Không khí hanh khô vào mùa đông dễ mang đến những nỗi lo bệnh tật cho cả người lớn và trẻ nhỏ . (Ảnh minh họa) |
Các bệnh về da
Mùa đông, da dễ bị mất nước nhiều hơn do lượng mồ hôi tiết ra giảm, lớp dưỡng ẩm trên da dễ bay đi khiến chất bã, nhờn bị tích tụ. Nguy cơ vi trùng, vi khuẩn tồn tại ở lớp da vì thế cũng tăng lên. Các bệnh ngoài da, đặc biệt là nhiễm trùng và viêm da vì thế rất dễ xuất hiện.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), để phòng chống bệnh viêm da trong mùa đông, trước tiên phải giữ ấm cơ thể, uống đầy đủ nước, từ 1,5 - 2,5 lít/ngày. Ngoài ra, theo kết quả được công bố trên tạp chí Food Technology, các nhà khoa học Mỹ cho rằng, cần bổ sung axit béo để phòng tránh các bệnh về da. Đây là thành phần cấu tạo nên màng tế bào, giúp tế bào luôn khỏe mạnh và duy trì tốc độ tái sản sinh tế bào mới. Axit béo có nhiều trong trứng, cá thu, cá hồi, sò hay hạt bí ngô và hạt óc chó.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên chọn lựa và sử dụng loại kem giữ ẩm với thành phần bổ sung chất ẩm tự nhiên và kích thích sản sinh collagen - một loại protein có tác dụng kết nối các tế bào, là yếu tố quyết định sự săn chắc và mịn màng của da.
Chứng hen suyễn
Hen suyễn được xem như bệnh viêm mãn tính ở phế quản. Viêm mãn tính đi kèm với sự nhạy cảm quá mức của đường dẫn khí, dẫn đến nhiều cơn suyễn với triệu chứng khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Bệnh thường xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm, báo hiệu bằng hắt hơi, sổ mũi, không sốt.
Đây cũng là một loại bệnh di truyền và thường gia tăng vào mùa lạnh. Bệnh sẽ trở nên nặng hơn do các chất gây dị ứng, không khí ô nhiễm, nhiễm trùng đường hô hấp, cảm xúc không ổn định, điều kiện thời tiết và một số loại thuốc.
Tại Mỹ, mỗi năm hen suyễn gây ra khoảng 5.000 ca tử vong, và 500.000 trường hợp phải nhập viện. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, hen suyễn có thể gây suy giảm dài hạn chức năng phổi hay còn gọi là suy hô hấp mãn tính.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học California và Viện Nghiên cứu Y khoa Sanford - Burnham (Mỹ), kiểm soát chế độ ăn uống hàng ngày là một trong những bước quan trọng đầu tiên để quản lý triệu chứng hen suyễn. Các loại rau quả giàu vitamin C và beta-carotene như ớt chuông, cải xoăn, cà rốt... sẽ giúp trung hòa các gốc tự do, nhờ đó làm giảm cơn hen. Nên ăn thêm các loại cá như cá hồi, cá mòi, cá thu, cá trích bởi chúng chứa hợp chất chống viêm hiệu quả trong việc giảm triệu chứng hen. Không chỉ thế, bổ sung các thức ăn giàu magie như hạt đậu nành rang khô, bột yến mạch hoà với nước, trái bơ hoặc chuối có thể giúp phế quản thư giãn, cơ thể có sức đề kháng cao.
Với người có tiền sử bệnh hen, cần điều trị theo đúng yêu cầu và theo dõi chặt chẽ từ phía bác sĩ. Người bị hen nên ghi nhật ký triệu chứng hàng ngày nhằm đánh giá mức độ kiểm soát bệnh với điều trị hiện tại. Khi hen đã được kiểm soát, người bệnh nên khám định kỳ từ một đến ba tháng mỗi lần.
Viêm dạ dày do siêu vi trùng noro
Norovirus là tên một nhóm các siêu vi trùng gây viêm dạ dày và ruột cấp tính, làm nhiễm trùng đường tiêu hóa, thường xảy ra vào các tháng mùa đông.
Theo ước tính từ Trung tâm Phòng chống và Ngăn ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), năm 2014 có ít nhất 50% số ca viêm dạ dày và ruột cấp tính do norovirus gây ra. Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Anh quốc cho hay, hàng năm, có khoảng gần một triệu người dân nước này bị nhiễm norovirus.
Thường trong vòng từ 12 đến 48 giờ sau khi nhiễm siêu vi trùng noro, người bệnh có triệu chứng đau bụng, ói mửa, ớn lạnh, sốt hoặc tiêu chảy. Bệnh thường bắt đầu một cách bất ngờ và kéo dài từ một đến ba ngày. Tuy nhiên, đa số người mắc sẽ khỏe lại trong vòng một hoặc hai ngày mà không ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, người già và những người có hệ miễn dịch yếu. Đặc biệt người nhóm máu O sẽ dễ nhiễm hơn so với người mang nhóm máu B hoặc AB.
Nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày do siêu vi trùng noro là khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nguồn bệnh trong cộng đồng, khu vực tập trung đông người. Ví dụ như nhà tập thể, trường học là nơi dễ lây lan từ người mang mầm bệnh sang người lành. Ngoài ra, bệnh có thể bị lây nhiễm từ những thực phẩm trong quá trình mua bán, vận chuyển có tiếp xúc với nguồn bệnh…
Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với norovirus, ngoại trừ nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Đa số người bệnh sẽ tự hồi phục mà không bị biến chứng. Cần thực hiện các phương pháp ngăn ngừa sự lan truyền bệnh như rửa tay, làm sạch các bề mặt thường tiếp xúc trực tiếp, cẩn trọng với các loại thực phẩm sống.
Nếu nghi ngờ nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, nên đun sôi nước trước khi sử dụng hoặc dùng một số loại hóa chất cho phép để khử trùng và xử lý nguồn nước.
Thiên Di (tổng hợp)