![]() |
Cuộc điện đàm thượng đỉnh Nga-Mỹ hôm 18/3 thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận thế giới. (Nguồn: CNP/Anadolu) |
"Một bước tiến quan trọng"
Tổng thống Nga và Mỹ trao đổi về giải quyết xung đột ở Ukraine và quan hệ song phương liên quan đến kinh tế, an ninh thế giới. Không có một lệnh ngừng bắn toàn diện 30 ngày như thống nhất giữa Washington và Kiev, nhưng cũng có cái để hai bên công bố và để dư luận hồi hộp dõi theo.
Một, ngừng tấn công hạ tầng năng lượng của Ukraine và Nga. Hai, trao đổi kỹ thuật về ngừng bắn trên biển Đen. Ba, nhất trí tiếp tục đối thoại về giải pháp hòa bình bền vững cho xung đột. Bốn, trao đổi tù binh giữa Moscow và Kiev (việc vẫn làm). Năm, tiếp tục cải thiện quan hệ song phương cùng có lợi, tạo dựng lòng tin thông qua hợp tác kinh tế, kiểm soát vũ khí hạt nhân, thúc đẩy ngừng bắn ở Trung Đông và giao hữu thể thao.
Mỹ tiếp tục đề xuất ý tưởng ngừng bắn 30 ngày. Nga quan ngại về phương án kiểm soát ngừng bắn trên thực địa, việc tận dụng khoảng lặng để củng cố lực lượng, nhận thêm viện trợ quân sự, rồi tiếp tục cuộc xung đột… Ông chủ Nhà Trắng xuống thang, thống nhất “ngừng bắn nhỏ”, Nga và Ukraine dừng tấn công hạ tầng năng lượng của nhau.
Có vẫn hơn không. Mỹ tạm bằng lòng, tuyên bố về “một bước tiến quan trọng” để đi đến ngừng bắn hoàn toàn. Nga thể hiện thiện chí đàm phán và không để mất lòng ông chủ Nhà Trắng.
Chưa giải đáp thấu đáo các câu hỏi của Nga thì chưa thể có một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện. Bởi sẽ xảy ra tranh cãi, đổ lỗi, thậm chí tạo dựng vi phạm khiến tình hình phức tạp hơn. Kết quả cuộc điện đàm kéo dài 2 tiếng đồng hồ, vì thế, không quá bất ngờ, phù hợp với tình hình thực tế. Cả Mỹ và Nga đều hiểu rằng phải đi từng bước một.
Tin liên quan |
![]() |
Trong khi đó, Ukraine và EU thở phào nhẹ nhõm khi Tổng thống Donald Trump không đề cập chuyện quốc gia Đông Âu nhượng bộ lãnh thổ dù trước đó hơn một lần tuyên bố và đồng ý nối lại viện trợ quân sự. Tuy nhiên, Kiev và Brussels cũng không vui vì vẫn bị Mỹ đặt ra ngoài; Washington không ép mạnh hơn buộc Moscow phải nhượng bộ và Nga không sa vào cái “bẫy giăng sẵn”.
"Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng mục tiêu của tất cả các nỗ lực phải là mang lại một nền hòa bình công bằng và lâu dài cho Ukraine". (Thủ tướng Đức Olaf Scholz) |
Bao giờ đến bước tiếp theo
Mỹ muốn đẩy nhanh, nhưng Nga vẫn bảo lưu quan điểm ngừng bắn chỉ có giá trị thực sự khi gắn với một giải pháp tổng thể. Ngoài những điều kiện đã nêu, Moscow nhấn thêm, cần chấm dứt viện trợ quân sự và ngừng chia sẻ thông tin tình báo từ bên ngoài (Mỹ và EU).
EU, Ukraine luôn phản đối các điều kiện của Nga (NATO không kết nạp Ukraine, không đưa quân vào giám sát ngừng bắn; Kiev nhượng bộ lãnh thổ, phi phát xít hóa, trung lập hóa…). Điều kiện bổ sung gây thêm rắc rối, khác nào bó tay Brussels và Kiev, nên khó chấp nhận.
Ngừng bắn có điều kiện là xu thế khó tránh khỏi. Nhưng đường đến đồng thuận vẫn còn nhiều trắc trở, đột biến. Trước hết các bên phải thỏa hiệp điều kiện mới có thể gặp gỡ đối thoại. Chấp nhận đối thoại, đàm phán rồi, lại có thể vướng vào tranh cãi kéo dài. Trong khi đó, chiến sự vẫn có thể tiếp diễn, thậm chí ác liệt hơn.
Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện có thể đạt được trong hai trường hợp. Một, áp lực bên ngoài gia tăng và chi viện quân sự giảm, nhất là từ Mỹ. Trường hợp đó, Ukraine chịu tác động bất lợi hơn. Nga lợi thế quân sự, có con bài để mặc cả, nhưng cũng không thể kéo quá dài. Hai, chiến trường có đột biến, Moscow giải quyết xong “con bài Kursk”, dồn lực chiếm một số mục tiêu có ý nghĩa chiến lược, Kiev tổn thất lớn, buộc phải nhượng bộ.
