Theo một báo cáo chung của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Toàn cầu về giảm nhẹ thiên tai (do Ngân hàng này quản lý), các thành phố đang phát triển nhanh (đặc biệt là ở các nước đang phát triển) không được chuẩn bị tốt để đối phó với sự gia tăng các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Trên toàn thế giới, có hơn 1 tỷ người có mức sống dưới 1,25 USD mỗi ngày. Nhưng con số này có thể tăng thêm 77 triệu người vào năm 2030, trừ khi các thành phố này có kế hoạch tốt đối phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra, WB cho biết.
Một thành phố Ấn Độ bị ngập lụt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng. (Nguồn: EPP) |
WB kêu gọi các chính phủ đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào các dự án bảo vệ người dân nghèo thành thị từ những tác động của biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng.
"Đầu tư ngay hôm nay là biện pháp tạo khả năng phục hồi và là cơ sở để đảm bảo một tương lai an toàn và thịnh vượng cho các thành phố trên thế giới và cho những người sống trong đó. Chúng ta đang tiếp cận một điểm tới hạn của sự an toàn cho các thành phố trên thế giới", ông Ede Ijjasz-Vasquez - Giám đốc cấp cao của WB cho biết tại một cuộc họp báo.
Các chuyên gia cho rằng, việc đảm bảo cơ sở hạ tầng đô thị mới có khả năng chống lại các vấn đề khí hậu đang gia tăng sẽ đòi hỏi khoảng 1 nghìn tỷ mỗi năm trên toàn thế giới và thất bại trong việc thực hiện các khoản đầu tư này có thể làm các thành phố tốn hàng trăm tỷ USD.
Cảnh báo của WB được đưa ra trước khi một hội nghị của Liên hợp quốc về nhà ở và phát triển đô thị bền vững được tổ chức vào tuần tới tại Ecuador, nhằm mục đích đưa ra các hướng dẫn để các thành phố phát triển bền vững trong 20 năm tới.