Ảnh minh họa |
Một bàn tay thường có ba đường chỉ tay với đường trên cùng là "tâm mệnh" cho biết về tâm lí của người qua các giai đoạn của cuộc đời. Đường tiếp theo từ trên xuống là đường "trí đạo" chỉ về việc học hành, tri thức. Đường phía dưới cùng là đường "sinh đạo" chỉ về cuộc đời và cũng là đường quan trọng nhất. Thường ở một số người, bên cạnh đường sinh đạo còn có một đường song song và ở phía dưới nó (gần ngón cái) gọi là đường sinh đạo đôi cho biết có quý nhân phù trợ. Trên bàn tay, còn có một chỉ khác là đường nghề nghiệp - đường dọc của tay (thường thì cắt cả đường sinh đạo, trí đạo lẫn tâm đạo). Thế nhưng, tên gọi cho những đường chỉ tay này xuất hiện từ đâu?
Thực ra, thuật xem chỉ tay được phát triển từ lâu đời rồi. Những nhà triết học nổi danh như Plato (428-347 trước công nguyên) hay Aristote (384-332 trước công nguyên) cũng đã lưu tâm đến các dấu hiệu trên bàn tay. Họ đã không ngừng tìm hiểu về những đường nét trên bàn tay để mong khám phá những điều bí ẩn về tính cách và bệnh lý của con người. Về sau, thuật xem chỉ tay và nghiên cứu về các chỉ tay càng phát triển mạnh nhất là vào thời Trung Cổ.
Năm 1420, có khá nhiều tư liệu nghiên cứu tìm hiểu về bàn tay của John Lydgate. Trước đó, tại thư viện Bofleian ở Đại học Oxford, người ta đã tìm thấy những tài liệu hướng dẫn cùng với các tranh vẽ về dạng thể các bàn tay được các nhà nghiên cứu ở thế kỷ thứ 13 thực hiện.. Từ thế kỷ thứ 19 trở đi, thuật xem chỉ tay đã chiếm địa vị ưu thế so với các khoa bói toán khác trong vấn đề giải đoán vận mệnh con người. Tuy nhiên, cũng có một số người cho vấn đề nghiên cứu về tay chỉ là việc làm vô bổ vì tính chất còn mơ hồ của nó.
Dù vậy, các nhà sinh lý học ngày nay vẫn đang mong chẩn đoán được bệnh tật qua các dấu hiệu trên bàn tay con người. Riêng các nhà tâm lý học, xã hội học còn tìm cách tìm hiểu, khám phá từ những đường nét đặc trưng trên bàn tay để biết tâm lý, cá tính, sở trường, sở đoản của mỗi con người và tiến xa hơn nữa trong vấn đề tìm hiểu suy đoán những gì mà con người gọi là định mệnh. Nhiều nhà chính trị, quân sự, giao tế… đã không ngần ngại nghiên cứu những điều bí ẩn trên bàn tay để giúp họ thực hiện những kế sách kiểu "biết mình biết người, trăm trận trăm thắng".
Ở Việt Nam, từ lâu đã có nhiều sách vở tài liệu nói về thuật xem chỉ tay cùng những phương thức, luận đoán, tìm hiểu những dấu hiệu và đường nét. Tuy nhiên, các tài liệu này đôi khi đối nghịch nhau hoặc trình bày có vẻ vừa mở vừa đóng hay đôi khi khép hờ. Vì thế, tài liệu sách vở tuy nhiều nhưng có vẻ rời rạc, không nổi bật. Thực tế, những chỉ tay của mỗi cá nhân hết sức riêng biệt và thuật xem chỉ tay không bao giờ chính xác 100%. Nó không phải là một lĩnh vực khoa học chính xác, dù cũng có cơ sở để dự đoán tương lai.
NHƯ THẢO