Biên đạo múa Trần Tiến Huy. |
Đã gần mười năm sinh sống tại nước Đức và cũng tròn một năm biên đạo múa Trần Tiến Huy gắn bó với công việc sáng tạo nghệ thuật và quản lý tại Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern... Qua múa đương đại, anh đã xây lên một nhịp cầu với ngôn ngữ riêng nhằm kết nối văn hóa và con người giữa hai đất nước...
Thành công và thử thách
Sinh năm 1987 trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là nghệ sĩ múa, Trần Tiến Huy không đặt nặng truyền thống gia đình làm áp lực cho bản thân. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp hệ bảy năm trường Cao Đẳng Múa Việt Nam, anh làm việc tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Năm 2008, anh nhận được học bổng của Công ty Cinevox Junior Company – Thụy Sỹ và vừa được học vừa đi biểu diễn.
Với tài năng và sự khổ luyện ở môi trường quốc tế, năm 2011, Trần Tiến Huy được mời tham gia dự án Dance Movements của Klaus Wegele - nhiếp ảnh gia người Đức quan tâm đến các dự án múa trên toàn thế giới. Từ đây, anh chuyển qua Đức làm việc với vai trò là diễn viên chính tại nhà hát Ballet Hagen, sau đó là Nhà hát quốc gia Mannheim.
“Ở Nhà hát quốc gia Mannheim, tôi thường phải tập cùng lúc 11 tác phẩm. Mỗi vở diễn bạn cứ tính thêm ít nhất một buổi chạy chương trình, nhân lên tính ra mỗi mùa diễn có đến trăm chương trình. Có khi phải diễn nhiều tác phẩm trong một tuần, đầu phải nhớ quá nhiều thứ nên đòi hỏi người diễn viên luôn phải tập trung cao độ”, anh chia sẻ.
Khi trở thành diễn viên, biên đạo múa Nhà hát Kaiserslautern, Trần Tiến Huy tiếp tục đón nhận công việc đầy thú vị là vị trí Giám đốc nghệ thuật của đoàn múa PfalztheaterTanz thuộc Nhà hát Kaiserslautern. Từ tháng 8/2019, anh chính thức rút khỏi sân khấu với tư cách diễn viên múa để tập trung cho công việc sáng tác và quản lý với vai trò Đồng Giám đốc của PfalztheaterTanz Kaiserslautern.
Tuy nhiên, nhiệm vụ mới mang đến cho biên đạo múa đến từ Việt Nam rất nhiều thử thách cùng với lịch làm việc dày đặc của Nhà hát và yêu cầu tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Mặc dù vậy, anh vẫn cảm thấy mình vẫn rất may mắn khi có sự ủng hộ nhiệt tình của các đồng nghiệp trong Nhà hát. Ngoài ra, môi trường sống và làm việc tại Đức mang đến cho anh nhiều cơ hội học hỏi và sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật.
Không quên sản phẩm “Made in Viet Nam”
Làm việc tại Đức nhưng những năm gần đây Trần Tiến Huy luôn về các đồng nghiệp của mình tại châu Âu thực hiện dự án múa đương đại ý nghĩa mang tên “Made in Viet Nam”. Năm nay, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến dự án phải tạm hoãn đến cuối năm nhưng Trần Tiến Huy cho biết “Made in Viet Nam” vẫn đang có kế hoạch lâu dài để phát triển một cách dài hơi và chuyên nghiệp hơn.
“Chúng tôi rất muốn được chia sẻ và cập nhật cùng các bạn yêu múa đương đại tại quê nhà. Việc tiếp sức để có một thế hệ diễn viên múa đương đại mới thật chất lượng và đủ trình độ biểu diễn trên sân khấu châu Âu là cũng là một phần lý do tại sao dự án được ra đời. Vì thế, tôi cũng đội ngũ anh chị em của “Made in Viet Nam” sẽ tiếp tục triển khai chuỗi workshop và Dance Camp trong tương lai sớm nhất có thể”, anh tâm sự.
Những năm gần đây, Trần Tiến Huy luôn về Việt Nam trong thời gian nghỉ để làm hội thảo cũng như chia sẻ thêm về múa đương đại cho các bạn trẻ. Anh cũng đang triển khai kế hoạch để tạo điều kiện và cơ hội nhiều hơn cho những diễn viên có khả năng của Việt Nam được làm việc và học tập tại châu Âu.
“Tôi may mắn vì được gia đình tạo điều kiện đưa đi học tập và thực tế ở châu Âu. Tôi nhận thấy rằng một xã hội phát triển với mặt bằng chung về kiến thức, văn hoá đồng đều và nền kinh tế ổn định sẽ có nhiều điều kiện hơn cho nghệ thuật phát triển. Riêng về múa đương đại ở Việt Nam thì phải nói thật rằng vẫn còn rất thiệt thòi về thông tin cũng như sự đánh giá, cách tiếp cận và nhận định của khán giả. Vì vậy, tôi hy vọng những kế hoạch của tôi sẽ đóng góp một phần vào sự phát triển của múa đương đại Việt Nam”, anh nói.
Hướng đến những mùa diễn mới
Thời điểm hiện tại, Trần Tiến Huy cùng nhà hát của anh bước vào mùa diễn mới sau những tháng ngày bị ảnh hưởng trầm trọng vì dịch Covid-19. Anh cho biết, tại các nhà hát ở Đức thì tính theo mùa chứ không theo năm, cụ thể tại Kaiserslautern thì đoàn múa Pfalztheater làm việc từ cuối tháng 8/2020 đến đầu tháng 7/2021.
Công việc duy trì nhà hát không đơn giản vì hiện tại Đức vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt , đặc biệt là những chương trình sự kiện diễn ra trong không gian khép kín. Điều này thực sự khó khăn cho những người làm nghệ thuật sáng tạo khi phải đảm bảo các điều kiện như diễn viên múa trên sân khấu phải có khoảng cách tối thiểu 6m, bề mặt sàn phải được vệ sinh chống khuẩn mỗi cảnh khi thay đổi diễn viên...
Thế nhưng, Trần Tiến Huy đang cùng biên đạo múa James Sutherland - Giám đốc của Nhà hát phát triển chương trình múa mới với tên gọi “Human, 8words” – một chương trình múa với chủ đề về con người trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Rất khó khăn để sản xuất một chương trình múa dài hơn một tiếng trong thời điểm này với các quy định nghiêm ngặt, nhưng đây cũng là một cơ hội lớn để thử thách bản thân và anh cảm thấy vui vì công việc của mình vẫn được duy trì.