📞

Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Điều trị bằng trái tim - Chăm sóc bằng tấm lòng

Cao Quang 18:49 | 11/07/2023
Trải qua 67 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã trở thành địa chỉ khám bệnh, chữa bệnh tin cậy của nhân dân trong nước và quốc tế.

Bệnh viện Phụ sản Trung ương là Bệnh viện hạng I, đầu ngành về lĩnh vực sản phụ khoa, sơ sinh, chẩn đoán trước sinh, hỗ trợ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Trải qua 67 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện thực sự đã trở thành địa chỉ khám bệnh, chữa bệnh tin cậy của nhân dân trong nước và quốc tế…

Hiện nay, Bệnh viện Phụ sản Trung ương có đội ngũ gần 1.600 thầy thuốc, cán bộ, viên chức có trình độ chuyên môn cao tại 39 khoa/phòng/trung tâm cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại. Năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 tuy gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 tập thể lãnh đạo và toàn thể CBVC, NLĐ, Bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu kép: vừa chung tay làm tốt công tác phòng, chống đại dịch Covid -19, vừa kiến tạo những giá trị mới trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chính trị; Đảm bảo đời sống, thu nhập cho người lao động để không có người lao đông nào phải bỏ việc, thôi việc. Bằng nhiều cách làm khoa học, chủ động, bám sát chủ trương, quy định pháp luật, bệnh viện đã không để thiếu thuốc, thiếu hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế cho khám bệnh, chữa bệnh

Bệnh viện Phụ sản Trung ương không chỉ là cơ sở đầu ngành của chuyên ngành Phụ sản, sinh đẻ kế hoạch và sơ sinh mà còn là cở sở đào tạo Đại học, sau Đại học, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và chuyển giao công nghệ về chuyên ngành Phụ sản, sơ sinh trong phạm vi cả nước.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện tặng quà cho bệnh nhân tại khoa Sản bệnh. (Nguồn: Bệnh viện Phụ sản Trung ương)

Bên cạnh đó, Bệnh viện luôn áp dụng những kỹ thuật mới, tiên tiến cho cả lĩnh vực lâm sàng và cận lâm sàng. Kỹ thuật mổ nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm, chăm sóc và điều trị sơ sinh, chẩn đoán trước sinh đã làm nên thương hiệu và danh tiếng Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Nhiều kỹ thuật lâm sàng mới được triển khai từ năm 2019 như: Kỹ thuật đặt Propess gây khởi phát chuyển dạ, đặt buồng tiêm, truyền dưới da, đặt bóng cầm máu trong hút thai tại vết mổ đẻ cũ ở tử cung, Kỹ thuật đặt bóng cầm máu (bóng buồng tử cung)... Nhiều trẻ sinh non ở tuổi thai 25 -27 tuần nặng 400 - 500gram được cứu sống như một “ kỳ tích” đã mang đến niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến cho rất nhiều bà mẹ và gia đình.

Trong năm 2021, Bệnh viện tiếp tục phát triển các kỹ thuật mới trong lĩnh vực lâm sàng và cận lâm sàng như: Sinh thiết lõi cho người bệnh nghi ngờ ung thư vú; Điều trị hóa chất cho người bệnh ung thư buồng trứng có thai; Phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng từ tinh hoàn (Microtese); Điều trị dính buồng tử cung bằng phẫu thuật soi buồng tử cung kết hợp với sử dụng gel Hyaluronate (Protad); Tiêm phòng Covid-19 cho phụ nữ có thai. Đối với lĩnh vực cận lâm sàng thì đã thực hiện được Sàng lọc bất thường gel tiền làm tổ (PGT-A); Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh SARS CoV-2.

Cùng với việc hoàn thành xuất sắc công tác khám, chữa bệnh, Bệnh viện là đơn vị tích cực ứng dụng hiệu quả các sáng kiến công nghệ thông tin vào quản lý chất lượng bệnh viện, cải cách thủ tục hành chính, rút gọn quy trình khám chữa bệnh như: thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai thanh toán bằng hoá đơn điện tử - chuyển đổi số y tế. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ đã mang đến sự hài lòng của người bệnh.

Đối với công tác hội chẩn khám chữa bệnh từ xa Telehealth thuộc dự án Khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế giai đoạn 2020 -2025 đã chính thức đi vào hoạt động từ 3/2021. Hiện đã có trên 80 bệnh viện xin tham gia kết nối và đã thực hiện được 5 buổi hội chẩn trực tuyến.

Không chỉ là kênh kết nối nhanh chóng, linh hoạt giữa tuyến, các bệnh viện hệ thống Telehealth còn có thể hỗ trợ bệnh nhân kết nối trực tiếp với bác sĩ bất cứ thời điểm nào để xử lý trong các tình huống khẩn cấp hoặc trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng người bệnh không thể đến bệnh viện thăm khám được...

Vì thế, ứng dụng Telehealth mang lại nhiều lợi ích cho cả người bệnh và hệ thống y tế. Thông qua các buổi hội chẩn, trao đổi chuyên môn, người dân ở mọi miền trên Tổ quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa cũng có điều kiện tiếp cận với hệ thống y tế chất lượng cao, tiết kiệm chi phí đi lại. Bên cạnh đó, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa cũng giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Việc đưa nền tảng Telehealth vào hoạt động cũng góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương và giúp đội ngũ y, bác sĩ tuyến dưới có thêm kiến thức, tự tin hơn trong điều trị và giúp tận dụng "giờ vàng" cứu chữa người bệnh, từ đó giảm thiểu tối đa các ca tử vong.

Phát huy vai trò là bệnh viện đầu ngành Sản phụ khoa, trong năm 2023, Bệnh viện tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và năng lực cung cấp các dịch vụ y tế; cải thiện cơ sở vật chất, công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, chuyên sâu, đảm bảo vững vàng thích ứng trạng thái bình thường mới trong các hoạt động phục vụ công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo và chỉ đạo tuyến.

Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. (Nguồn: Bệnh viện Phụ sản Trung ương)

Những đóng góp to lớn của Bệnh viện trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được minh chứng qua những phần thưởng cao quý mà Bệnh viện đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế trao tặng như: Danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2010); Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của Bộ Y tế; hằng năm đều đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.

Nhiều tập thể, cá nhân đã được khen tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; Huân chương Lao động; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen Bộ trưởng và các danh hiệu thi đua khác. Nhiều cá nhân được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc ưu tú...