📞

"Bí ẩn" công nghệ nhận dạng khuôn mặt và những tranh cãi nảy lửa

17:00 | 01/04/2019
Mang nhiều tiện ích nhưng công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang ẩn chứa nhiều nguy cơ khó lường, chính vì vậy, chủ đề này đã và đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều người còn cho rằng, công nghệ này là độc đoán, nguy hiểm và vô pháp luật.

Công nghệ mang lại nhiều tiện ích

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt (NDKM - Facial Recognition) là công nghệ xác định hoặc xác nhận một người từ hình ảnh kỹ thuật số được lấy mẫu trước đó hoặc từ một khung hình trong một nguồn video khác. Để nhận dạng, các thuật toán được cung cấp hàng trăm ngàn tấm ảnh của nhiều khuôn mặt với đặc điểm đa dạng được gọi điểm nút, như khoảng cách giữa hai mắt, chiều rộng của mũi, độ sâu của hốc mắt, hình dạng của xương gò má, độ dài của xương hàm…

Một tên tội phạm bị nhận diện bằng Skynet; (Nguồn: Sina)

So với công nghệ nhận dạng vân tay, tròng mắt, hay giọng nói, đây là công nghệ sinh trắc học ít tác động đến người dùng nhất và nhanh nhất, đang được sử dụng khá phổ biến tại nhiều quốc gia. Một trong những lợi thế quan trọng của công nghệ NDKM là không đòi hỏi sự hợp tác của các đối tượng, có thể hoạt động ở khoảng cách xa - không phải tiếp xúc trực tiếp như bất kỳ hệ thống bảo mật nào, kể cả máy quét vân tay vẫn thường được sử dụng.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt được ứng dụng rộng rãi để phát hiện tội phạm nguy hiểm, kiểm tra hàng không, mở khóa điện thoại, theo dõi học sinh, sinh viên, chẩn đoán chứng bệnh lạ, thanh toán online, quảng cáo, giúp người khiếm thị, kiểm soát người tham dự các buổi lễ tại nhà thờ, chặn trẻ em livestream,…

Ở Trung Quốc, công nghệ NDKM còn được áp dụng để đi tàu điện ngầm, để giám sát và phân biệt lợn, giúp phòng ngừa bệnh tốt hơn, không gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thịt cho người dân trong chăn nuôi...

Hoặc như Chương trình Sky Net - Lưới trời (hiện đổi tên thành Pingan Chengshi, hay còn được gọi là thành phố an toàn) đã kết nối hơn 200 triệu camera giám sát trên khắp lãnh thổ Trung Quốc vào năm ngoái và có kế hoạch tăng gấp 3 lần con số này vào năm 2019. Được đưa vào sử dụng từ năm 2015, Skynet đã giúp cảnh sát bắt được không ít  tội phạm nguy hiểm, đang truy nã, thậm chí cả tội phạm sau 19 năm lẩn trốn đã đổi họ thay tên, dù có đeo khẩu trang, kính râm, hay đội cả mũ.

Tháng 3/2018, Trung Quốc tiếp tục đưa vào hệ thống Skynet các chức năng giám sát điện thoại thông minh và cả tivi có kết nối Internet lắp đặt tại các hộ gia đình. Họ có kế hoạch, đến năm 2020, chấm điểm công dân dựa trên hành vi ứng xử nơi công cộng thông qua camera giám sát và công nghệ NDKM.

Chính quyền Mỹ đang muốn mở rộng chức năng quét khuôn mặt tại các sân bay càng sớm càng tốt, với mục tiêu cuối cùng là để theo dõi 100% hành khách, kể cả người Mỹ. Mục tiêu của chính quyền Trump là cài đặt thiết bị NDKM tại 20 sân bay hàng đầu của Mỹ vào năm 2021. Hiện tại, Mỹ đang gấp rút thực hiện hệ thống như vậy để theo dõi hơn 100 triệu khách du lịch quốc tế trên hơn 16.000 chuyến bay mỗi tuần.

Gây nhiều tranh cãi.

Cái gì cũng có hai mặt, việc ứng dụng rộng rãi công nghệ NDKM cũng không ngoại lệ và đang là chủ đề tranh cãi. Tuy là hữu ích, nhưng nhiều cá nhân, tổ chức bày tỏ lo ngại rằng, sự riêng tư đang bị tổn hại bởi cách sử dụng công nghệ giám sát. Từ chính phủ, đến các cơ quan hữu quan đều có khả năng biết nơi ở và hoạt động của tất cả các công dân suốt ngày đêm - điều rất dễ bị lạm dụng... Nhiều người còn cho rằng, công nghệ này là độc đoán, nguy hiểm và vô pháp luật. 

