Các tiêu chí để đánh giá là doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường. Theo đó, BIDV đã vươn lên vị trí ngân hàng số 1 Việt Nam, xếp thứ 1.691 trong bảng xếp hạng Global 2.000, với doanh thu 2,6 tỷ USD và giá trị thị trường 2,6 tỷ USD.
Theo ghi nhận tại Đại hội đồng cổ đông năm 2016 mới đây, Ban lãnh đạo BIDV cho biết, năm 2015, trong điều kiện chung của nền kinh tế, BIDV đã xác lập vị thế là ngân hàng TMCP đứng đầu trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, ngân hàng còn là công cụ thực thi tốt chính sách tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Tính đến 31/12/2015, quy mô tổng tài sản của BIDV đạt gần 851.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với đầu kỳ, trở thành ngân hàng TMCP có quy mô dẫn đầu thị trường. Nguồn vốn huy động đạt 790.580 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm trước. Chất lượng tín dụng được kiểm soát quyết liệt và chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh còn 1,68%. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.473 tỷ đồng, tăng 18,67% so với năm trước. Các chỉ tiêu về cơ cấu, tỷ lệ an toàn hoạt động về cơ bản đều đáp ứng mục tiêu kế hoạch.
Bên cạnh đó, BIDV nằm trong Top 6 các công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành đến thời điểm 31/12/2015 là hơn 3,4 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu BID đạt hơn 70 tỷ đồng, tăng 90% so với mức vốn hóa đầu năm 2015. Hiện nay, BIDV đang nằm trong top 10 cổ phiếu có vốn hóa dẫn đầu thị trường, chiếm hơn 6% tổng mức vốn hóa toàn thị trường.
Đặc biệt, trong mục tiêu mở rộng hợp tác quốc tế, BIDV tiếp tục phát huy sức mạnh, vai trò Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tại Lào, Campuchia và Myanmar, mở rộng quảng bá xúc tiến đầu tư thương mại quốc tế tại các thị trường tiềm năng như Liên bang Nga, châu Âu, CH Czech, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc)... chủ động hội nhập và tăng cường sự hiện diện ở các thị trường tài chính quốc tế. Tính đến nay, BIDV cũng đã thiết lập quan hệ trên 1.700 định chế tài chính lớn tại 122 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt được những kết quả khích lệ trong hợp tác với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga... Khởi xướng, đồng tổ chức 13 chương trình hợp tác kinh tế quốc tế để chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia các hiệp định FTA, mở cửa cộng đồng ASEAN, kết nối thị trường EU, đặt dấu ấn tại thị trường Đông Bắc Á.
BIDV cũng là ngân hàng tiên phong trong việc không ngừng đổi mới, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ nhằm cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân tốt và cạnh tranh nhất cho khách hàng. Những năm qua, BIDV liên tục nhận được nhiều giải thưởng uy tín quốc tế và trong nước cho các mặt hoạt động hướng theo thông lệ quốc tế như kinh doanh tiền tệ, phái sinh, bán lẻ và công nghệ thông tin, khẳng định sự chuyển dịch cả về lượng và chất trong hoạt động kinh doanh của BIDV, tạo đà phát triển bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.
Forbes Global 2.000 năm nay có sự góp mặt của các công ty từ 63 quốc gia với doanh thu tổng 35.000 tỷ USD, lợi nhuận 2.400 tỷ USD, 162.000 tỷ USD tài sản và thị giá 44.000 tỷ USD. Sau BIDV, ngân hàng Việt Nam còn có Vietinbank xếp thứ 1.808 và Vietcombank đứng thứ 1.843.