"Đất lành, chim đậu" là một hiện tượng khá kỳ thú tại hồ An Dương (xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương). |
Việt Nam có rất nhiều vùng đất được coi là linh thiêng (địa linh) liên quan đến các truyền thuyết. Địa linh không chỉ tạo nên "nhân kiệt", mà còn tạo nên các nghề truyền thống như nghề rèn dao kéo ở làng Đa Sĩ, nghề may ở Phúc Trạch, bánh gai làng Giá, bánh Trung thu và mứt Tết làng Om… Địa linh đôi khi phát sinh nhiều hiện tượng lạ khác như có làng đẻ nhiều con trai, có làng đông con gái, có "làng quan họ", "làng chèo", hoặc "làng tiếu lâm".
Theo các thư tịch cổ thì Ngoại Lãng xưa thuộc quận Giao Châu (thời Bắc thuộc), nay thuộc xã Song Lãng huyện Vũ Thư, Thái Bình đã được các nhà phong thủy phương Bắc đánh giá là đất "địa phát khôi khoa". Những người có trí lớn về đây lập nghiệp đều trở thành bậc hiền tài như Trần Củng Uyên, Đỗ Lý Khiêm, Đỗ Oánh… Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, trong những cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, mảnh đất Ngoại Lãng luôn là một trong những cửa ngõ chiến lược then chốt, là nút an toàn tuyệt đối.
"Đất lành, chim đậu" là một hiện tượng khá kỳ thú tại hồ An Dương (xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương) - nơi trú ngụ của khoảng hơn 170 loài động vật, trong đó có một số loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như: con tổ đỉa, rái cá, cá măng kìm, cò lửa, vạc xám. Người dân vẫn lưu truyền rằng, đầu thế kỷ 15 khu vực này xảy ra 3 trận đại hồng thủy. Nước sông Luộc (đoạn sông Hồng chảy qua) đã khoét vào đây tạo thành những vụng, vực sâu, rồi sinh ra đầm lầy, cồn bãi. Người ta còn đồn rằng, lòng hồ này trước đây từng là nơi tọa lạc của một ngôi chùa thiêng. Không rõ thực hư, nhưng lạ kỳ là nước hồ An Dương chưa từng bao giờ vơi cạn dù có khi nắng hạn. Theo thời gian, từng đàn cò, vạc, chim từ khắp nơi đã đổ về cư trú, ngày càng đông về số lượng và thành phần loài. Điều quan trọng, cuộc sống ở đây ngày một ấm no, thịnh vượng hẳn lên.
Tuy nhiên, bên cạnh đất lành lại có đất dữ. Không ít người tin rằng, việc liên tiếp gặp "tai bay vạ gió" đều do nơi họ sống có ám khí và ma tà ngự trị. Để tránh gặp đất dữ, người ta dùng thuyết phong thủy để hóa giải yếu tố thần bí này. Về thuật xem "tướng đất", các thầy địa lý xưa chỉ có một cách duy nhất là quan sát bằng trực giác trên mặt đất. Ngoài ra, họ còn lo tìm thế đất sao cho hội đủ tứ linh (Đông Thanh long, Tây Bạch hổ, Nam Hồng phượng, Bắc Hắc quy). Vào thời Phục Hưng ở châu Âu, đặc biệt ở Đức, Pháp, Ý… cũng rộ lên nghề dùng "đũa thần" hình chữ Y và con lắc tìm những thứ dưới mặt đất mà họ muốn.
Ngày nay, các nhà khoa học phương Tây đã dùng phương pháp xử lý những tia năng lượng phát lên từ dưới đất gọi là "tia đất" - một loại "trường địa điện từ" tác động lên con người. Khi phát hiện được "tia đất" xấu, con người có thể dùng than hoạt tính hoặc thạch anh để trung hòa nó. Dù vậy, theo kỹ sư Vũ Văn Bằng - người mệnh danh là "thầy phù thủy" trong việc tìm nước ngầm thì hiện tại, hầu hết những nghiên cứu về "tia đất" mới chỉ dừng ở mức xác định được sự hiện diện và mức độ ảnh hưởng của nó tới sức khỏe con người. Còn bản chất thực của "tia đất" thì vẫn còn bỏ ngỏ.
ANH VŨ