch tranh cử và cho rằng ngay từ đầu, các đối thủ chỉ tìm cách lôi các vấn đề quá khứ để đánh bại ông thay vì tranh luận. Ứng cử viên Fillon khẳng định: "Tôi đã gây bất ngờ ngay tại vòng sơ bộ và chúng ta sẽ gây bất ngờ lần nữa tại các vòng bầu cử tổng thống sắp tới". Còn đại diện cho phe cực tả Melenchon, ứng cử viên vươn lên bứt phá trong các cuộc thăm dò gần đây, khẳng định :"Tuần này mọi việc sẽ ngã ngũ", đồng thời thông báo sẽ đẩy mạnh chiến dịch vận động tranh cử.

Đã có quá nhiều diễn diễn bất ngờ kể từ đầu chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp đến nay. (Nguồn: Getty Image)

Cỗ xe “tứ mã”

Cả 11 ứng cử viên tham gia cuộc đua vào Điện Elysée đều đang nỗ lực hết mình bằng việc tổ chức nhiều cuộc mít tinh vận động tranh cử tại nhiều địa phương trên toàn nước Pháp, tích cực xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhằm tranh thủ thuyết phục cử tri-những người còn do dự, đồng thời công kích những yếu điểm của các đối thủ. Tuy nhiên, cơ hội lọt vào vòng hai đang được chia đều cho cả 4 ứng cử viên trong nhóm dẫn đầu khi cả 4 ứng cử viên này đều được đánh giá là “tiềm năng”. Chính vì vậy, cuộc đua này được ví như cuộc đua của cỗ xe “tứ mã”.

Một điểm cần lưu ý là càng gần đến ngày bầu cử, khoảng cách giữa các ứng cử viên càng bị rút ngắn. Điều này cho thấy không ứng cử viên nào có lợi thế nổi trội. Mỗi ứng cử viên đều có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định. Cựu Thủ tướng Fillon từng được đánh giá cao với 30 năm kinh nghiệm trên chính trường lại bị mất uy tín do vướng vào bê bối tài chính liên quan đến việc trả lương cho vợ mình và các con cho “những công việc không có thật”. Ứng cử viên Le Pen cũng đang bị điều tra vì lạm dụng công quỹ của Nghị viện châu Âu (EP).

Nhà lãnh đạo phong trào “Tiến bước” Macron được nhìn nhận là năng động, nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo. Ứng cử viên Melenchon đã có sự vươn lên ấn tượng thời gian qua khi ngày càng giành được sự yêu mến từ các cử tri cánh tả. Tuy nhiên, các quan điểm cực tả của ông được cho là khó được triển khai trong thực tế.

Đã có quá nhiều diễn diễn bất ngờ kể từ đầu chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp đến nay. Theo giới phân tích, trong chặng đua nước rút, vẫn sẽ có những yếu tố có thể làm xoay chuyển cục diện cuộc đua. Đó là cho đến nay, chỉ có 66% số cử tri Pháp tuyên bố tham gia bỏ phiếu, có nghĩa là 34% cử tri sẽ vắng mặt vào ngày 23/4 tới. Ngoài ra, khoảng 30% cử tri Pháp tuyên bố chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Và trên hết, kết quả các cuộc khảo sát chỉ mang tính tương đối, do còn tùy thuộc vào phương pháp thăm dò, đối tượng, độ tuổi và quan điểm chính trị của những người được hỏi ý kiến. Sự biến động của những yếu tố trên sẽ tác động đến kết quả cuộc bầu cử. Bối cảnh này cho thấy cuộc đua đang diễn ra hết sức gay cấn. Cho đến nay, chưa có gì được quyết định và cơ hội vẫn được chia đều cho cả 4 ứng cử viên tiềm năng.

(tổng hợp)