📞

Bến Tre tận dụng biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, carbon thấp

PV 14:34 | 27/07/2022
Trước tình hình biến đổi khí hậu, Bến Tre đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp góp phần ổn định sản xuất và đời sống dân sinh, ưu tiên một số lĩnh vực quan trọng, đột phá, tạo nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Trụ turbine điện gió trên vùng biển Bến Tre. (Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn)

Đồng thuận, sáng tạo, phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu

HĐND tỉnh Bến Tre khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, vừa tổ chức thành công kỳ họp thứ 5, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 đã được HĐND tỉnh thông qua.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế của tỉnh Bến Tre phục hồi với nhiều tín hiệu khởi sắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 3,83%; có 2/22 chỉ tiêu ước đạt và vượt; 7/22 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 5/22 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch năm… Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo được thực hiện kịp thời; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tai nạn lao động, tệ nạn xã hội được kiềm chế, kéo giảm; tai nạn giao thông kéo giảm trên cả 3 tiêu chí.

Các công trình, dự án trọng điểm được tập trung triển khai thực hiện, trong đó có việc phát triển 2.000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, việc Nhà máy điện gió V1-3 Bến Tre khánh thành và một số dự án điện gió khác hoàn thành đã hiện thực hóa chủ trương phát triển năng lượng sạch và kinh tế hướng Đông của tỉnh. Trên 97,9% doanh nghiệp đã ổn định sản xuất. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 7,73% so với cùng kỳ.

Bể nổi trên cạn có hệ thống lưới lan che mát, ổn định nhiệt độ để nuôi tôm thẻ công nghệ cao nhiều giai đoạn ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.(Nguồn: danviet.vn)

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã kịp thời hỗ trợ đưa sản phẩm của doanh nghiệp, các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP lên các sàn thương mại điện tử (sendo.vn, voso.vn, bentretrade.vn...); triển khai xây dựng mô hình chợ 4.0 với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Sản xuất nông nghiệp có sự phục hồi và tăng trưởng, từng bước chuyển đổ̉i theo quy chuẩn sạch, an toàn. Đến nay, có 17,9 ngàn ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ; 5/8 sản phẩm chủ lực của tỉnh được xây dựng chỉ dẫn địa lý. Tỉnh cũng đã triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực địa phương; cấp 45 mã vùng trồng với diện tích 614,3 ha cây nhãn, chôm chôm, xoài, bưởi da xanh và cấp 21 mã cơ sở đóng gói.

Tỉnh đã tiến hành xây dựng vùng sản xuất tập trung đối với dừa, heo, tôm biển và hoa cảnh. Đặc biệt, tỉnh định hướng xây dựng Trung tâm cây giống, hoa cảnh Chợ Lách mang tầm quốc gia.

Hoạt động du lịch dần được phục hồi. Lượng khách và doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, lượng khách tăng 18%, doanh thu du lịch tăng 25%, công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 40-50%.

Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2022 tăng 10,35% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, đến cuối năm 2021, đã xuất khẩu sang gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Một trong những điểm nhấn thời gian qua là việc phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khởi công cầu Rạch Miễu 2; trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh; triển khai các thủ tục về chủ trương đầu tư xây dựng cầu Đình Khao trên quốc lộ 57 nối tỉnh Bến Tre - Vĩnh Long theo hình thức PPP.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu tại Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. (Ảnh: VGP/Trần Mạnh)

Bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến nhấn mạnh, năm 2022 được Tỉnh ủy xác định là năm “Đồng thuận, sáng tạo, phát triển”. Qua đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đạt được kết quả khá khả quan. Tuy nhiên, dự báo tình hình trong 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức, trong khi nhiệm vụ còn lại rất nặng nề.

Tăng trưởng bền vững

Vấn đề nổi bật trong thời gian gần đây là những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trước những diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần ổn định sản xuất và đời sống dân sinh, trong đó chú trọng đến các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh, bền vững, tăng cường các dự án xanh, thân thiện môi trường.

Thực tế, với đường bờ biển dài trên 65km cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề trước áp lực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Một số khu vực ven biển thuộc tỉnh Bến Tre đang gặp phải tình trạng xâm thực, gây sạt lở nghiêm trọng, nhiều cánh rừng phòng hộ với mục đích chăn sóng tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri hay xã biển Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cũng bị sóng biển đánh trôi. Do ảnh hưởng của xâm thực biển đã dẫn đến sạt lở ở phạm vi lớn, diến biến nhanh và làm mất đi diện tích canh tác, sản xuất, hoa màu và tài sản của người dân.

Theo thống kê của các ngành chức năng Bến Tre, trên toàn tỉnh hiện có trên 90 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 120 km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân, hàng ngàn công trình bị ảnh hưởng; sạt lở lấn sâu vào trong đất liền trung bình hàng năm từ 10 - 15m, làm mất trên 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ ven biển…

Ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường Bến Tre thông tin, “Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực phù hợp với điều kiện của tỉnh, tận dụng các cơ hội của biến đổi khí hậu để phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực năng lượng, đầu tư phát triển theo quy hoạch các nhà máy phát điện gió nối lưới, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong sinh hoạt; Thực hiện các giải pháp bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất rừng”.

Thời gian qua, Bến Tre đã trồng mới và bảo vệ gần 7ha rừng thông qua dự án gây bồi, tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Bảo Thuận và trồng mới trên 18ha bần chua tại xã Bảo Thạnh (Ba Tri); triển khai các dự án trồng và phục hồi rừng ven biển, đã thực hiện trồng được 35ha rừng phòng hộ và đặc dụng.

Rừng đước phát triển tươi tốt trong Khu Bảo tồn rừng ngập mặn Thạnh Phú, Bến Tre.(Nguồn: biengioibienbentre.vn)

Bên cạnh đó, hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bến Tre xây dựng đề án trồng cây trên địa bàn tỉnh với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 trồng 10 triệu cây xanh để cùng hơn 4.700ha rừng tập trung và hơn 100.000ha cây lâu năm, dừa và cây ăn trái, góp phần xây dựng Bến Tre xanh, sạch, đẹp. UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời, tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản; phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng thích ứng với điều kiện khí hậu thay đổi. Phát triển các mô hình canh tác thích ứng dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và dựa vào cộng đồng.

Ngoài ra, giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện tốt qua phát triển năng lượng sạch. Bến Tre hiện có 19 dự án điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch, với tổng công suất trên 1.000MW; có 15/19 dự án đang triển khai xây dựng; đến cuối năm 2021, có 5/15 dự án với công suất hơn 93MW được đưa vào vận hành thương mại. Bến Tre cũng đã trình bổ sung 26 dự án điện gió tổng công suất 6.418MW và dự án điện khí LNG 3.000MW vào Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, có xét đến năm 2045.

Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường Bùi Minh Tuấn cũng cho biết, đến nay, tỉnh Bến Tre đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành kế hoạch hành động, kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu làm căn cứ, cơ sở để triển khai các nhiệm vụ biến đổi khí hậu trên toàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, phê duyệt đề xuất dự án “Thành lập thí điểm Khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại đồng bằng sông Mekong” nhằm bảo vệ, phục hồi và tận dụng giá trị đa dạng sinh các vùng đất ngập nước, cửa sông, rừng ven biển.

Năm 2022, tỉnh Bến Tre phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 8-8,5% và bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5-9,5%. Tỉnh ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng; giữ vững ổn định kinh tế, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá giai đoạn 2021-2025 trong tình hình mới, tạo nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.