Tiêm kích Nga bay gần tàu HNLMS Eversten của Hà Lan ở Biển Đen. (Nguồn: BQP Hà Lan) |
Tình hình khu vực Biển Đen tiếp tục có những căng thẳng mới sau khi Bộ Quốc phòng Hà Lan ngày 29/6 cho biết chiến đấu cơ của Nga đã “quấy rối” khinh hạm HNLMS Eversten của Hà Lan khi đang hoạt động trong khu vực Biển Đen hôm 24/6.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Nga và Anh vẫn đang tranh cãi về vụ việc tàu khu trục HMS Defender (lớp Type 45) của Anh bị gây sức ép khi di chuyển trong vùng lãnh hải gần bán đảo Crimea do Nga kiểm soát.
"Chạm trán" liên tiếp
Theo Bộ Quốc phòng Hà Lan, vụ việc kéo dài 5 tiếng đồng hồ, khoảng từ 15h30 tới 20h30 ngày 24/6 khi tàu HNLMS Evertsen ở phía “Đông Nam của Crimea”. Bộ Quốc phòng Hà Lan cho hay máy bay Nga có trang bị bom và tên lửa không đối đất đã áp sát tàu chiến của Hà Lan và tiến hành các cuộc tấn công nghi binh và gây nhiễu hệ thống liên lạc.
Trong một tuyên bố, chỉ huy tàu Eversten khẳng định, tàu này đang đi trong vùng biển quốc tế bên ngoài lãnh hải Crimea mà cả Nga lẫn Ukraine đều tuyên bố chủ quyền và phía Nga không có lý do để tiến hành các hành động mà ông gọi là “tắc trách và không an toàn” như vậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld-Schouten khẳng định “tàu Evertsen có quyền di chuyển ở đó. Không thể bào chữa cho hành động gây hấn này, vốn làm gia tăng nguy cơ đụng độ một cách không cần thiết”.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng Hà Lan cũng cho rằng Nga đã vi phạm quyền tự do hàng hải và các hiệp định đa phương, trong đó có Thỏa thuận ngăn ngừa sự cố trên biển (INCSEA).
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/6 ra tuyên bố khẳng định khinh hạm Evertsen của Hải quân Hà Lan đã thay đổi lộ trình và bắt đầu tiến về phía Eo biển Kerch tại Biển Đen hôm 24/6.
Phía Nga cho biết Hạm đội Biển Đen của nước này đã tiến hành các biện pháp kiểm soát mục tiêu trước những hành động của các tàu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoạt động trong khu vực Biển Đen.
Để ngăn chặn việc khinh hạm Evertsen của Hải quân Hà Lan, vốn được phát hiện ở vùng biển trung lập đã thay đổi lộ trình và bắt đầu tiến về phía Eo biển Kerch, xâm phạm vùng lãnh hải do Nga kiểm soát, một máy bay chiến đấu Su-30 và một máy bay ném bom Su-24 từ một đơn vị trực chiến đã cất cánh.
Phía Moscow cũng nhấn mạnh máy bay Nga đã bay "ở khoảng cách an toàn" với tàu chiến của Hà Lan. Tàu của Hà Lan sau đó đã đổi lộ trình và đi ra khỏi vùng biển Nga.
Khinh hạm Eversten của Hà Lan thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay đa quốc gia do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh dẫn đầu, còn được gọi là nhóm tàu sân bay 21 (CSG21). Nhóm này đang tiến hành tuần tra ở Biển Đen cùng với tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh.
Trước đó, hôm 23/6, máy bay Nga cũng “xua đuổi” tàu khu trục HMS Defender của Anh đang hoạt động ở Biển Đen, trong một vụ việc mà Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace chỉ trích là “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp”.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã bắn cảnh cáo và thả bom chặn tuyến đường của tàu khu trục Anh mà Moscow cho rằng đã xâm phạm vùng lãnh hải gần Crimea mà Nga tuyên bố là thuộc vùng lãnh hải hợp pháp của họ sau khi sáp nhập Crimea song không được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi.
Nguy cơ xung đột giữa các lực lượng của Nga và NATO tại Biển Đen đang ở mức cao nhất trong thời gian gần đây. (Nguồn: Head Topics) |
Biển Đen thành điểm nóng mới?
Cũng giống như sự cố giữa hải quân Anh và Nga vào tuần trước, vụ "chạm trán" giữa tàu Evertsen của Hà Lan với Hải quân Nga đang dẫn tới những căng thẳng ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, ở góc độ khác, vụ việc cho thấy có sự leo thang căng thẳng tại khu vực Biển Đen.
Những diễn biến trên tại Biển Đen xảy ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc tập trận chung mang tên "Sea Breeze 21" do Mỹ và Ukraine tiến hành. “Sea Breeze 21” là cuộc tập trận thường niên lớn nhất kể từ khi tổ chức lần đầu 27 năm trước.
Năm nay, cuộc tập trận này chứng kiến sự tham gia của 32 nước, 5.000 binh sĩ, 32 tàu và 40 máy bay. Cuộc tập trận đã bắt đầu ngày 28/6 bất chấp sự phản đối của Nga.
Ngày 29/6, thuyền trưởng Kyle Gantt, sĩ quan quân đội Mỹ và là Phó chỉ huy của Lực lượng Đặc nhiệm 65 tuyên bố: “Chúng ta đang chứng minh cho thế giới thấy rằng Biển Đen là vùng biển quốc tế. Đây là vùng biển rộng mở cho tự do hàng hải và tự do thương mại với mọi quốc gia. Nó không thuộc sở hữu của riêng một quốc gia nào”.
Biển Đen bao bọc bởi 6 quốc gia: Bulgaria, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Gruzia và Ukraine. Trong đó, Bulgaria, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ đã là thành viên NATO, còn Gruzia và Ukraine đang muốn gia nhập tổ chức này. |
Từ đầu năm 2021, cũng có nhiều vụ việc tương tự xảy ra tại vùng biển này như vụ hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke là USS Donald Cook (DDG-75) và USS Porter (DDG-78) của Mỹ đã gặp phải sự phản đối của Nga khi tới Biển Đen vào tháng 1/2021.
Với việc Hải quân Nga theo dõi chặt chẽ nhóm tàu CSG21 đang hoạt động ở khu vực Đông Địa Trung Hải và sau các vụ việc nói trên, nguy cơ xung đột giữa các lực lượng của Nga và NATO tại Biển Đen hiện ở mức cao nhất trong thời gian gần đây.