Bến Tre - Quy hoạch chất lượng, đáp ứng kỳ vọng phát triển. (Nguồn: Vneconomy) |
Tỉnh Bến Tre có diện tích đất tự nhiên là 2.360 km², dân số toàn tỉnh năm 2020 là 1.288.463 người, mật độ dân số tại tỉnh là 538 người/km². Địa bàn Bến Tre nằm trên ba cù lao là cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và được bồi tụ phù sa của bốn nhánh sông Cửu Long bao gồm sông Tiền dài chiều 83 km, sông Ba Lai chiều dài 59km, sông Hàm Luông có chiều dài 71km, sông Cổ Chiên dài 82km.
Định hướng phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nhấn mạnh yêu cầu trên với các nhà tư vấn, các nhà phản biện tại Hội nghị do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức để cho ý kiến vào Báo cáo cuối kỳ - Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Trên cơ sở Quyết định số 916 ngày 30/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và theo nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành dự thảo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến hết ngày 25/10/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre đã nhận được văn bản tham gia ý kiến của 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương; 12/12 văn bản tham gia ý kiến của các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long; ý kiến tham gia của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ý kiến tham gia của các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh.
Các đại biểu tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến các nội dung liên quan đến: Quan điểm phát triển; kịch bản và mục tiêu phát triển; tổ chức không gian phát triển; các lĩnh vực, ngành kinh tế; phát triển đô thị, nông thôn,... của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Hội nghị đã nêu quan điểm, kịch bản và mục tiêu phát triển của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, có 5 quan điểm chi phối quá trình phát triển và 3 phương án phát triển dựa trên những giả định khác nhau về kịch bản phát triển của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.
Trong thời kỳ quy hoạch, Bến Tre tập trung phát triển 3 vùng (vùng Bắc sông Hàm Luông, vùng Nam sông Hàm Luông, vùng ven biển) và 5 hành lang kinh tế (3 hành lang phát triển theo hướng Tây - Đông, hành lang phát triển theo hướng Bắc – Nam và hành lang kinh tế dọc theo tuyến đường ven biển).
Về phương án phát triển không gian đô thị, đến năm 2030, tỉnh Bến Tre có 37 đô thị.
Các phân khu chức năng chính được phát triển trong thời kỳ quy hoạch bao gồm: Khu vực lấn biển; khu đô thị nông nghiệp - công nghiệp sạch và du lịch tổng hợp; khu chức năng công nghiệp; hệ thống trung tâm logistic, cảng biển, cảng sông.
Ba lĩnh vực kết cấu hạ tầng có vai trò quan trọng tạo sự đột phá của tỉnh Bến Tre trong thời kỳ quy hoạch gồm: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; kết cấu hạ tầng điện, năng lượng; hạ tầng thủy lợi.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho rằng cần xác định được động lực phát triển để dồn sức, tập trung thực hiện đạt các mục tiêu theo kịch bản phát triển đã lựa chọn.
Trong đó 3 lĩnh vực cần tập trung đột phá, gồm: Công nghiệp (xây dựng được các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch; công nghiệp chế biến nông, thủy sản; năng lượng sạch); hạ tầng giao thông (cầu Rạch Miễu 2, tuyến đường ven biển, cầu Đình Khao,…) và đô thị.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng nếu tuyến đường ven biển là động lực cho sự phát triển của toàn tỉnh, thì cần có "tuyến động lực nội tỉnh" từ thành phố Bến Tre kết nối với tuyến đường ven biển.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ khẳng định, cần tiếp tục quán triệt, xác định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là nội dung công việc đặc biệt quan trọng. Đó là quy hoạch vùng gắn với quy hoạch quốc gia, là định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp để xây dựng phát triển tỉnh, thực hiện được sự khát vọng phát triển của Bến Tre.
Về kịch bản phát triển, thống nhất lựa chọn kịch bản thứ 2 trong 3 kịch bản. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt từ 10 - 10,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo điều hành cần có sự nỗ lực phấn đấu cao hơn để phát triển Bến Tre sánh vai với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Về tổ chức không gian phát triển, cần chú trọng đến phát triển giao thông.
Về các vùng kinh tế, ông Lê Đức Thọ thống nhất với định hướng 3 vùng, gồm Bắc sông Hàm Luông, Nam sông Hàm Luông và vùng 3 huyện biển. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để phân vùng cho rõ nét. Trong đó, hành lang kinh tế phải gắn quy hoạch giao thông, chủ yếu là đường bộ.
Về phát triển các ngành kinh tế, thống nhất với các nhóm đã đề xuất, trong đó tập trung công nghiệp xây dựng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo. Nông nghiệp phát triển theo hướng vùng sản xuất tập trung, các thế mạnh của tỉnh như vườn cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản, cây giống, hoa cảnh, thương mại dịch vụ kết nối, mở rộng; phát triển du lịch gắn với sinh thái, văn hóa cộng đồng.
