📞

Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Nhiều kiến nghị đảm bảo an sinh xã hội

14:49 | 26/05/2018
Sáng 26/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017.

Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 và Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Trao đổi bên lề Kỳ họp sáng 26/5, nhiều đại biểu đã nêu lên các vấn đề gây bức xúc trong xã hội nhằm đưa ra những giải pháp căn bản để phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Phiên họp của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Công khai doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội

Đại biểu Trần Kim Yến (TP. Hồ Chí Minh) chỉ rõ, bảo hiểm xã hội là một trong những mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Đây là khoản tiền người dân đóng góp, tích luỹ để khi không còn sức khoẻ tham gia thị trường lao động hay đến tuổi nghỉ hưu có khoản thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra cho bảo hiểm xã hội đang khiến người dân lo lắng.

Theo đại biểu Trần Kim Yến, hiện nay, tình trạng doanh nghiệp nợ, chậm hay trốn đóng bảo hiểm xã hội diễn ra rất nhiều nhưng các giải pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ doanh nghiệp bị xử lý rất nhỏ, chưa đủ sức răn đe khiến công nhân, người lao động hoang mang, lo lắng.

Đại biểu Trần Kim Yến cho rằng, mặc dù hành lang pháp lý đã có đầy đủ, khi Bộ luật Hình sự 2015 quy định, từ ngày 1/1/2018, tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ bị xử lý hình sự nhưng việc phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật còn yếu.

“Tôi rất ngạc nhiên là có những doanh nghiệp được nhiều giải thưởng, huân chương nhưng khi tìm hiểu thì lại phát hiện họ không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”, đại biểu Yến nêu và đề nghị cần công khai danh sách doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, coi đây là thước đo khẳng định uy tín của doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp, cũng như đối với thương hiệu của chính doanh nghiệp đó.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kỹ năng cho trẻ em gái

Quan tâm tới vấn đề bạo hành trẻ em tại các cơ sở trông giữ trẻ tư thục, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đánh giá, tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài. Các vụ việc đã cho thấy sự bất cập trong các cơ sở trông giữ trẻ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các ban, ngành với địa phương còn lỏng lẻo.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, cần có sự rà soát một cách chi tiết, cụ thể hơn với cơ sở trông giữ trẻ tư nhân để đảm bảo về cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của những người trông giữ trẻ. “Các cô giữ trẻ có đầy đủ chứng chỉ hành nghề hay được đào tạo bài bản về mặt sư phạm hay không? Theo quy định của pháp luật, muốn hành nghề phải được đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, thanh tra, sát hạch”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Đại biểu Hải cũng nhận định, công tác kiểm tra các cơ sở tư thục chưa được thực hiện sát sao, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với cơ quan quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo, chưa có quy chế phối hợp chặt chẽ dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra ở trường mầm non thời gian qua.

Đối với vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần tuyên truyền kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục đối với phụ huynh, học sinh, trẻ em gái một cách rõ ràng, thấu đáo và hiệu quả hơn nữa bởi trên thực tế, nhiều người còn khá ngại ngần khi đề cập đến vấn đề này. Đại biểu Hải cho rằng, việc xét xử vụ án liên quan tới trẻ em cần có hướng dẫn đầy đủ của Tòa án nhân dân tối cao, đảm bảo việc xét xử công bằng, khách quan hơn.

(theo TTXVN)