📞

Bế tắc với bài toán khí đốt, châu Âu bối rối vì chia rẽ, Tổng thống Putin nói gì?

Gia An 13:29 | 26/11/2022
Cuộc đàm phán giữa các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) về việc áp mức giá trần mua dầu mỏ Nga đang lâm vào bế tắc khi 15 nước thành viên EU kêu gọi áp giá trần khí đốt đã quyết định bác bỏ cơ chế giới hạn mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất.
Châu Âu có thể phải đối mặt với việc thiếu 30 tỷ m3 khí đốt cần có để thúc đẩy nền kinh tế và lấp đầy kho dự trữ trong mùa Hè năm 2023. (Nguồn: Censor)

Quá trình thảo luận về khả năng áp mức giá trần dầu mỏ của Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng đã dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia EU.

Thế nào là mức trần vừa đủ?

Một số nước, trong đó có Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, cho rằng mức trần này quá cao, trong khi các quốc gia nhận được một phần thu nhập đáng kể từ hoạt động vận chuyển dầu trên biển như Hy Lạp, Cyprus và Malta thì khẳng định ngưỡng này quá thấp và có nguy cơ làm suy yếu thương mại dầu mỏ thế giới.

Theo Tây Ban Nha, mức giá trần khí đốt mà EU đề xuất sẽ chỉ khiến giá khí đốt tăng cao hơn, cản trở những nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng lên mức cao nhất trong hàng thập kỷ.

Trong khi đó, Pháp nhận định, mức giá đề xuất này của EU là chưa đủ và không đáp ứng được thực tế trên thị trường.

Ý tưởng áp đặt giới hạn giá đối với các nguồn năng lượng của Nga được các nhà lãnh đạo của các nước phương Tây đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6/2022. Kế hoạch áp mức giá trần khí đốt, nếu được thông qua, sẽ bắt đầu từ tháng 1/2023. Kế hoạch này sẽ được triển khai đồng thời với một sáng kiến tự nguyện dành cho các quốc gia thành viên EU nhằm cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa Đông ở Bắc Bán cầu.

Châu Âu thiếu bao nhiêu khí đốt?

Về phía Nga, Tổng thống nước này Vladimir Putin ngày 24/11/2022 cảnh báo những nỗ lực của phương Tây nhằm áp giá trần đối với dầu mỏ Nga có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trên thế giới.

Ông Putin nhấn mạnh những hành động như vậy "trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường và rất có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu".

Kể từ đầu năm 2022, giá năng lượng, đặc biệt là giá khí đốt, đã tăng mạnh tại châu Âu. Cụ thể, giá khí đốt đã tăng hơn 170%, giá điện tại một số thị trường tăng gần 2.700%, giá dầu tăng gần 30%.

Theo các chuyên gia, EU đang trên đà đạt được mục tiêu về tích trữ khí đốt, song yếu tố lớn hơn đối với an ninh năng lượng trong mùa Đông này là liệu các quốc gia có thể cắt giảm mức tiêu thụ đủ để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu kéo dài qua những tháng lạnh giá nhất hay không.

Thông thường, châu Âu có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí đốt cao điểm trong mùa Đông. Nhưng năm 2022, nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm mạnh - lượng khí đốt Nga chảy qua tuyến đường ống chính Dòng chảy phương Bắc 1 đến châu Âu, chỉ hoạt động 20% công suất. Do đó, việc dự trữ sẽ không tạo nên sự cân bằng.

Giới chuyên môn lưu ý để đối phó với tình hình khủng hoảng năng lượng hiện nay, việc các quốc gia thành viên EU giảm nhu cầu thậm chí còn quan trọng hơn lưu trữ.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa EU và Nga về vấn đề khí đốt, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo, châu Âu phải lập tức hành động để ngăn chặn tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trong năm tới, do Nga cắt giảm nguồn cung sau cuộc xung đột ở Ukraine.

IEA nêu rõ, châu Âu có thể phải đối mặt với việc thiếu 30 tỷ m3 khí đốt cần có để thúc đẩy nền kinh tế và lấp đầy kho dự trữ trong mùa Hè năm 2023, ảnh hưởng đến nguồn dự trữ cho mùa Đông năm 2023-2024. Từ đầu năm 2022 đến nay, Nga đã giao 60 tỷ m3 khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, IEA cho rằng, "rất khó có khả năng" Nga sẽ cung cấp lượng khí đốt tương tự vào năm 2023, thậm chí có thể ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt.

Theo IEA, trước khi xung đột tại Ukraine bùng phát, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu xuất khẩu của Nga. Trong năm 2021, các nước EU mỗi ngày nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm hóa dầu và 0,5 triệu thùng dầu diesel, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.

Các quốc gia châu Âu đang nỗ lực tìm lời giải cho bài toán năng lượng trong tương lai. Khu vực này chuẩn bị bước vào mùa Đông lạnh giá với nguy cơ thiếu khí đốt, cũng như giá nhiên liệu tăng vọt do gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Giới phân tích cảnh báo "Lục địa Già" sẽ chịu thiệt hại trong dài hạn do cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ gây bất ổn về chính trị.

Các chuyên gia lý giải quá trình "hợp lý hóa công nghiệp" là cần thiết, trong đó khuyến nghị việc điều chỉnh sử dụng nhiên liệu trong công nghiệp, song cũng cảnh báo rủi ro tiềm ẩn khi việc cắt giảm đột ngột năng lượng sử dụng trong công nghiệp vào thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Điều này sẽ gây ra khá nhiều sức ép đối với các nền kinh tế, cũng như hệ thống chính trị tại châu Âu.

(theo IEA, Reuters, TTXVN)