Không loại trừ thỏa thuận được chấp thuận, nhưng trục trặc hoặc phải tạm dừng khi có bên vi phạm. Bước mở đầu đã khó, bước tiếp theo, đàm phán kế hoạch hòa bình càng khó hơn với những toan tính trái ngược của các bên. Hòa bình chỉ bền vững khi các mâu thuẫn gốc rễ được loại bỏ. Chuyện đó vô cùng phức tạp.
“Tổng thư ký hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng, cũng như tiến trình đàm phán hướng tới thực hiện sáng kiến an toàn hàng hải ở Biển Đen. Ông cũng hoan nghênh thông tin Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhất trí về lệnh ngừng bắn một phần đối với cơ sở năng lượng cũng như việc các nhóm kỹ thuật sẽ thảo luận về việc mở rộng lệnh ngừng bắn ra Biển Đen”. (Trích thông cáo báo chí của Liên hợp quốc, ngày 19/3) |
Ai quyết định chấm dứt xung đột
Theo lệ thường, “hai người trong cuộc” là nhân tố quyết định. Nga, bên tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, đang nắm lợi thế chiến trường chắc chắn là một nhân tố có vai trò trực tiếp quyết định chấm dứt xung đột. Moscow sẽ chấm dứt xung đột khi cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng “hai tay mới vỗ thành tiếng”. Chấm dứt hay không, không chỉ do mình Nga quyết định.
Đối với Ukraine, ngoài mục tiêu giữ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, Kiev còn tự nhận gánh vác sứ mệnh bảo vệ an ninh châu Âu. Hơn thế nữa, Ukraine phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Mỹ và EU. Nên Kiev không có đầy đủ yếu tố, điều kiện để tự quyết định tiếp tục hay dừng cuộc xung đột và con đường tương lai của mình.
EU tiếp tục viện trợ cho Ukraine mạnh lên. Nếu kết thúc bằng đàm phán, cũng phải trên thế có lợi, tạo được vùng đệm an toàn, bền vững cho châu Âu. Chỉ mình viện trợ quân sự của EU khó giúp Kiev lật ngược thế cờ, nhưng họ có thể khiến tiến trình đàm phán kéo dài, diễn biến phức tạp.
Chính Mỹ thừa nhận xung đột ở Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga; nếu Washington dừng viện trợ quân sự, Kiev khó trụ lâu. Vì thế, Mỹ là một trong những nhân tố có vai trò quyết định việc chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, toan tính của Washington khá phức tạp. Một mặt, họ muốn đẩy nhanh ngừng bắn theo kịch bản, chứng tỏ vị thế “nhà kiến tạo hòa bình số một”; nhanh chóng rút chân khỏi vũng lầy, tập trung nguồn lực đưa “nước Mỹ trở lại vĩ đại” và đối phó với đối thủ cơ bản, hệ thống. Mặt khác, Mỹ muốn tiếp tục duy trì ảnh hưởng lớn, lợi ích chiến lược ở châu Âu, ngăn không để châu Âu và Nga xích lại gần nhau, loại trừ các đối thủ tiềm năng.
***
Dù góc nhìn khác nhau, nhưng điện đàm giữa hai Tổng thống vẫn là sự kiện mang lại dấu hiệu tích cực, mở đường cho bước tiếp theo và cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ. Hai nhân vật chủ yếu thúc đẩy, thỏa thuận ngừng bắn có điều kiện có thể được chấp thuận và khởi động đàm phán giải quyết vấn đề Ukraine. Nhưng với nhiều toan tính và biến số, tiến trình đàm phán thỏa thuận và kế hoạch hòa bình sẽ còn nhiều phức tạp, không loại trừ đột biến bất ngờ.
![]()
| Điện đàm Nga-Mỹ: Phá băng và hàn gắn Dù không đạt được đột phá trong chấm dứt xung đột tại Ukraine, song cuộc điện đàm thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 18/3 cho thấy nhiều ... |
![]()
| Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc nói gì trong cuộc hội đàm vài giờ sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump? Ngày 21/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng đưa quan hệ song phương lên ... |
![]()
| Điện đàm Nga-Mỹ: Tổng thống Putin đồng ý tạm ngừng bắn 30 ngày ở các cơ sở năng lượng, ra điều kiện giải quyết xung đột Ukraine Tối muộn 18/3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc điện đàm nhằm ... |
![]()
| Có gì trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và ‘người bạn thân’ Donald Trump? Hai bên “sẽ cùng nhau làm việc vì phúc lợi của người dân hai nước, hướng tới hòa bình, thịnh vượng và an ninh toàn ... |
![]()
| Ảnh ấn tượng: Tổng thống Nga nêu điều kiện đàm phán với Ukraine, nói chưa thấy thiện chí từ Kiev, ông Trump bình luận thảm họa hàng không ở Mỹ Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu điều kiện đàm phán với Ukraine, nói chưa thấy thiện chí từ Kiev, ông Trump phát biểu về tai ... |