TIN LIÊN QUAN | |
Thưởng thức Fika cùng Đại sứ Thụy Điển | |
Việt Nam - Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm báo chí hiện đại |
Elisabeth Dahlin có cơ hội đến Việt Nam học tiếng Việt từ đầu những năm 1980 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây chính là khoảng thời gian khiến bà “phải lòng” Việt Nam. Để rồi, khi trở lại công tác và kết thúc nhiệm kỳ ba năm, bà quay lại Thụy Điển mà vẫn không thôi lưu luyến mảnh đất “quê hương thứ hai” ấy.
Bà Elisabeth Dahlin. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Từ nhà ngoại giao mê quan họ...
Có thể giao tiếng bằng tiếng Anh, Pháp, hay Tây Ban Nha, nhưng vốn liếng tiếng Việt chiếm một vị trí khá đặc biệt trong giao tiếp của bà Elisabeth Dahlin. Năm 1999, khi trở lại Việt Nam công tác tại Đại sứ quán Thụy Điển, bà cảm thấy thật may mắn vì sau mười mấy năm đằng đẵng không có nhiều cơ hội sử dụng tiếng Việt, bà vẫn nhớ được khá đầy đủ các từ vựng để có thể trò chuyện một cách tự tin.
Điều đặc biệt là trong suốt thời gian công tác tại đây, cả gia đình bà Dahlin đều học và dành tình yêu cho tiếng Việt bằng cách nói chuyện với nhau hàng ngày. Không chỉ vậy, họ còn rất thích âm nhạc truyền thống của Việt Nam nên thường xuyên tập hát cùng nhau. Elisabeth Dahlin có niềm say mê dành cho các làn điệu quan họ Bắc Ninh và bà luôn hát mọi lúc có thể.
Năm đầu tiên sống ở Hà Nội, cô con gái nhỏ của bà mới lên ba nhưng chỉ sau một thời gian ngắn được tham gia các sự kiện văn hóa tại phố Hàng Lược, cô bé đã tỏ ra thích thú và hát được một số bài hát Việt Nam. Hiện nay, con gái đã 24 tuổi và trở thành nghệ sĩ, bà rất vui khi nhìn thấy con gái đội nón lá, mặc áo dài và hát dân ca Việt Nam trong hoạt động văn hóa tại Thụy Điển.
Elisabeth Dahlin tâm sự, khi xa Việt Nam và bận rộn đi công tác tại nhiều nước, ở đâu có nhà hàng Việt là bà thường tranh thủ ghé vào để tìm lại hương vị thân quen của các món ăn và có cơ hội nói chuyện bằng tiếng Việt. Ở Stockholm, bà cũng kết thân với một số người bạn Việt Nam để thi thoảng có thể gặp gỡ, trò truyện và ngồi hát dân ca quan họ với nhau cho vơi đi nỗi nhớ Việt Nam.
Bà Elisabeth Dahlin (thứ 3, từ trái qua) gặp gỡ bạn bè tại Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
... đến nhà hoạt động vì trẻ em Việt Nam
Từng làm việc ở Đại sứ quán Thụy Điển tại Zambia, Brazil và đảm nhận nhiều công việc khác nhau tại Thụy Điển, nhưng tình cảm và những kỷ niệm về Việt Nam vẫn được bà Dahlin giữ trong tim suốt những năm qua. Có một hình ảnh ví von về đất nước và con người Việt Nam mà bà cảm thấy tâm đắc nhất đó là “bé hạt tiêu”. Theo bà, “bé hạt tiêu” là sự liên tưởng chính đáng về sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Việt Nam đang phát triển từng ngày và bà luôn tin nếu mỗi người “bé hạt tiêu” đoàn kết lại, đất nước Việt Nam sẽ còn tiến rất xa trong tương lai.
Không còn làm việc tại Bộ Ngoại giao, nhưng trong cương vị Tổng Thư ký Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển (hoạt động tại 120 nước) từ năm 2008, bà Dahlin có cơ hội dành sự quan tâm cho trẻ em Việt Nam. Tổ chức của bà hiện có rất nhiều chương trình trong các lĩnh vực giáo dục tiểu học, phục hồi sức khoẻ, ưu tiên cho các nhóm trẻ bị thiệt thòi như trẻ em đường phố, trẻ em khuyết tật, trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ bị xâm hại vể thể chất và tinh thần...
Tại Việt Nam, Save The Children có quan hệ gần gũi với nhiều cơ quan quản lý, địa phương cũng như các tổ chức cứu trợ trẻ em của các nước Australia, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Thường xuyên theo sát hoạt động tại Việt Nam, bà Dahlin chú ý đến việc đảm bảo quyền trẻ em, chất lượng cuộc sống của những trẻ bị thiệt thòi bị bỏ lại phía sau quá trình phát triển của toàn xã hội …
Mới đây, bà đã trực tiếp đi từ Yên Bái đến Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh)… để thăm nhiều địa bàn đang triển khai các dự án đảm bảo thực hiện quyền trẻ em về sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục... Elisabeth Dahlin mong muốn trẻ em Việt Nam tại vùng dân tộc thiểu số được hỗ trợ để chăm sóc, học tập trong môi trường tốt nhất có thể. Bà tự hào về những công việc mà các đồng nghiệp của mình đang nỗ lực làm hàng ngày nhằm đóng góp tích cực vào việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em Việt Nam.
Trở lại Hà Nội lần này, bà Dahlin còn có khoảng thời gian thú vị để gặp gỡ những người bạn cũ và những khoảnh khắc ngắm nhìn hoạt động thường ngày diễn ra tại những con phố xung quanh Hồ Gươm. “Tôi luôn trân quý những cơ hội được trở lại nơi đây bởi mỗi lần như vậy, tôi đều có cảm giác ấm ấp như được trở về nhà”, bà chia sẻ.
2,82 triệu USD giúp cải thiện dinh dưỡng trẻ em Việt Nam Dự kiến, sẽ có 142.000 người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số ở Sơn La và Yên Bái được hưởng lợi từ dự án ... |
Trang bị kỹ năng phòng tránh thiên tai cho trẻ em Sáng 31/3, tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) và Quỹ Prudence - Công ty Prudential Việt Nam đã triển khai dự án ... |
Trẻ sơ sinh chiếm 54% số trẻ tử vong tại Việt Nam Theo Báo cáo của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), số trẻ tử vong trong giai đoạn sơ sinh chiếm tới 54% ... |