📞

Bệnh nhân 91 - Phi công người Anh và bài học về tình yêu thương không biên giới

Bảo Anh 21:04 | 16/06/2020
TGVN. Ngày 16/6, theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 - phi công người Anh, ca nhiễm Covid-19 nặng nhất ở Việt Nam đã có thể giao tiếp tốt được bằng lời nói, đứng được và bắt đầu tập đi sau gần 3 tháng hôn mê nằm bất động một chỗ...
Sự hồi phục của bệnh nhân 91 - phi công người Anh là một sự kỳ diệu.

Thông tin này không chỉ làm nức lòng các y tá bác sĩ, những người đã không quản hiểm nguy với căn bệnh quái ác này, ngày đêm miệt mài, kiên nhẫn điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân đặc biệt này trong 3 tháng qua, mà còn làm rung động hàng triệu trái tim người Việt từng giờ, từng phút mong ngóng sự kỳ diệu từ ca bệnh này như nắng hạn chờ mưa.

Đây là một ca bệnh cực kỳ đặc biệt trong kỳ tích chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.

Đặc biệt vì đây là ca bị nặng nhất, điều trị lâu nhất, tốn kém nhất và ít hy vọng nhất. Tuy nhiên, tinh thần “còn nước còn tát” của lãnh đạo Bộ Y tế, của lãnh đạo hai Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy và các bác sỹ, y tá chăm sóc bệnh nhân đã tạo niềm tin và động lực giúp người bệnh vượt qua được những lúc hiểm nghèo nhất.

Điều đặc biệt nữa là đến hôm nay, rất ít thông tin về tên tuổi, nhân thân của anh được biết. Những gì được nhắc đến chỉ là mấy từ ngắn gọn “Bệnh nhân 91” hay “Bệnh nhân (phi công) người Anh”.

Điều này gợi cho người ta nhớ đến một bộ phim cùng tên đã xuất sắc giành được 9 giải Oscar, 2 giải Quả cầu vàng và 5 giải BAFTA cho phim hay nhất vào năm 1997. Bộ phim kể về một phi công người Anh bị thương nặng trong một chiếc máy bay bị bắn rơi xuống khu vực sa mạc Sahara trong Thế chiến II.

Sau tai nạn máy bay, bệnh nhân người Anh không nhớ được một chút gì về mình cũng như tất cả những gì đã xảy ra. Anh ta được tạm đặt tên là “bệnh nhân người Anh” và được chuyển cho y tá Hana chăm sóc tại một khu tu viện bỏ hoang trong chiến tranh.

Với lòng yêu thương và sự chăm sóc chân thành, dịu dàng và rất đỗi ân cần của Hana, “Bệnh nhân người Anh” đã dần hồi phục và kể lại cho cô nghe về quá khứ và lai lịch nhân thân của mình.

Báo chí quốc tế những ngày qua đã có nhiều bài ca ngợi thành công kép của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19 và trong việc cứu chữa cho bệnh nhân phi công người Anh này.

Trên trang chính của các hãng thông tấn lớn như BBC, Reuters, Daily Mail… đã có nhiều bài viết ca ngợi các bác sỹ, y tá Việt Nam đã rất kiên nhẫn chữa trị cho bệnh nhân phi công người Anh.

Trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, người dân bày tỏ sự tin tưởng, khâm phục dành cho các bác sỹ, y tá - những “chiến sĩ áo trắng” - xung phong trên tuyến đầu chống giặc Covid-19.

“Bệnh nhân người Anh” ngày xưa và “Bệnh nhân (phi công) người Anh” hôm nay - hai nhân vật, hai số phận, hai cuộc đời, hai hoàn cảnh ở hai thời điểm khác nhau nhưng có chung một bài học về tình người, tình yêu thương không biên giới đã giúp cho họ vượt qua những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời.

Việt Nam đã viết lên một câu chuyện cổ tích đẹp thời hiện đại.