Nghệ sĩ Xuân Lê trong tác phẩm “Phản chiếu” lưu diễn tại Việt Nam trong tháng 6/2024. (Ảnh: NVCC) |
Xuân Lê sinh năm 1988 tại Paris, có cha là người Việt Nam, mẹ là người mang hai dòng máu Việt Nam - Tây Ban Nha. Anh thường không giải thích với người khác về nguồn gốc của mình, nhưng luôn ý thức bản thân là người Việt Nam.
Là một nghệ sĩ nặng lòng với quê hương, Xuân Lê luôn mong muốn được truyền tải thông điệp về nguồn cội tới công chúng.
Từ tác phẩm đầu tay mang tên Boucle (Vòng lặp) ra mắt năm 2019, anh đề cập bản ngã con người và truy vấn xoay quanh những câu hỏi: Chúng ta là ai và từ đâu đến? Tại sao sao chúng ta được sinh ra và sẽ như thế nào trong sự vận động của thế giới?... Thông qua sự chuyển động của cơ thể, xây dựng những vòng lặp cuộc sống để mỗi người có thể liên hệ với các yếu tố của bản thân mình.
Tác phẩm tiếp theo mang tên Reflet (Phản chiếu) ra đời là sự tiếp nối của Boucle đề cập các chủ đề về nguồn gốc và sự tự phát triển. Sau nhiều năm, chủ đề này được anh mở rộng bằng cách khám phá những cuộc gặp gỡ và tìm kiếm sự cân bằng với người khác và chính mình.
Xuân Lê nhìn nhận những buổi biểu diễn này như những câu chuyện thiền định. Trước khi đưa tác phẩm này đến với sân khấu Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, tác phẩm được công diễn nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, với Xuân Lê về diễn ở Việt Nam là một cảm xúc thú vị bởi anh xem tác phẩm như sự suy tư về nhiều mặt, trong đó có quê hương bản quán.
Relfet là sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật múa đương đại, hiphop, trượt patin và nghệ thuật thị giác. Nhẹ nhàng trên đôi giày patin tựa như ở trạng thái không trọng lượng, cựu vô địch Pháp ở giải trượt slalom tự do cuốn khán giả vào một dòng xoáy năng lượng mãnh liệt nhưng cũng hết sức tĩnh tại, khiến người xem tự vấn về nguồn cội và về những mối quan hệ được dệt nên trong đời sống thông qua các chuyển động.
Tác phẩm kiếm tìm sự cân bằng nhưng đồng thời là quá trình khám phá nội tâm: khán giả như bước vào tâm điểm của hành trình cảm xúc nơi hữu hình đối thoại với vô hình. Bằng những đường trượt mềm mại và những vũ điệu tinh tế, hai vũ công đối diện, soi chiếu lẫn nhau nhưng cũng là đang đối diện với bản ngã của chính mình.
Nghệ sĩ Xuân Lê và hoạt động giao lưu tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Nhân chuyến lưu diễn cũng là lần thứ năm Xuân Lê trở lại Việt Nam, anh đã dành cho TG&VN cuộc trò chuyện ngắn giữa những ngày bận rộn chuẩn bị cho các buổi biểu diễn:
Tại sao anh lại lựa chọn một loại hình múa kết hợp với trượt patin?
Tôi lớn lên trên bánh trượt và bắt đầu từ các cuộc thi freestyle slalom skating, việc trượt luôn là một phần của bản thân tôi. Tôi luôn cảm thấy và coi bánh trượt như là một phần mở rộng của cơ thể và các cử động của tôi.
Sự mượt mà và các khả năng mà việc trượt mang lại cho phép các cử động được nhân đôi và cảm giác tự do được tăng cường trong không gian. Điều này mang lại cho loại hình múa những con đường phụ khác để khám phá.
Là nghệ sĩ gốc Việt, anh có gặp khó khăn gì khi phát triển sự nghiệp ở môi trường quốc tế?
Là nghệ sĩ người Pháp gốc Việt và Tây Ban Nha, tôi chưa bao giờ gặp bất kỳ điều gì bất lợi vì sự kết hợp nguồn gốc của mình.
Ngược lại, điều này lại là một chất liệu phong phú cho nghệ thuật. Vì những nền văn hóa này cho phép tôi hấp thụ từ những tưởng tượng khác nhau, cũng như phát triển các quan điểm và hướng suy nghĩ khác nhau.
Hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài đã rèn luyện cho anh bản lĩnh gì, có thể chia sẻ với những bạn trẻ Việt đang theo múa đương đại?
Những chuyến đi là một nguồn cảm hứng lớn cho sự sáng tạo của tôi. Làm việc với các văn hóa khác nhau buộc tôi phải thích nghi, duy trì sự mở cửa và lấy sức từ những đặc điểm riêng của chúng, trong khi vẫn giữ vững ý chí nghệ thuật của mình.
Điều làm cho tôi cảm động trong nghệ thuật múa đương đại là khả năng tự biểu hiện với bản thân thông qua việc lựa chọn ngôn ngữ của mình; bằng cách lấy cảm hứng, biến đổi và diễn giải tự nhiên, các hình thức nghệ thuật khác nhau và những gì xung quanh chúng ta hàng ngày.
Tôi hy vọng qua các tác phẩm của mình, các vũ công trẻ Việt Nam sẽ tìm thấy âm thanh phản hồi trong đó.
Những năm gần đây, múa đương đại ngày càng phát triển và được công chúng trong nước đón nhận. Anh có sự kỳ vọng gì về tương lai của múa đương đại ở Việt Nam?
Chúng tôi may mắn gặp gỡ các vũ công ở các vùng khác nhau khi chúng tôi trình diễn chương trình. Chúng tôi thường bất ngờ trước sự đa dạng lớn, sự tò mò về trình độ kỹ thuật của các vũ công khác nhau, từ các học viện, trường học đến tự học.
Tôi tin rằng tương lai không xa, múa đương đại Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả hiện đại.
| Biên đạo múa Xuân Lê giới thiệu tác phẩm nghệ thuật mới ở quê hương Ngày 4/6 tới, Viện Pháp tại Việt Nam sẽ giới thiệu buổi biểu diễn Reflet (Phản chiếu) của nghệ sĩ Xuân Lê - biên đạo ... |
| Đội bóng đá của cộng đồng người Việt vào trận chung kết giải đấu do Thượng viện Czech bảo trợ Ngày 1/6, giải bóng đá giao hữu giữa các cộng đồng sắc tộc tại CH Czech diễn ra tại sân vận động Dukla, Prague, với ... |
| Thanh niên Việt Nam tại Nga cùng nỗ lực gìn giữ ngôn ngữ và bản sắc văn hóa dân tộc Trải qua 3 giai đoạn cùng rất nhiều chương trình ý nghĩa, Tiếng Việt vui đã trở thành một cầu nối gắn kết các bạn ... |
| Quang Linh Vlogs và nhóm châu Phi: Truyền cảm hứng kết nối người dân Việt Nam-Angola Sáng ngày 3/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) ... |
| ‘Hội nghị Diên Hồng’ của kiều bào Tiếp nối thành công của ba lần tổ chức trước đó, Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa ... |