Ngày 28/10, bên lề kỳ họp Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã làm rõ những vấn đề liên quan đến việc phát triển giao thông trên địa bàn Thủ đô. Theo ông Hải, thành phố đang chịu sức ép lớn về vấn đề giao thông, do tăng trưởng dân số, gia tăng phương tiện cá nhân. Cụ thể, Hà Nội có khoảng 560.000 ô tô, khoảng 5,5 triệu xe máy và con số này vẫn tiếp túc tăng thêm.
- Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng dường như chưa có giải pháp căn cơ để làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường. Vừa qua, giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân lại được thành phố đề cập đến, tuy nhiên giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu người dân?
- Người dân mua ô tô, xe máy là theo nhu cầu, dẫn đến hạ tầng phải chạy theo. Do vậy, thời gian tới thành phố phải phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng thuận lợi để người dân sẵn sàng sử dụng. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ tăng gần gấp đôi tuyến xe buýt.
Nếu tính độ bao phủ của xe buýt trong 12 quận nội thành, Hà Nội chỉ được 71%. Đó là chưa nói đến việc rất nhiều tuyến không thuận tiện cho người dân. Ngoài ra, các tuyến xe buýt đấu nối với 18 huyện cũng vẫn còn thiếu. Hiện thành phố có 96 tuyến, với 1.500 xe buýt. Để đáp ứng nhu cầu người dân, thành phố dự kiến tăng lên 150 tuyến, với trên 2.000 xe. Ngoài ra, thành phố cũng phải hoàn thiện 8 tuyến tàu điện ngầm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội trả lời báo chí về giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân. (Ảnh: Phương Thảo) |
- Các cơ quan, trường học của Hà Nội phần lớn tập trung trong 12 quận nội thành. Nhu cầu đi lại của người dân ở nội đô là rất lớn, trong khi đó giao thông công cộng phát triển thiếu đồng bộ, chỉ tập trung vào xe buýt, đường sắt đô thị chưa có tuyến nào hoàn thiện. Do vậy, nhiều người cho rằng, Hà Nội sẽ gặp rất nhiều thách thức trong việc hạn chế phương tiện cá nhân?
- Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông và dân số cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng hạ tầng. Thế nên, đến một thời điểm nào đó phải hạn chế phương tiện cá nhân, và đồng thời phải tăng tốc đầu tư phương tiện công cộng. Đề án quản lý phương tiện cá nhân của thành phố nhận được ý kiến nhiều chiều, nhưng chúng ta phải hiểu rằng, đến một lúc nào đó phải hạn chế phương tiện cá nhân.
Còn 8 tuyến tầu điện ngầm cũng có khó khăn nhất định. Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhưng người ta không mặn mà. Còn trong kế hoạch, đến năm 2030 chúng ta phát triển các tuyến tàu điện, lúc đó trong nội đô sẽ không lưu thông xe máy. Chúng ta cũng phải công bố rõ để người dân và cả thành phố có thời gian chuẩn bị. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện đề án và xin ý kiến Hội đồng Nhân dân trong thời gian tới.
- Trong dự thảo, Hà Nội dự kiến đến thời điểm nào sẽ hạn chế phương tiện cá nhân chưa, thưa ông?
- Trong dự thảo dự kiến đến 2025 sẽ cấm xe máy trong khu vực các quận nội đô. Nhưng trên thực tế hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được. Có khả năng phải giãn thời điểm cấm xe máy trong nội đô đến 2030. Đến lúc đó người dân đã có khoảng 14 năm để chuẩn bị và thành phố cũng hoàn thiện được hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng.
- Thời gian qua, Hà Nội đã mở thêm nhiều tuyến xe buýt mới, đầu tư phương tiện hiện đại, nhưng dường như người dân Hà Nội vẫn chưa thực sự mặn mà với loại phương tiện vận tải công cộng này mà vẫn sử dụng rất nhiều phương tiện cá nhân?
- Hiện nay, do giá xăng dầu xuống, người dân chuyển sang đi xe máy và ô tô nhiều hơn. Vì vậy, nhiều tuyến xe buýt không đầy tải nhưng vẫn phải giữ và bù lỗ (hiện bù lỗ khoảng 800 tỷ đồng/năm, đến năm 2020 có thể phải bù lỗ 1.800 tỷ đồng/năm).
Đó là người dân không đi chứ không phải các tuyến xe khách quá tải. Thực tế, cũng có phần do các tuyến xe buýt không phủ khắp các khu dân cư, chuyển tuyến chưa thuận lợi... Điều đó phải khắc phục trong thời gian tới.