Lưu ý tổ chức lại vùng sản xuất tập trung, vùng dân cư tập trung cụ thể riêng biệt để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả hơn.
Về xác định các nguồn lực, các đơn vị tư vấn cần xác định rõ cho tỉnh các nguồn lực này, trong đó có nguồn lực tài chính cũng như các giải pháp huy động các nguồn lực. Đồng thời có lộ trình cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án.
Hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của Bến Tre
Ngày 8/11, Thường trực HĐND tỉnh Bến Tre khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức phiên giải trình về tình hình tổ chức thực hiện 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Theo đó, đến nay toàn tỉnh thành lập được 1.099 tổ hợp tác (THT) và 177 hợp tác xã (HTX) trên các lĩnh vực. Trong đó, có 80 HTX, THT trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp có vai trò quan trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh. Việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch GAP, sản xuất hữu cơ, xây dựng mã định danh vùng trồng và các chuẩn tương đương góp phần quan trọng đảm bảo an toàn thực phẩm giúp sản phẩm nông - thủy sản của tỉnh vượt rào cản kỹ thuật vào được các thị trường lớn, thị trường khó tính khu vực và thế giới.
Tại phiên giải trình về tình hình tổ chức thực hiện 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, có 15 ý kiến đặt ra của 13 đại biểu xoay quanh các vấn đề: Việc xây dựng và hoàn thiện phát triển 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sạch; cơ chế chính sách, thương mại, xúc tiến thị trường sản phẩm; vai trò HTX trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng phát triển chuỗi giá trị; chính sách đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu…
Kết quả phiên giải trình cho thấy trong thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã có sự quan tâm, tập trung triển khai nhiều giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển, hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 chuỗi được hình thành rõ nét đó là: Chuỗi sản phẩm dừa, chuỗi bưởi da xanh và chuỗi chôm chôm.
Trong đó, chuỗi sản phẩm dừa là chuỗi lớn nhất thể hiện đầy đủ đặc điểm chuỗi sản phẩm, có hiệu quả và tạo ra giá trị tăng thêm khá lớn cho ngành dừa của tỉnh, liên kết đầu vào gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung sản xuất theo chuẩn GAP, sản xuất hữu cơ khá tốt, khoảng 30% sản lượng dừa trái của tỉnh tham gia chuỗi được chế biến sâu, đa dạng sản phẩm và thâm nhập vào được thị trường lớn của thế giới và khu vực. Dừa Bến Tre trở thành thương hiệu dừa Việt Nam (Vietcoco) được các thị trường lớn như: Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ rất quan tâm.
Hai chuỗi còn lại là chuỗi bưởi da xanh, chuỗi chôm chôm là chuỗi ngắn, liên kết đầu vào, đầu ra kém bền vững, sản phẩm tham gia chuỗi còn quá ít, có tham gia xuất khẩu ra thị trường ngoài nước nhưng chỉ xuất khẩu dạng sản phẩm tươi chưa được chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng không lớn.
Vị trí hành chính Bến Tre. (Nguồn: Meeymap) |
Các sản phẩm còn lại như: Tôm biển, nhãn, hoa kiểng, heo, bò có mức độ sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa thể hiện đầy đủ đặc điểm của một liên kết chuỗi giá trị, chỉ dừng lại mức độ chuỗi cung ứng ngắn, liên kết tiêu thụ sản phẩm phổ biến theo phương thức người sản xuất “tự sản - tự tiêu”. Mô hình liên kết, sản xuất theo phương thức chuỗi giá trị góp phần làm tăng giá trị sản xuất và mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp - thủy sản Bến Tre.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc tổ chức thực hiện 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre vẫn còn một số hạn chế, như: Tiến độ xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh chậm; năng lực quản trị, quản lý, điều hành HTX yếu kém; liên kết ngang, liên kết dọc còn lỏng lẻo; quy mô vùng nguyên liệu sạch còn nhỏ, chất lượng vùng nguyên liệu chưa ổn định.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đồng tình và thống nhất cao với các vấn đề, giải pháp đại biểu đặt ra tại phiên giải trình. Đồng thời nhấn mạnh, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong thời gian tới là cần phải chú trọng việc liên kết ngang thông qua HTX và THT; liên kết dọc với doanh nghiệp; cần phải có doanh nghiệp đầu chuỗi, đặc biệt cần quan tâm đến việc thu hút đầu tư.
Ngành nông nghiệp và các địa phương trước mắt cần tập trung sản xuất theo hướng sạch, gắn với doanh nghiệp khi thị trường có yêu cầu. Theo xu hướng phát triển, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm sạch (sản phẩm OCOP), cần tập trung nhiều hơn cho sản phẩm này để trước mắt là tiêu thụ ở thị trường trong nước. Rà soát lại tất cả các chính sách để tập trung nguồn lực thực hiện; số hóa ngành nông nghiệp…
Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh sẽ có chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện”.