📞

Biến đổi khí hậu có thể gây ra đợt khủng hoảng tài chính mới

20:53 | 28/10/2016
Biến đổi khí hậu có thể châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo của thế giới, theo một cựu lãnh đạo Ngân hàng Anh.

"Đó là một rủi ro có tính hệ thống", ông Paul Fisher, một cựu lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây tại Sydney, Australia.

“Một sự thay đổi giá trị đột ngột của các tài sản do biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo", ông cho biết.

Ông Fisher, một quan chức kỳ cựu với 26 năm làm việc tại BoE, dẫn chứng sự sụt giá của đồng Bảng hồi đầu tháng này, sau khi Chính phủ Anh đặt ra lộ trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), như một ví dụ về cách thức giá trị tài sản có thể thay đổi đột ngột.

"Đó chính là hậu quả của biến đổi khí hậu. Nó sẽ gây ra tác động mà bạn có thể nhận ra ngay được," ông Fisher nói.

Ông Paul Fisher - cựu quan chức của Ngân hàng Trung ương Anh. (Nguồn: The Telegraph)

Theo ông Fisher, có những dấu hiệu cho thấy các chính phủ đang ngày càng tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu và các doanh nghiệp cần phải sẵn sàng cho những điều chỉnh lớn.

Tháng trước, tại hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) Mỹ và Trung Quốc đã chính thức phê chuẩn “Hiệp định Paris” về chống biến đổi khí hậu. Theo đó, hai cường quốc gây phát thải ô nhiễm khí CO2 lớn nhất thế giới này sẽ phải kiểm soát sự tăng lên của nhiệt độ Trái Đất.

Ông Fisher cho rằng, khi các chính phủ buộc phải hành động để chống biến đổi khí hậu thì khi đó, tài chính của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Điều đó thể hiện qua những biến động bất ngờ trong các thị trường tài chính.

Trong vài thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu trên toàn cầu ngày càng có tác động xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trái Đất như: băng tan, mực nước biển dâng, nắng nóng, bão lụt, hạn hán, dịch bệnh, sự suy giảm đa dạng sinh học, sự biến mất nhiều loài sinh vật, hệ sinh thái bị hủy diệt...

Tất cả những vấn đề trên đã và đang gây ra những thiệt hại nặng nề đối với kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, để đối phó với biến đổi khí hậu, các quốc gia sẽ cần một lượng tiền lớn để xử lý và kiểm soát sự lây lan dịch bệnh sau thiên tai. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính - chứng khoán.

(theo Bloomberg)