Xung quanh vấn đề này, tờ Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài phân tích của tác giả Laurence Delina với tựa đề: “Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu”.
Khó khăn không của riêng ai
Theo bài viết, đầu năm nay, những cơn mưa nặng hạt sau nhiều tháng hạn hán đã khiến nhiều khu vực ở miền Nam Thái Lan và khu vực giáp biên giới Malaysia bị ngập úng nặng nề. Mưa lớn cũng đã làm ngập nhiều thành phố thuộc đảo Mindanao ở Philippines. Nếu các quốc gia Đông Nam Á không bắt đầu hành động ngay từ bây giờ, khu vực vốn dễ bị tổn thương bởi tình trạng biến đổi khí hậu này sẽ phải hứng chịu thêm nhiều ảnh hưởng nặng nề và khó khắc phục do các hiện tượng thời tiết kỳ lạ gây ra.
Tác động gây ra bởi biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở những trận mưa lớn, mà con người cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sóng nhiệt, hạn hán kéo dài và tình trạng nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm các thành thố, làng mạc ven biển.
Cảnh tượng đổ nát sau bão Bopha ở thị trấn Compostela, tỉnh Compostela Valley, phía Nam đảo Mindanao. (Nguồn: AFP) |
Mặc dù giải pháp chuẩn bị và ứng phó với thiên tai ở cấp quốc gia là rất quan trọng, song các quốc gia Đông Nam Á cũng cần huy động chính quyền địa phương đóng góp công sức của mình để ngăn chặn vấn đề này và giảm bớt gánh nặng cho chính quyền trung ương.
Để tăng cường các thỏa thuận, liên kết, hợp tác đối với các chính quyền địa phương đòi hỏi các Chính phủ phải có cách tiếp cận, tăng cường đầu tư nhằm bảo vệ, phục hồi môi trường địa phương. Đầu tiên, các chính quyền địa phương cần tập trung đầu tư vào các giải pháp chống suy thoái một cách đồng bộ, quyết liệt, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân. Các biện pháp cụ thể hơn bao gồm: Tăng cường xây dựng các quy định về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, phục hồi các diện tích đất bị hoang hóa, tích cực xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ việc nuôi trồng phát triển kinh tế.
Thanh niên tình nguyện Việt Nam tham gia trồng rừng. (Nguồn: Trung tâm dữ liệu thực vật Việt Nam) |
Chung tay góp sức
Quan trọng hơn, chính quyền địa phương cần thấy được nghĩa vụ cũng như những quyền lợi liên quan trực tiếp trong việc bảo vệ và phát triển môi trường bền vững. Để đạt được điều này, khâu chuẩn bị trong việc tích hợp và kết nối giữa các địa phương với nhau và với chính quyền trung ương là rất quan trọng. Khi xảy ra trường hợp đột xuất hay khẩn cấp, cần huy động lực lượng từ cả trung ương và địa phương để sơ tán người và cơ sở vật chất.
Phương pháp tiếp cận xuyên biên giới đối với kế hoạch bảo vệ và phục hồi môi trường cũng bao gồm chiến lược để tìm ra sự liên kết giữa năng lượng, nước, giao thông, viễn thông, vệ sinh, sức khoẻ, thực phẩm và các hệ thống an toàn công cộng ở khắp các địa phương.
Người dân Đà Nẵng đưa thuyền lên bờ tránh bão năm 2013. (Nguồn: Giadinh.net) |
Cuối cùng, cần có sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách địa phương cũng và những nhà quản lý cơ sở hạ tầng, các nhà lập kế hoạch cũng như các nhóm công dân để cùng nhau thực hiện kế hoạch một cách đồng bộ. Chỉ có như vậy chương trình mới có thể tạo ra một phong trào, nâng cao sự hiểu biết cũng như ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, kịp thời ứng phó khi đối mặt với các thảm họa xảy ra.
Trong bối cảnh môi trường thế giới và khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề do ý thức của con người cũng như việc nóng lên ở nhiều quốc gia đã khiến cho thế giới đang phải đối mặt với những thảm họa môi trường xảy ra liên tiếp với mức tàn phá ngày càng gia tăng. Khu vực Đông Nam Á là một trong những nơi dễ bị tổn thương và ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Điều này cần phải được các chính phủ cũng như toàn thể mọi người dân nhận thức rõ để họ kịp thời có các biện pháp ứng phó trước khi quá muộn.