Một quan chức Trung Quốc cho hay, Skynet hợp pháp về cả tính định hướng và kỹ thuật, nó bảo vệ quyền riêng tư và lợi ích hợp pháp của công dân và thực thi pháp luật một cách công bằng, nghiêm minh; nhà nước cũng quy định, không tổ chức, cá nhân nào có quyền sử dụng hình ảnh trái phép của Skynet…, và vi phạm quyền riêng tư của công dân. Tuy nhiên, điều này không đủ để người dân yên tâm khi cả cộng đồng đều có thể thấy rõ mọi thông tin cá nhân của họ trên màn hình mỗi khi ra đường.

SenseNets - một công ty chuyên cung cấp công nghệ NDKM và phân tích đám đông tự hào rằng, họ có thể theo dõi bất kỳ ai tham gia giao thông trong thành phố hoặc “chỉ mặt” từng người dù họ đứng giữa đám đông. Tuy vậy, chỉ mới đây thôi, cơ sở dữ liệu chứa hơn 2,5 triệu hồ sơ người dùng của SenseNets đã bị phát tán trên Internet và bất cứ ai cũng có thể xem các hồ sơ này, theo dõi trực tiếp di chuyển của “đối tượng” dựa trên tính năng NDKM theo thời gian thực của SenseNets.

Trang web Facebook sở hữu số lượng rất lớn các bức ảnh của người dân có thể được sử dụng (hoặc bị lạm dụng) cho các mục đích NDKM. Chúng được phân loại theo tuổi tác, giới tính, màu da cùng hàng tá những đặc điểm khác và được chia sẻ cho các nhà nghiên cứu ở trường đại học và công ty, mà chủ của những tấm ảnh ấy lại không hề hay biết, để phục vụ cho một công nghệ mà về sau có thể sẽ được dùng để giám sát họ.

Ở Mỹ đang rộ lên tranh cãi về việc cảnh sát có thể truy cập vào các cảnh quay từ xa và quan sát chi tiết hành động của các nghi phạm mà không có sự hiện diện của tòa án hay những bên có liên quan, liệu có được coi là một hành vi vi phạm nhân quyền?

Các chuyên gia nghi vấn, phần mềm Hikvision đang được nhà chức trách cho lưu hành có thể phát hiện, theo dõi và nhận dạng chính xác mọi người thuộc mọi tông da khác nhau là để nhắm vào những cộng đồng thiểu số, bao gồm người Mỹ gốc Phi, người Mỹ Latin và dân nhập cư - đối tượng mà cảnh sát thường có định kiến. 85 nhóm bảo vệ quyền công dân và công bằng chủng tộc đã kêu gọi các công ty công nghệ từ chối bán hệ thống này cho chính phủ.

Công nghệ nhận diện của IBM có thể phân tích độ rộng cơ mặt, biểu cảm… (Nguồn: News)

Tại xứ Wales, cảnh sát đã dùng công nghệ tự động NDKM ở nhiều sự kiện ở Cardiff kể từ trận chung kết Champions League hồi tháng 6/2017. Tuy nhiên, kể từ khi công nghệ này được sử dụng tại đây, khoảng 2.000 trường hợp đã bị nhận diện nhầm.

Một nhà lập pháp ở San Francisco (Mỹ) vừa đưa ra dự luật về công nghệ giám sát để bảo đảm rằng nó được sử dụng đúng cách, sẽ được xem xét vào tháng tới. Hiện nó được nhiều nhóm nhân quyền của Bắc California ủng hộ.

Được thông qua vào năm 2008, Đạo luật Bảo mật thông tin sinh trắc học (BIPA) tiểu bang IIIinois (Mỹ) yêu cầu các công ty phải có sự đồng ý của người dùng trước khi thu thập sinh trắc học, bao gồm cả dấu vân tay và bản đồ khuôn mặt. Với đạo luật này, các công ty công nghệ như Facebook hay Google đứng trước khả năng bị khởi kiện vì đã tự ý cung cấp tính năng gán thẻ khuôn mặt với người dùng các sản phẩm của họ. Nhiều tổ chức về nhân quyền đã ca ngợi phán quyết này và khuyến khích người dân căn cứ các điều luật để khởi kiện các công ty công nghệ, mở đường cho rất nhiều vụ kiện cáo trong tương lai.

Xét từng trường hợp riêng lẻ thì các công nghệ NDKM đều mang tính sáng tạo và tốt cho những mục đích cụ thể. Tuy nhiên, khi kết hợp lại chúng có thể trở thành công cụ nguy hiểm cho tin tặc và theo dõi bất hợp pháp. Với tất cả những vi phạm dữ liệu và những lựa chọn đáng ngờ của Facebook thời gian gần đây, việc đặt dấu hỏi đối với các công nghệ này là đúng, đặc biệt khi rất ít thông tin được công khai về cách sử dụng công nghệ này và hiện chưa có luật nào quy định việc đó.