📞

Bảy nguyên tắc ngôi thứ chính thức trong hoạt động đối ngoại (Phần 1)

Quang Hiếu 10:59 | 27/04/2021
Trong các hoạt động chính thức, vị trí của người tham dự được sắp xếp đúng theo ngôi thứ chính thức.
Đối với các Trưởng cơ quan đại diện, ngôi thứ tham dự các sự kiện tuân thủ theo quy định lễ tân nước sở tại và thông lệ Đoàn Ngoại giao.

Các nhà nước thường quy định trật tự ngôi thứ chính thức theo cấp bậc và căn cứ theo danh sách ngôi thứ cho nhà nước, các tổ chức, định chế công bố.

Ở Mỹ, trình tự ngôi thứ được Nhà Trắng áp dụng trên cơ sở danh sách quy định thứ tự ngôi thứ của Vụ Lễ tân, được tuân thủ chặt chẽ trong những dịp khánh tiết quan trọng của Chính phủ.

Đối với các Trưởng cơ quan đại diện, ngôi thứ tham dự các sự kiện tuân thủ theo quy định lễ tân nước sở tại và thông lệ Đoàn Ngoại giao.

Nguyên tắc bình đẳng giữa các nhà nước

Các nhà nước có chủ quyền đều bình đẳng với nhau. Cách sắp xếp phổ biến nhất là xếp chỗ theo thứ tự A đến Z chữ cái đầu tiên tên của các nước có đại diện.

Nguyên tắc tôn ti trật tự

Người trên trước người dưới.

Nguyên tắc ngôi thứ không ủy quyền

Nguyên tắc này có nghĩa là một người, khi đại diện một người khác thì không thể được đối xử như người mình đại diện.

Nguyên tắc nhường chỗ và nguyên tắc lịch sự với phụ nữ

Nguyên tắc nhường chỗ xảy ra khi một người được xếp ở vị trí quan trọng hơn nhường chỗ lại cho người có cấp bậc cao hơn được xếp ở vị trí thấp hơn.

Theo thông lệ, chủ một buổi lễ hay bữa tiệc được xếp ở vị trí số 1, phía bên phải hay trước mặt chủ là vị khách có cấp bậc cao nhất. Thông lệ này có thể được điều chỉnh khi chủ tiếp người khách có cấp bậc cao hơn sẽ lịch sự nhường chỗ cho khách.

Trên thực tế, khi một thị trưởng tiếp một người khách là Thủ tướng nước ngoài sẽ ngồi bên phải khách, hoặc khi tiếp một Thủ tướng nước ngoài có một Bộ trưởng tháp tùng sẽ để vị Thủ tướng ngồi giữa, bên phải là vị Bộ trưởng và bản thân ông ngồi bên trái Thủ tướng.

Nguyên tắc lịch sự với phụ nữ: một trong những cử chỉ đẹp được biết đến nhiều nhất là nam giới thường lịch sự nhường chỗ cho nữ giới. Trong một hoạt động chính thức, một quan chức cao cấp nhường chỗ khi người phụ nữ có cùng cấp bậc.

Về mặt lễ tân, hai người không thể có cùng một chỗ nên người phụ nữ được ưu tiên. Đây là tiền lệ được thừa nhận hàng thế kỷ nay.